Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:29, 22/3/2021
844 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 110 - Chuyên đề Bệnh lý Răng Hàm Mặt Trẻ em

Dính thắng lưỡi, sứt môi hở vòm, hở hàm ếch, răng mọc lệch … là các bệnh lý liên quan đến Răng – Hàm – Mặt. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bé mà còn ảnh hưởng đến vấn đề phát âm và thẩm mỹ khi các bé trưởng thành. Bố mẹ cần nắm được cách điều trị hiệu và cách chăm sóc răng miệng hiệu quả nhất cho trẻ. Đặc biệt đối với các bé có bệnh lý răng hàm mặt bẩm sinh càng phải chăm sóc tốt hơn, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sẽ gây ra thêm các bệnh về răng miệng cho trẻ. Chuyên đề sức khỏe kỳ này BSCK1 Hồ Vân Phụng - Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ tư vấn, giải đáp thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề liên quan đến bệnh lý Răng Hàm Mặt ở trẻ em.

BSCK1 Hồ Vân Phụng - Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Đồng 1

Câu hỏi của phụ huynh T.K.T nhà ở Quảng Ngãi: Dạ thưa bác sĩ cho hỏi là bé 9 tháng tuổi mọc răng sữa hàm trên bị lệch, mọc ở tít phía trên thì có bị ảnh hưởng gì không ạ, mong bác sĩ hướng dẫn cách để xử lý giúp ạ!

Trả lời: Chào bạn, tình trạng răng sữa hàm trên mọc lệch trên cao so với vùng nướu răng thì cũng khá hiếm gặp, nguyên nhân do mầm răng sữa của trẻ nằm không đúng vị trí. Người nhà theo dõi xem tại vị trí răng mọc lệch nướu có viêm đỏ hay chảy máu gì không? Nếu không viêm nướu thì tiếp tục theo dõi, đợi khi thay răng vĩnh viễn nếu còn lệch thì Bác sẽ cho chỉnh hình răng lại, nếu răng vĩnh viễn mọc bình thường thì không cần can thiệp gì. Nếu tại vị trí đó nướu viêm dễ chảy máu, người nhà nên chú ý vệ sinh răng miệng kỹ vùng đó, chải răng thường xuyên để tránh mảng bám và thức ăn bám vào, chải răng mỗi ngày ít nhất 3 lần để tránh viêm nướu tại chổ nhé!

--

Câu hỏi của phục huynh N.T.T nhà ở Hà Tĩnh: Bác sĩ ơi! Cho cháu hỏi là con của cháu năm nay được 3 tuổi rưỡi nhưng thỉnh thoảng nước dãi vẫn hay chảy, răng của con cháu bị mục cụt một số và khu vực răng cửa, vậy có liên quan gì đến việc chảy nước dãi, có cách nào để làm giảm hay chấm dứt chảy nước dãi không bác sĩ. Cháu cảm ơn nhiều.

Trả lời: Chào mẹ, tình trạng chảy nước bọt ở trẻ nhỏ rất thường gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ chưa biết thực hiện động tác nuốt nước bọt khi nước bọt tiết ra trong miệng. Điều cần làm để hạn chế tình trạng này là hướng dẫn bé cách nuốt nước bọt. Để dễ dàng hơn, mẹ có thể cho bé ăn trái cây có nhiều chất xơ, mục đích là để bé tập ngậm, mút và nuốt. Các trái cây như chuối, táo, nho, … Khi bé quen với các động tác này, bé sẽ hết chảy nước bọt ra ngoài. Còn việc răng của trẻ bị mòn một số vùng ở răng cửa là do tình trạng vệ sinh răng miệng của bé chưa tốt, khi thức ăn hoặc sữa bám vào răng sẽ tiết axit gây mòn răng. Do đó, để hạn chế tình trạng này, mẹ phải tăng cường vệ sinh răng miệng cho trẻ, chải răng mỗi ngày từ 3-4 lần, dùng bàn chải và kem đánh răng mới làm sạch được mảng bám trên răng. Chúc mẹ sớm cải thiện tình trạng này cho trẻ nhé!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.M.D nhà ở Cái Bè, Tiền Giang: Chào bác sĩ. Bé nhà em được 2 tháng tuổi thắng lưỡi bé bị dính đi khám thì bác sĩ bảo dính ít nhưng bé còn nhỏ chứ tiêm thuốc tê được nên để khi bé từ 8 tháng tuổi khi đó tiêm thuốc tê được rồi mới cắt. Cho em hỏi là có nên chờ không hay phải cắt sớm cho bé ạ. Mong bác sĩ trả lời giúp em.

