Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 8:56, 17/2/2021
1424 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 105 - Chuyên đề Bệnh lý ở trẻ Sơ sinh

Trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương ngay sau khi sinh, do hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu. Nếu trẻ có bất kỳ sự khó chịu nào, cách duy nhất để trẻ có thể giao tiếp với ba mẹ là khóc. Cho nên là cha mẹ, bạn cần nhận biết một số bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh để có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất có thể. Chăm sóc trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng đối với bậc cha mẹ, để chăm con khôn lớn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Khi con đi ngoài khó khăn, con khóc thét, vàng da kéo dài hoặc có những bất thường khác cũng làm cho các bậc phụ huynh lo lắng. Chuyên mục trả lời câu hỏi kỳ này sẽ do ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên – Chuyên Khoa Sơ Sinh sẽ trả lời Quý phụ huynh về các bệnh lý về sơ sinh để chăm trẻ một cách tốt nhất.

ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên - Bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh

Câu hỏi của phụ huynh V.N.H.L nhà ở quận 8 TPHCM: Các bác sĩ ơi, bé nhà em 7 tuần tuổi luôn đi ngoài phân như đất sét sau 2 ngày, hôm trước bé 4 ngày chưa đi ngoài em có đi bệnh viện và cho ống thụt, nhưng khi thụt bé đi ngoài thì phân nhão như phân bé ko táo bón. Em xin hỏi là phân nhão ra do thuốc thụt hay vì bé nhà em đang giãn ruột và phân bé đã bình thường ạ, em xin cảm ơn!

Trả lời: Chảo bạn. Em bé 7 tuần tuổi thường đi tiêu phân nhão chứ không thành khuôn như trẻ lớn. Việc em thụt chỉ là kích thích cho bé dễ đi tiêu thôi chứ không làm nhão phân. Bạn không cần phải lo lắng nhé! Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh T.N.Y nhà ở Cà Mau: Chào bác sĩ, em vừa sinh bé gái nay được 26 ngày lúc sinh bé được 3300g mà nay bé tăng có 500g như vậy có thấp không ạ?

Trả lời: Chào bạn. Cân nặng được tính theo tháng chứ không theo ngày hay tuần bạn nhé. Và trong 7-10 ngày đầu thường có hiện tượng sụt cân sinh lý, sau đó trẻ sẽ tăng trở lại. Tăng cân bình thường của trẻ sơ sinh mức thấp nhất là 600g/tháng. Nếu bé vẫn bú, ngủ và đi tiêu bình thường thì mẹ không cần phải lo lắng. Mẹ cân lại lúc bé tròn 1 tháng nhé. Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T nhà ở Tiền Giang: Chào bác sĩ. Con em mới 21 ngày tuổi mà lâu lâu bé lại ho, hắt hơi, với 2,3 ngày nay tự nhiên bú xong lúc bé ngủ thì ọc sữa, lâu lâu bé mới bị lúc trước thì bé không có. Lại thêm tầm 9h30 bé lại khóc, rướm người đỏ cả mặt cho dù ru, hay cho bú gì bé vẫn khóc tới 11h-12h có hôm tới 1h sáng bé mới ngủ, buổi sáng thì ngủ bình thường. Em lo quá, em thấy có thuốc soki-tium em định cho bé dùng có nên không ạ?

