Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 7:37, 21/8/2019
10061 lượt đọc

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1 - 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

  1. GIAI ĐOẠN TRƯỚC 30/04/1975

    Được xây dựng trên khu  đất địa chỉ số 2 đường Sư Vạn Hạnh, phía đông giáp đường Sư Vạn Hạnh, phía nam giáp đường Lý Thái Tổ, phía bắc giáp đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2), phía tây giáp một cơ sở quân sự, diện tích chung là 15.473 m2, khởi công từ ngày 22 tháng 02 năm 1954 và đưa vào sử dụng với tên gọi là Bệnh viện Nhi Đồng vào cuối tháng 10 năm 1956, với cơ sở trang bị phục vụ cho 268 giường bệnh gồm: một khu khám ngoại trú, một toà nhà 3 tầng lầu (thuộc khu AB hiện tại) là khu nội trú, 2 toà nhà 2 tầng làm cư xá cho nữ tu sĩ và nữ y tá độc thân, 2 toà nhà 2 tầng lầu làm cư xá cho bác sĩ Giám đốc, các bác sĩ thường trú và nhân viên quản lý bệnh viện.

    Đến năm 1966, bệnh viện phát triển thêm một toà nhà 3 tầng lầu chia ra làm 6 trại bệnh với 162 giường (thuộc khu CD hiện tại) bổ sung vào khu điều trị nội trú. Một số cơ sở khác cũng được khởi công xây cất: nhà tiền chế làm phòng Vật lý trị liệu, khu vệ sinh công cộng và một toà nhà một tầng lầu nối khu nhà AB và khu nhà CD sử dụng cho khoa Bào chế dược, X quang và Xét nghiệm. Năm 1967, xây thêm một nhà giữ trẻ em lành mạnh. Đầu năm 1975, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc viện trợ thiết lập một trung tâm tiếp nhận thiếu nhi bất túc, trang bị 27 giường, nâng tổng số giường bệnh lên 457 giường gồm 268 giường miễn phí, 162 giường thu phí và 27 giường thiếu nhi “bất túc”.

    Trước 30/04/1975, Bệnh viện Nhi Đồng là bệnh viện chuyên khoa Nhi duy nhất cho cả miền Nam điều trị cho bệnh nhi từ sơ sinh đến 12 tuổi về nội, ngoại khoa và các chuyên khoa khác của nhi. Bệnh viện còn là nơi giảng dạy cho sinh viên y khoa, học viên của trường Quản lý, thủ thư bệnh viện, cán sự y tế, cán sự điều dưỡng, Nữ hộ sinh, Tá viên y tế các ngành. Cơ cấu tổ chức nội bộ lúc đó như sau:

     

    - Ban Giám Đốc

    - Phòng Quản lý

    - Phòng Điều Dưỡng

    - Phòng Cứu trợ xã hội

    - Các khu chuyên môn (Lâm sàng, Cận Lâm sàng, Ngoại chẩn)

     

    Cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bệnh viện có các Giám đốc như sau:

    Từ 05/05/1955 – 31/03/1960: BS Nguyễn Văn Bửu

    Từ 01/04/1960 – 18/09/1961: BS Trương Văn Quýnh

    Từ 19/09/1961 – 09/09/1962: BS Phạm Gia Cẩn

    Từ 10/09/1962 – 20/11/1963: BS Nguyễn Danh Đàn

    Từ 21/11/1963 – 29/11/1964: BS Nguyễn Tấn Lộc

    Từ 30/11/1964 – 22/04/1975: BS Phan Đình Tuân

    Ngoài ra, từ ngày 14/05/1974, Bệnh viện có thêm Phó Giám Đốc phụ tá là BS Trần Tấn Trâm.

     

  2. GIAI ĐOẠN TỪ 30/04/1975 - 1984: N ĐỊNH T CHC - M RNG BNH VIN

     Đây là giai đoạn bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo của Sở Y tế, sự quan tâm của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố cùng các ban ngành đoàn thể, lãnh đạo bệnh viện đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thành lập các phòng ban, nâng cấp cơ sở vật chất, chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên đưa bệnh viện đi vào hoạt động ổn định.

     Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bệnh viện Nhi Đồng được Bộ Y tế, Xã hội và Thương binh tiếp quản với số nhân viên là 469 người. Đến tháng 10/1975, Bộ Y tế Xã hội và Thương binh cử Ban lãnh đạo bệnh viện gồm Trưởng ban là BS Lê Thị Xuân Mai, các Phó Trưởng ban là: BS Lê Văn Tú, BS Trương Thị Châu, BS Trần Tấn Trâm. Tháng 12/1975, Bộ Y tế, Xã hội và Thương binh ra Quyết định số 40/YTXHTB-TC ngày 23/12/1975 phân cấp Bệnh viện Nhi Đồng cho Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Vào tháng 6 năm 1978, BS  Nguyễn Thị Ngọc Anh được cử làm Phó Trưởng ban thay thế BS Trương Thị Châu đi nhận nhiệm vụ mới.

     
 BS Vũ Thị Kiều: Tổ trưởng Tổ quân quản   BS Lê Văn Tú: Tổ phó Tổ quân quản  BS Lê Thị Xuân Mai – GĐBV 18/10/1975 – 1/11/1981

 

     Ngày 21/6/1979, Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định bổ nhiệm Ban Giám đốc Bệnh viện gồm: Giám đốc là BS Lê Thị Xuân Mai, các Phó Giám đốc là BS Lê Văn Tú, BS Trần Tấn Trâm. Tháng 11/1981, BS Nguyễn Thị Ngọc Anh nhận nhiệm vụ Giám Đốc Bệnh viện thay BS Lê Thị Xuân Mai nghỉ hưu. Từ tháng 01/1982, Bệnh viện được bổ sung một Phó Giám đốc là BS Trần Ngọc Mạnh.

Bệnh viện thực hiện đúng 5 chức năng nhiệm vụ do Bộ Y tế quy định:

 

     - Khám – điều trị,

     - Phòng bệnh,

     - Huấn luyện đào tạo cán bộ,

     - Nghiên cứu khoa học,

     - Công tác tuyến trước và ngoại viện.

     Về cơ sở vật chất, tháng 05/1977,  Bệnh viện tiếp nhận khu đất phía tây theo Quyết định số 500/QĐ-UB ngày 09/05/1977 của UBND Thành phố để mở rộng cơ sở điều trị. Lúc này khuôn viên của Bệnh viện được bao bọc bởi 3 con đường: Sư Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ và đường 3 tháng 2 với diện tích là 30.473 m2. Bệnh viện chuyển khu khám bệnh từ đường Sư Vạn Hạnh sang đường Lý Thái Tổ.

     Về tổ chức phòng chức năng, trong thời kỳ tiếp quản, lãnh đạo bệnh viện còn duy trì các phòng trợ giúp: Phòng Quản lý, Phòng Điều Dưỡng và Phòng Cứu trợ xã hội. Đến tháng 9/1975, Bệnh viện thay đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp, cùng với Ban Giám đốc là các khoa chuyên môn và 4 phòng chức năng: Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Hành chánh Quản trị, Phòng Y vụ, Phòng Kế toán Tài vụ.

     Về tổ chức điều trị, trước 30/4/1975 khu nhà AB tiếp nhận bệnh nhân miễn phí, khu nhà CD tiếp nhận bệnh nhân thu phí. Ngay sau khi tiếp quản, Bệnh viện bãi bỏ chế độ thu phí toàn thể các khu điều trị, chỉ thu tiền ăn cơ bản của bệnh nhi, không thu tiền thuốc. Giai đoạn nầy, bệnh viện có qui mô 600 giường điều trị nội trú cộng với khu ngoại chẩn có thêm 39 giường lưu. Tháng 11/1980, Sở Y tế Thành phố ra Quyết định bổ nhiệm 16 Trưởng khoa Lâm sàng, 4 Trưởng khoa Cận Lâm sàng và các Y tá Trưởng khoa. 

     Có thể nhìn lại một số hoạt động xây dựng phát triển thêm của bệnh viện trong giai đoạn nầy như sau:

Về tiếp liệu:

     Từ năm 1977, Bệnh viện tổ chức bộ phận tự sản xuất thuốc đông y, sản xuất dịch truyền và pha chế thuốc dùng theo đơn Bác sĩ mà trước đây không có. Số lượng sản xuất bình quân dịch truyền là 12.000 lít/năm. Cơ sở pha chế được cải tiến thành cơ sở pha chế 1 chiều.