Trả lời: Chào mẹ, tại Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ từ 3 tháng tuổi và nặng trên 5 kg là có thể phẫu thuật thắng lưỡi dưới gây tê. Nếu mẹ lo lắng về tình trạng dính thắng lưỡi của trẻ thì khi bé đủ 3 tháng mẹ cho bé đến khám tại Khoa RHM, Bác sĩ sẽ khám và đánh giá xem bé có cần phẫu thuật thắng lưỡi liền hay không, thân chào!

--

Câu hỏi của phụ huynh T.T.H.H nhà ở Phú Yên: Chào bán sĩ. Em nghi bé em bị dính thắng lưỡi, bé được 2 tháng tuổi mà bé bú bình thường. Lên tháng 1 ký. Thắng lưỡi dính trong đầu lưỡi một xíu thôi lúc khóc thấy lưỡi vuông chẻ làm hai ở giữa có đg rõ. Mà bé vẫn ứ é muốn nói lại khi em nói chuyên với bé. Không biết là dính nhẹ hay sao ạ. Bé lớn của em nhìn Thắng lưỡi khác với bé này nên em sợ bị dính nhẹ.

Trả lời: Xin chào, khi bé khóc nhìn thấy đầu lưỡi không nhọn mà có hình vuông hoặc chẻ hai là dấu hiệu lưỡi hình trái tim, cho thấy trẻ dính thắng lưỡi khá nhiều. Mẹ nên cho bé đến khám và cắt thắng lưỡi khi bé từ 3 tháng tuổi trở lên, giải phóng thắng lưỡi cho trẻ sẽ giúp trẻ dễ phát âm và nói rõ sau này mẹ nhé!

--

Câu hỏi của phụ huynh T.D.M nhà ở Tiền Giang: Chào bác sĩ. Bé nhà em được 15 ngày tuổi đi khám bác sĩ nói bị hở vòm dạng nhẹ nếu phẫu thuật thì sau này bé có bị nói ngọng không? Hay có bị dị chứng gì không.

Trả lời: Xin chào, bé bị hở vòm thì nên phẫu thuật đóng lại khe hở vòm cho bé. Kỹ thuật này được thực hiện khi bé được 1 tuổi và có cân nặng trên 10 kg. Nếu không phẫu thuật bé sẽ bị nói ngọng, giọng mũi. Nếu phẫu thuật tạo hình lưỡi gà lại cho bé, bé sẽ nói rõ hơn, một số trẻ tập nói tốt sẽ không ngọng. Thường không thấy di chứng nào xảy ra sau phẫu thuật vòm.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.T.L nhà ở Bình Dương: Bác sĩ cho em hỏi ạ! Em mang thai được 25 tuần bé bị sứt môi hở hàm 13 mm hở toàn bộ khẩu cái. Theo tìm hiểu trên mạng thì sau khi sinh vài ngày sẽ được đeo khí cụ để giúp bé dễ bú có không ạ. Nếu có thì tầm bao nhiêu ngày tuổi mới bế bé qua Nhi Đồng được ạ và hướng dẫn quy trình đăng ký khám cho bé giúp ạ? E xin cảm ơn.

Trả lời: Xin chào, các bé bị sứt môi – hở vòm sau khi sinh 1 tuần mẹ nên đưa trẻ đến khám tại Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng khe hở môi – vòm, nếu hở rộng, mũi xẹp nhiều, Bác sĩ sẽ tư vấn làm khí cụ PNAM (khí cụ nâng chỉnh môi mũi trước mổ), mang khí cụ này sẽ giúp bé thu hẹp khe hở, nâng cao trụ mũi, đóng kín khe hở vòm nên sẽ dễ dàng bú hơn. Về quy trình đăng ký khám, mẹ có thể gọi điện thoại đăng ký trực tiếp với tổng đài dịch vụ sẽ giúp bé khám và điều trị nhanh hơn mẹ nhé! Số ĐT tổng đài: 19007289.

---

Lưu ý: Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK1 Hồ Vân Phụng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"