Trả lời: Chào bạn. Bé của bạn đang trong giai đoạn sơ sinh, nên chưa quen với nhịp ngày đêm khi mới ra khỏi bụng mẹ. Vì vậy việc thức đêm ngủ ngày là bình thường và không cần dùng thuốc để hỗ trợ giấc ngủ. Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là do hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản hay gặp ở lứa tuổi này. Nếu hiện tượng trào ngược gây bú kém, sụt cân, ho nhiều hay viêm phổi, … thì mẹ nên đưa bé đi khám. Nếu em bé của mẹ lâu lâu mới ọc 1 lần, mẹ chỉ cần cho em bé bú đúng cách (bú nhiều lần, chia nhỏ cử bú, nằm đầu cao lúc bú hoặc vỗ ợ sau bú) là được. Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.T.A nhà ở Tây Ninh: Xin chào bác sĩ. Cho em hỏi bé nhà em được 1 tháng rưỡi, em vừa đổi sữa cho bé nhưng bé không đi ngoài được, quấy khóc rất nhiều em đã bơm đít cho bé ị. Và em cho bé bú lại sữa cũ và bú mẹ thêm. Nhưng k biết sao bụng bé cứ sôi và xì hơi nhiều có mùi nhưng không đi ngoài được. Bé rặn đỏ mặt khóc nhiều mỗi khi muốn đi ngoài. Mong bác sĩ tư vấn giúp em bé bị bệnh gì với. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

Trả lời: Chào bạn. Mẹ không nói cho bác sĩ biết lý do vì sao mẹ đổi sữa, và sữa mới, sữa cũ là những loại gì. Bé không đi ngoài được là trong thời gian bao nhiêu lâu, phân bé như thế nào? Nếu lo lắng, mẹ nên đưa bé đến khám ở phòng khám chuyên khoa sơ sinh để được bác sĩ khám và tư vấn mẹ nhé! Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh B.T.P nhà ở Kon Tum: Bác sĩ ơi cho em hỏi, con nhà em sinh được 3,5kg và sinh đủ tháng ạ, sinh được 4 ngày bị vàng da và đã chiếu đèn được 2 ngày tại bệnh viện, và bác sĩ cho về, giờ được 25 ngày tuổi con em vẫn bị vàng da thì có nên cho con đi khám lại không ạ?

Trả lời: Chào bạn. Em bé của mẹ vàng da kéo dài đến 25 ngày tuổi, bác sĩ cần hỏi thêm triệu chứng và khám, thậm chí phải làm xét nghiệm cho bé mới biết được nguyên nhân và tư vấn cho mẹ. Mẹ nên đưa bé đi khám nhé! Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh Đ.H.Đ nhà ở quận Bình Tân, TPHCM: Bé nhà em đang bị non tháng, bệnh màng trong, giãn não thất, xuất huyết não, viêm ruột, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, đang điều trị thở máy, truyền dịch, kháng sinh, theo dõi hô hấp, nhịn ăn. Bác sĩ cho em hỏi có phương pháp nào tích cực hơn không. Em cám ơn.

Trả lời: Chào bạn. Những phương pháp điều trị như bạn mô tả đã đầy đủ theo như chẩn đoán. Thời gian điều trị tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của bé (tuổi thai sinh non nhẹ cân hay sinh cực non và khả năng đáp ứng với thuốc (loại vi khuẩn mắc phải). Dù sao trên cơ địa trẻ sinh non, sức đề kháng cơ thể kém, quá trình điều trị sẽ lâu dài hơn trẻ đủ tháng nên gia đình cố gắng và kiên trì nhé. Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh L.M.P.V nhà ở Cần Thơ: Bé sinh 38 tuần 5 ngày, nay bé được 1 tháng 4 ngày bé bị vàng da ăn ngủ bình thường không quấy khóc phân vàng nước tiểu vàng. Bú mẹ và bú bình vì mẹ ít sữa. Đi xét nghiệm kết quả Bilirubin toàn phần 205,4 Bilirubin trực tiếp 12.8 cho hỏi bé bị vàng da sinh lý hay bệnh lý và hiện tại có cần điều trị gì không có bị vàng da nhân không xin cám ơn ạ