Về kết hợp Đông - Tây y:

     Trước năm 1975 Bệnh viện không sử dụng thuốc nam. Tháng 01/1976, Bệnh viện cải tạo, nâng cấp nhà nghỉ của sinh viên thực tập để thành lập khoa kết hợp Đông – Tây Y. Khoa đã có những nghiên cứu, báo cáo tại Hội nghị Đông Y các tỉnh phía Nam và đăng ký thi đua xây dựng Khoa Lao động Xã hội chủ nghĩa.

     Về hậu cần và cơ sở vật chất:

     - Dinh dưỡng: Trước năm 1975, việc cung cấp thực phẩm ăn uống cho bệnh nhi do chế độ nhà thầu. Đến tháng 9/1975, chế độ nhà thầu được bãi bỏ, Tổ Dinh dưỡng được thành lập ban đầu với 11 nhân viên và 01 y tá dinh dưỡng. Bốn năm sau Bệnh viện thành lập khoa Dinh dưỡng với một Bác sĩ Trưởng khoa và 31 nhân viên, tu bổ nhà bếp 1 chiều phù hợp qui định vệ sinh dinh dưỡng.

     - Y tế cơ quan: Trước giải phóng, Bệnh viện chỉ có một y tá lo giấy khám bệnh cho nhân viên trong một phòng nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu, sau ngày tiếp quản, Bệnh viện đã thành lập Tổ Y tế cơ quan gồm 01 bác sĩ và 2 y tá với 5 giường bệnh lưu để chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ công nhân viên.

     - Nhà trẻ: Trước đây không có nhà trông giữ con em của cán bộ nhân viên. Đầu năm 1976, Bệnh viện tổ chức một nhà giữ trẻ mẫu giáo có 8 cô nuôi dạy trẻ, trông nom thường xuyên khoảng 30 con em của cán bộ công nhân viên, kể cả trực ban đêm. Cơ sở có đầy đủ tiện nghi, thoáng mát và khang trang riêng biệt.

     - Nhà vệ sinh và hệ thống cống rãnh: Bệnh viện tu sửa hệ thống cống rãnh, xây thêm 9 nhà vệ sinh và 5 phòng tắm cho người bệnh.

     - Đời sống: Cuối năm 1976, bệnh viện thành lập Ban Đời sống chăm lo đời sống vật chất cho cán bộ nhân viên, bãi bỏ chế độ nhà thầu câu lạc bộ tư nhân. Ban Đời sống mở cửa hàng, căn tin phục vụ cho cán bộ nhân viên, ngoài ra còn tổ chức trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên trong bệnh viện.

     Theo sự chỉ đạo của cấp trên, đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Bệnh viện xây dựng tổ chức Đảng, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên, lực lượng Phòng cháy chữa cháy, lực lượng Dân quân tự vệ. Có thể nói, hoạt động hiệu quả của các đoàn thể là một động lực rất lớn thúc đẩy tinh thần cán bộ viên chức hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Ngoài ra Bệnh viện cũng đã tổ chức:

 

     - Hội đồng khoa học công nghệ (tháng 10/1975)

     - Hội đồng thi đua

     - Ban sáng kiến cải tiến

     - Ban thanh tra công nhân viên chức

 

Cuối giai đoạn 1975-1984, Bệnh viện đã xây dựng đề án phát triển với mục tiêu hướng về cộng đồng, kết hợp công tác chăm sóc điều trị với hoạt động phòng bệnh và truyền thông giáo dục sức khỏe trên báo chí, truyền hình, tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bệnh viện trong những năm tiếp theo.

 

     III. GIAI ĐOẠN 1985 - 1994: PHÁT TRIỂN NHI KHOA ĐẠI CHÚNG

     Ban Giám Đốc Bệnh viện gồm các thành viên như sau: Giám đốc - BS Nguyễn Thị Ngọc Anh; các Phó Giám đốc gồm: BS Lê Văn Tú, BS Trần Ngọc Mạnh (đến năm 1990 nghỉ hưu), BS Trần Tấn Trâm, BS Đỗ Thị Thanh Thuỷ.

