Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:25, 21/8/2018
171 lượt đọc

Phỏng điện ở trẻ em

Điện là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt và sản xuất. Phỏng điện dân dụng ở trẻ em thường liên quan đến tai nạn và có thể phòng ngừa được. Tại Khoa Phỏng-Tạo Hình Bệnh Viện Nhi Đồng 1, phỏng điện là tai nạn thường gặp trong tổng số các bệnh nhân nhập viện và điều trị.

Phỏng điện là gì?

Phỏng điện là tổn thương da và mô dưới da gây ra dưới tác dụng của dòng điện khi đi qua cơ thể. Đối với điện dân dụng, tổn thương chủ yếu gây ra do 2 cơ chế chính:

- Tổn thương mô cơ thể trực tiếp gây ra do dòng điện.

- Tổn thương gián tiếp do nhiệt lượng sinh ra từ dòng điện.

Nhiệt lượng sinh ra từ dòng điện phụ thuộc vào khả năng dẫn điện của mô cơ thể, khả năng dẫn điện càng thấp thì nhiệt lượng sinh ra càng lớn. Trong cơ thể, mô xương là mô có khả năng dẫn điện thấp nhất, trong khi mạch máu và thần kinh dẫn điện tốt nhất. Phần mô, cơ và các cấu trúc nằm gần xương sẽ có nguy cơ bị tổn thương nặng nề nhất do phải chịu một nhiệt lượng rất lớn tỏa ra từ xương. Kết quả là phỏng điện gây ra những tổn thương tuy không rộng nhưng rất sâu (thường là độ III, độ IV), đồng thời để lại những di chứng nặng nề do tổn thương cơ, mạch máu và thần kinh kèm theo.

  

 

Những thương tổn do dòng điện đối với cơ thể

Tùy thuộc vào các yếu tố như: cường độ dòng điện, khả năng dẫn điện của mô, thời gian tiếp xúc với dòng điện, đường đi của dòng điện và tính chất một chiều hay xoay chiều của dòng điện mà nó sẽ để lại những tổn thương từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong. Khi dòng điện tiếp xúc với cơ thể, nó có thể đi qua toàn bộ cơ thể đồng thời gây ra tổn thương cho mô và các hệ cơ quan trong cơ thể, nhưng đặc biệt là:

- Tim: ngưng tim hay loạn nhịp tim.

- Hệ thần kinh trung ương: tổn thương có thể từ mất ý thức, yếu hoặc liệt người, rối loạn/mất chức năng thần kinh tự chủ. Đặc biệt, có thể gặp chấn thương sọ não hoặc cột sống do té ngã sau tại nạn phỏng điện.

- Thận: tổn thương thận cấp do tình trạng hủy cơ.

- Hệ da: tổn thương đa dạng từ đỏ da, tạo bóng nước đến các tình trạng phỏng sâu hủy hoại các cấu trúc phụ của da như tuyến mồ hôi, nang lông, nang tóc…

- Hệ cơ xương khớp: hủy cơ, hoại tử xương, đồng thời phá hủy các cấu trúc lân cận của xương như mạch máu nuôi tại chỗ và thần kinh vận động/cảm giác tại chỗ.

Tổn thương do phỏng điện dân dụng

 

Sơ cứu phỏng điện như thế nào?

Khi bị phỏng điện, trẻ cần được sơ cứu nhanh chóng và đúng cách để tránh gây những hậu quả đáng tiếc cho trẻ lẫn người sơ cứu. Những bước sơ cứu nhanh khi trẻ bị phỏng điện dân dụng bao gồm:

(1) Lập tức ngắt nguồn điện gây phỏng. Nếu không ngắt được nguồn điện, sử dụng những vật không dẫn điện như cây khô, cây nhựa… để ngắt nguồn điện ra khỏi cơ thể trẻ. Lưu ý: đối với môi trường ẩm ướt, có thể dẫn điện, người sơ cứu cần phải đứng trên ghế nhựa, chồng sách, thảm nhựa… để tránh tiếp xúc nguồn điện đang rò rỉ. Tuyệt đối không dùng tay chạm trực tiếp vào trẻ khi chưa ngắt được nguồn điện. ngã sau tại nạn phỏng điện.

 

- Thận: tổn thương thận cấp do tình trạng hủy cơ.

- Hệ da: tổn thương đa dạng từ đỏ da, tạo bóng nước đến các tình trạng phỏng sâu hủy hoại các cấu trúc phụ của da như tuyến mồ hôi, nang lông, nang tóc…

- Hệ cơ xương khớp: hủy cơ, hoại tử xương, đồng thời phá hủy các cấu trúc lân cận của xương như mạch máu nuôi tại chỗ và thần kinh vận động/cảm giác tại chỗ.

Ngắt nguồn điện trước khi tiến hành sơ cứu

(2) Đưa trẻ ra xa nguồn điện, nhanh chóng kiểm tra tri giác, nhịp tim, nhịp thở của trẻ. Nếu có ngưng tim-ngưng thở, phải thực hiện hồi sức tim phổi căn bản ngay lập tức.

(3) Bộc lộ và dọn sạch vùng da bị tổn thương, che phủ vùng da tổn thương bằng gạc hoặc khăn sạch để hạn chế nhiễm trùng.

(4) Lập tức đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Phòng ngừa tai nạn phỏng điện

Phỏng điện dân dụng là tai nạn nguy hiểm, để lại những di chứng nặng nề, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả có thể áp dụng tại nhà như:

- Che chắn tốt những ổ cắm điện trong tầm tay trẻ, tại các vị trí trẻ chơi.

- Giữ các phích cắm, vật dụng sử dụng điện ra xa tầm tay trẻ.

- Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện tại nhà.

- Đối với trẻ lớn, giáo dục trẻ tính nguy hiểm của dòng điện và cách sử dụng các thiết bị điện đúng cách: không đùa nghịch với các thiết bị điện; không sử dụng thiết bị điện trong phòng tắm.

Bs Nguyễn Tiến Khoa - Khoa Phỏng-Tạo Hình
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"