Trả lời: Chào bạn. Em bé được 1 tháng 4 ngày, với kết quả Bilirubin như trên thì không cần điều trị gì cả. Khả năng vàng da gây ra tổn thương não (vàng da nhân) ở giai đoạn hiện tại là rất hiếm. Vàng da nhân thường xảy ra trên bé sơ sinh vàng da nặng và sớm (trước 15 ngày tuổi). Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh P.T.T.N nhà ở Quận 5 TPHCM: Chào bác sĩ, bé nhà em hiện tại được 1 tháng 6 ngày. Bé vẫn còn dấu hiệu vàng da (bé về nhà được 4 ngày thì có dấu hiệu vàng da và mắt). Lúc sinh bé được 2kg3 sinh thiếu tháng. Hiện tại bé vẫn bú tốt. Em đã dẫn bé đến bệnh viện HV nơi bé sinh để kiểm tra nhưng bác sĩ không cho làm xét nghiệm chỉ xem lòng bàn chân và bảo bình thường. Bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn. Vàng da ở lứa tuổi này tùy theo mức độ nhiều hay ít và hỏi các triệu chứng đi kèm khác (như tiêu phân nhạt màu, gan lách lớn, …) để quyết định xem có cần thiết làm xét nghiệm hay không? Có thể bác sĩ của bạn đã khám và đánh giá em bé mới quyết định như vậy. Nếu lo lắng, bạn có thể đưa con đến khám ở phòng khám sơ sinh nhé! Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T nhà ở Quảng Nam: Bé 1 tháng 25 ngày. Bé bú mẹ hoàn toàn. Nhưng từ lúc bé 3 tuần tuổi đến nay bụng bé lúc nào cũng đầy hơi. Mặc dù bú xong mẹ đã vỗ ợ hơi cho bé. Bụng đầy hơi nhưng bé lại ít xì hơi. Chỉ khi nào bụng căng hết cỡ bé mới xì hơi rất to và xì nhiều cái 1 lần. Bụng đầy hơi nên bé hay vặn vẹo khó chịu. Vậy cho e hỏi bé bị gì ạ. Mong bác sĩ giải đáp.

Trả lời: Chào bạn. Trẻ sơ sinh bụng thường to hơn ngực, và sẽ cân đối trở lại sau đó. Bé xì hơi và đi tiêu được chứng tỏ đường ruột lưu thông tốt, không quan trọng là xì hơi ít hay nhiều. Xì hơi cũng như đi tiêu, khi nào lượng hơi hoặc chất thải đủ để tạo áp lực xuống trực tràng thì mới xảy ra. Mẹ yên tâm nhé! Thân mến!

--

Câu hỏi của phụ huynh Đ.T.C nhà ở Phú Yên: Thưa bác sĩ cho em hỏi con em nay được 1 tháng 7 ngày mà con bé uốn mình rất nhiều liên tục và làm cháu ngủ rất ít khó chịu. Không biết trong bụng cháu có bị gì hay không. Mỗi lần đi ngoài là con bé hay khóc la rồi mới ra được phân. Phân thì bình thường và rất nhiều ạ. Bs cho e hỏi như vậy là bị như thế nào ạ.

Trả lời: Chào bạn. Trẻ uốn mình ngủ không yên giấc có thể do nhiều nguyên nhân: chưa thích nghi với môi trường bên ngoài, hoặc chỉ là vận động bình thường ở trẻ, hoặc có thể là triệu chứng của trào ngược làm trẻ khó chịu, hoặc có thể là triệu chứng của thiếu Canxi,…Giữ môi trường xung quanh yên tĩnh, ấm áp, bổ sung vitamin D cho trẻ và cho bú đúng cách sẽ làm giảm bớt triệu chứng.

Trẻ khó đi ngoài có thể do chưa biết phối hợp được 2 quá trình co và giãn cơ, trẻ khóc là do cố gắng rặn làm tăng áp lực trong ổ bụng, khóc tới khi ngẫu nhiên chùng giãn cơ đáy chậu và quá trình bài xuất phân xảy ra.Trẻ khó đi tiêu là rối loạn tiêu hóa chức năng rất hay gặp ở trẻ nhỏ, những rối loạn tiêu hóa chức năng này sẽ giảm dần và hết vào cuối năm thứ nhất khi cơ quan tiêu hóa đã hoàn thiện. Thân mến!

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"