 

 

Bệnh viện tập trung vào mục tiêu phát triển nhi khoa đại chúng, trở thành Trung tâm huấn luyện, hướng trợ về các chương trình sức khỏe trẻ em cho khu vực phía Nam: Chương trình Phòng chống tiêu chảy cấp (CDD), Chương trình Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (ARI), Chương trình Phòng chống Sốt xuất huyết, Chương trình Phòng chống Suy dinh dưỡng trẻ em, Chương trình Xử trí lồng ghép các bệnh thường gặp ở trẻ em (IMCI). Bệnh viện đã thành lập các đơn vị huấn luyện cho đội ngũ nhân viên y tế khu vực phía Nam về các chương trình nói trên theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, qua đó, đẩy mạnh các hoạt động hướng trợ tuyến dưới, đưa hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu gắn liền với việc mở rộng nhiều đơn vị điều trị chuyên khoa mới.

 

Các hoạt động đáng nêu khác trong giai đoạn nầy như sau:

 

     - Về cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy: cải tạo, nâng cấp và thành lập Khoa Phỏng (1987); khánh thành khu nhà I gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu (1989); Khu Cấp cứu trung tâm (1990); Khu Khám bệnh (1991); thành lập Phòng Sức khoẻ trẻ em (1993); Khoa Hồi sức Ngoại, Khoa Vật lý trị liệu, đơn vị “Vi tính trung tâm” (1994).

     - Về chuyên môn kỹ thuật: phát triển và ứng dụng các kỹ thuật y học thích hợp trong lĩnh vực Hồi sức như ứng dụng thở máy (1990), thở áp lực dương liên tục qua mũi nCPAP (1993); lọc màng bụng (1991) và lọc thận chu kỳ trong suy thận cấp (1993).

Cũng trong năm 1993, Bệnh viện đã phát triển phẫu thuật tổng quát, niệu và tai mũi họng, sinh thiết gan và xét nghiệm sinh hoá tự động, góp phần phẫu thuật thành công tách đôi cặp song sinh dính Song – Pha tại bệnh viện.

 

    IV. GIAI ĐOẠN 1995 -2004: PHÁT TRIỂN NHI KHOA CHẤT LƯỢNG

     Ban Giám Đốc Bệnh viện gồm các thành viên:

 

     - BS Trần Tấn Trâm Giám đốc

     - BS Lê Văn Tú Phó Giám đốc

     - BS Nguyễn Hữu Hưng Phó Giám đốc

     - BS Đỗ Thị Thanh Thuỷ Phó Giám đốc

 

     Trong giai đoạn này, để thực hiện 7 chức năng nhiệm vụ theo Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành (Cấp cứu – khám bệnh – chữa bệnh, Đào tạo cán bộ y tế, Nghiên cứu khoa học về y học, Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, Hợp tác quốc tế, Quản lý kinh tế trong Bệnh viện), Bệnh viện thành lập đầy đủ các phòng chức năng theo quy định là: Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Điều dưỡng, Phòng Chỉ đạo tuyến, Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế, Phòng Hành chánh Quản trị, Phòng Tổ chức Cán bộ và Phòng Tài chính Kế toán.

Về công tác quản lý chuyên môn, bệnh viện tập trung vào mục tiêu phát triển nhi khoa chất lượng,  nghiên cứu và triển khai nhiều hoạt động mới hướng đến cải tiến chất lượng chăm sóc, đổi mới công nghệ, phát triển nhiều kỹ thuật cao làm nền tảng cho phát triển chuyên sâu. Bệnh viện thành lập nhiều khoa mới: khánh thành “Bệnh viện trong ngày” (1997), thành lập khoa Hồi sức Sơ sinh, Đơn vị tâm lý, Đơn vị Thính học và phát triển mở rộng khoa Dinh dưỡng, khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng. Mạng máy tính bệnh viện đầu tiên của cả nước được xây dựng cuối năm 1994 và đi vào hoạt động, được các đơn vị y tế trong cả nước tham quan học tập, đưa Công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác quản lý bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện cũng áp dụng y học chứng cứ vào công tác điều trị và chăm sóc; triển khai chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, chương trình quản lý chất lượng theo hướng ISO; đẩy mạnh chỉ đạo hỗ trợ tuyến và hợp tác quốc tế.

     Về kỹ thuật: phát triển phẫu thuật (sơ sinh, dị tật đường tiêu hóa - đường tiết niệu, cắt gan, sử dụng Laser,…); bước đầu triển khai nội soi (tai mũi họng, tiêu hóa, ngoại khoa) và các kỹ thuật khác như: sinh thiết thận, điều trị Surfactant, laser quang đông bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP).

Về xét nghiệm cận lâm sàng: triển khai kỹ thuật ELISA (1995), phân lập định danh vi khuẩn (1996), kỹ thuật PCR (1998), hóa mô chẩn đoán (2002).

 

    V. GIAI ĐOẠN 2005 ĐẾN NAY: PHÁT TRIỂN NHI KHOA CHUYÊN SÂU

     Ban Giám Đốc Bệnh viện gồm các thành viên như sau:

 

     - BS Tăng Chí Thượng Giám đốc (đến tháng 7/2013 chuyển về Sở Y tế nhận

                                                            nhiệm vụ Phó Giám Đốc Sở Y tế)

 

     - BS Nguyễn Thanh Hùng Phó Giám đốc (đến tháng 10/2013 được bổ nhiệm

giữ chức vụ Giám Đốc bệnh viện)

 

     - BS Hà Mạnh Tuấn Phó Giám đốc (đến 01/4/2007 nhận nhiệm vụ Giám đốc

Bệnh viện Nhi Đồng 2)

 

     - BS Nguyễn Hữu Hưng Phó Giám đốc (đến năm 2007 nghỉ hưu)

     - BS Đào Trung Hiếu Phó Giám đốc

     - BS Lê Bích Liên Phó Giám đốc

     - BS Nguyễn Minh Tiến Phó Giám đốc (từ 2016)

 

     Trong giai đoạn này, Bệnh viện tập trung vào mục tiêu phát triển nhi khoa chuyên sâu với 4 mũi nhọn ưu tiên là Sơ sinh, Hồi sức Cấp cứu, Phẩu thuật can thiệp (đặc biệt trong lĩnh vực Tim Mạch trẻ em), Bệnh lý nhiễm trùng.

Về cơ sở vật chất, bước đầu, bệnh viện đã cải tạo, nâng cấp toàn bộ hạ tầng cơ sở, đầu tư nhiều trang thiết bị mới, hiện đại.

Về phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, số cán bộ nhân viên từ 1.080 (2005) đến nay là 1.626, trong đó có 336  Bác sĩ (với 05 Phó Giáo sư, 08 Tiến sĩ, 97 Thạc sĩ, 83 Chuyên khoa 1, 22 Chuyên khoa 2) và 659 điều dưỡng (có 02 Thạc sĩ) .

Về mặt tổ chức, đáp ứng nhu cầu quản lý phát triển, Bệnh viện thành lập Phòng Công nghệ Thông tin (2011), Phòng Quản lý chất lượng (2013), Phòng Công tác xã hội (2016) nâng tổng số các phòng chức năng của bệnh viện lên 10 phòng. Năm 2011, Bệnh viện đã thành lập Khoa Tâm lý, Đơn vị nghiên   cứu khoa học, Thư viện điện tử, và Đơn vị Đào tạo liên tục (2012), Đơn vị Giám định Bảo hiểm Y tế (2013), hoàn thiện Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (), tách khoa Phỏng – Chỉnh hình thành 2 khoa là khoa Phỏng – Tạo hình và khoa Chấn thương – Chỉnh hình (2013).

     Có thể nêu khái quát những thành tựu nổi bật trong giai đoạn nầy như sau:

Lĩnh vực sơ sinh: Năm 2005, khu chuyên sâu sơ sinh đầu tiên của cả nước ra đời với qui mô 150 giường bệnh. Các kỹ thuật hồi sức sơ sinh mới như thở máy rung tần số cao (HFO), thở máy khí NO, làm lạnh toàn thân điều trị bệnh lý não do thiếu ôxy, phẫu thuật dị tật bẩm sinh cũng đã được phát triển trong giai đoạn này nhằm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh (chiếm 1/4 số tử vong tại bệnh viện).

Lĩnh vực Hồi sức – Cấp cứu: Khu Cấp cứu và Hồi sức tích cực – Chống độc có qui mô 70 giường với nhiều kỹ thuật hồi sức hiện đại được áp dụng, cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng, góp phần giảm đáng kể tỉ lệ tử vong trẻ em.  

Lĩnh vực Phẫu thuật chuyên sâu: Từ 2004, Bệnh viện đẩy mạnh phát triển phẫu thuật nội soi, mở rộng thực hiện phẫu thuật lồng ngực, ngoại thần kinh, niệu khoa, Răng Hàm Mặt. Ngày 01 tháng 06 năm 2007 Bệnh viện bắt đầu thực hiện phẫu thuật tim hở, đặt máy tạo nhịp tạm thời /vĩnh viễn. Đơn vị Thông tim can thiệp thành lập và đi vào hoạt động từ 2009 giúp giảm số trường hợp tim bẩm sinh phải phẩu thuật.

Lĩnh vực bệnh lý nhiễm trùng: Năm 2007, Bệnh viện Phát triển kỹ thuật Real-time PCR phân lập virus EV71 góp phần giảm tỉ lệ chẩn đoán viêm não không rõ tác nhân từ 70% xuống còn 30%.  Đặc biệt, nhờ áp dụng các kỹ thuật thở áp lực dương liên tục qua mũi, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, đo và theo dõi áp lực bàng quang, thở máy với biện pháp huy động phế nang, lọc máu liên tục,… mà nhiều bệnh nhi bị Tay Chân Miệng, sốt xuất huyết Dengue nặng đã được cứu sống, làm giảm tử vong do sốt xuất huyết xuống dưới 0,1% tại khu vực phía Nam, tử vong do Tay Chân Miệng còn  .

Ngoài những mũi nhọn chuyên sâu nêu trên, trong giai đoạn này, Bệnh viện còn phát triển các kỹ thuật chuyên sâu khác, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động trợ giúp bệnh nhân nghèo, hoàn thiện mô hình chăm sóc toàn diện và mô hình quản lý chất lượng bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác quản lý.

 

     VI. KẾT LUẬN

     Trong suốt quá trình phát triển, Bệnh viện luôn định hướng mục tiêu phát triển bền vững với 3 đặc trưng: Đại chúng, Khoa học và Nhân văn. Trên cơ sở khoa học trong chuyên môn, khoa học trong quản lý, đảm bảo công bằng y tế, chăm lo cho bệnh nhân nghèo, xây dựng môi trường thân thiện, gắn hỗ trợ tuyến trước, hướng về cộng đồng Bệnh viện vừa phát triển các mũi nhọn chuyên sâu vừa thực hiện y học hướng về cộng đồng tạo nền tảng cho xây dựng và phát triển liên tục.

Với những thành tích đạt được, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ và nhiều danh hiệu thi đua như sau:

 

     - Huân chương Độc lập hạng ba Năm 2009

     - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mớiNăm 2000

     - Huân chương Lao động hạng nhấtNăm 1993

     - Huân chương Lao động hạng haiNăm 1985

     - Huân chương Lao động hạng ba Năm 1983, năm 2000

     - Bệnh viện Bạn hữu trẻ emNăm 2000

     - Cờ truyền thống 50 năm Bệnh viện NĐ1 Năm 2008

 

 

     Có như ngày hôm nay là nhờ sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Y tế, Bộ Y tế; sự quan tâm của Uỷ ban Nhân dân Thành phố, sự hỗ trợ của các ngành các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho Bệnh viện trên mọi lĩnh vực.

Sự phát triển Bệnh viện là sự nghiệp của cả tập thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và Ban Giám Đốc bệnh viện, phối hợp tốt mô hình làm việc theo nhóm liên khoa – phòng, giữ gìn truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt khó của cán bộ nhân viên. Đó là những nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công của Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày nay.

     Với mục tiêu hướng về cộng đồng, thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế hiệu quả, phát triển mạnh các chuyên khoa sâu, xã hội hóa tốt công tác chăm lo cho bệnh nhân nghèo, giữ vững công bằng y tế trong bệnh viện, tích cực hỗ trợ mạng lưới nhi khoa tuyến trước, trên nền tảng phát triển liên tục và bền vững vì các thế hệ tương lai đất nước, Bệnh viện Nhi Đồng 1 quyết tâm thực hiện các hướng đi đúng đắn, phù hợp với chiến lược sức khỏe trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới, chiến lược sức khỏe quốc gia trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Các thành tích của bệnh viện đã đạt được:

HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG 3

ANH HÙNG LAO ĐỘNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG I

HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG II

HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG III

 

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"