Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:38, 24/3/2023
478 lượt đọc

ORTHO - K trong kiểm soát cận thị

Giác mạc là một cấu trúc hình vòm trong suốt ở phía trước mắt, có chức năng giúp hội tụ ánh sáng vào võng mạc (là vùng tiếp nhận ánh sáng ở mắt của bạn).
  1. Ortho_K là gì?

Orthokeratology, hay Ortho-K, là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng kính tiếp xúc cứng vào ban đêm trong lúc ngủ (trung bình từ 6 giờ đến 8 giờ mỗi đêm) giúp điều chỉnh tạm thời hình dạng giác mạc, làm giảm và khử độ cận thị; nhờ thế ban ngày sẽ giúp hạn chế sự phụ thuộc kính gọng hoặc kính sát tròng mềm.

Giác mạc là một cấu trúc hình vòm trong suốt ở phía trước mắt, có chức năng giúp hội tụ ánh sáng vào võng mạc (là vùng tiếp nhận ánh sáng ở mắt của bạn). Giác mạc chiếm khoảng 2/3 công suất hội tụ của mắt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp chúng ta nhìn rõ vật. Kính Ortho-K hoạt động bằng cách làm thay đổi hình dạng giác mạc, dẫn đến thay đổi cách ánh sáng bị hội tụ khi đi vào mắt. Hầu hết các kính chỉnh hình này được đeo trong đêm khi ngủ, tháo ra vào ban ngày. Những kính này này là những kính cứng, thấm khí, đủ chắc chắn để định hình lại giác mạc và cho phép oxy đi qua để mắt bạn luôn khỏe mạnh.

  1. Lợi ích và tác hại của Ortho-K

2.1 Ưu điểm:

  • - Ngừng tăng độ cận loạn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh Ortho-k có thể làm chậm tiến trình cận thị ở trẻ em khoảng 50% mỗi năm so với trẻ chỉ đeo kính đơn thuần.
  • - Hiệu quả tức thì. Ortho-k thường có thể giảm cận thị đến -4.00D trong vòng hai tuần đầu tiên. Tầm nhìn của những người đeo kính thành công thường có thể được duy trì suốt cả ngày sau khi tháo kính.
  • - Thoải mái trong sinh hoạt. Đeo kính vào ban đêm có thể mang lại sự tiện lợi cho những người không thích đeo kính hoặc kính áp tròng vào ban ngày và tham gia tích cực vào các môn thể thao.
  • - Có thể tránh được các vấn đề, chẳng hạn như khô mắt phát sinh do đeo kính áp tròng vào ban ngày.
  • - Đây là một quy trình có thể đảo ngược, các thông số về mắt thường trở lại trạng thái ban đầu trong vòng vài tuần.

 

2.2 Nhược điểm:

  • - Người đeo phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa, việc không tuân thủ có thể dẫn đến nhiễm trùng giác mạc và gây mất thị lực. Những biến chứng này có thể được giữ ở mức tối thiểu nếu tuân thủ đúng hướng dẫn và cách sử dụng ống kính.
  • - Cha mẹ và bệnh nhân nhi phải dành nhiều thời gian hơn cho việc tái khám ban đầu khi lắp kính. Trong trường hợp không có biến cố bất lợi xảy ra, việc tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ vẫn rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt.
  • - Tác dụng giảm cận thị sẽ mất dần sau khi ngừng đeo kính.

3. Đối tượng phù hợp:

- Người bị cận thị (dưới 6 độ) không kèm hoặc kèm loạn thị từ 2,5 độ trở xuống.  

- Trẻ em dưới 18 tuổi chưa đủ độ tuổi để phẫu thuật

- Người chưa có tiền sử phẫu thuật cận thị hoặc các loại phẫu thuật mắt khác

- Người không có các bệnh lý về bề mặt nhãn cầu

4. Chống chỉ định

- Mắt đang bị viêm nhiễm

- Cơ địa dị ứng

- Bệnh lý bán phần trước của mắt: khô mắt, ảnh hưởng kết giác mạc

- Trước đây đã mổ tật khúc xạ

5. Các bước sử dụng Ortho-K:

**Dụng cụ:

  • Topographer
  • Slit-lamp
  • Máy đo khúc xạ tự động
  • Bảng thị lực
  • Bảng thị lực tương phản

**Bước thực hiện:

* Bước 1: Chọn lựa bệnh nhân:

  • - Người bị cận thị (dưới 6 độ) không kèm hoặc kèm loạn thị từ 2,5 độ trở xuống.
  • - Bề mặt nhãn cầu không bị viêm, không nhiễm trùng

* Bước 2: Kiểm tra đánh giá các thông số của mắt trước đặt kính:

  • - Kiểm tra khúc xạ
  • - Kiểm tra bán phần trước nhãn cầu
  • - Công suất/đường kính giác mạc
  • - Topography
  • - Đường kính đồng tử
  •     * Bước 3: Quyết định loại kính cho bệnh nhi
  •     * Bước 4: Sau khi đã có kính phù hợp, giao kính, đánh giá kính trên mắt khi đeo và hướng dẫn sử dụng:
  • - Chuẩn bị kính bằng cách làm sạch, rửa (không dùng nước máy) và vệ sinh kính bằng dung dịch kính áp tròng phù hợp.
  • - Đeo kính và thực hiện kiểm tra mắt để đánh giá (kính có nằm ở trung tâm hay không,vòng huỳnh quang hình tròn bao quanh trung tâm,chấp nhận cạnh nâng 360 độ xung quanh, kính phải ở chính giữa sau các lần chớp mắt, đánh giá thị lực, xác nhận mức độ thoải mái chấp nhận được)
  •     * Bước 5: Tái khám sau 1 đêm sử dụng và đánh giá lại, hẹn lịch tái khám tiếp theo.

**Mốc thời gian tái khám được khuyến cáo gồm:

  • − Buổi sáng sau đêm đầu tiên
  • − Sau đêm thứ ba
  • − Sau đêm thứ bảy
  • − Sau hai tuần
  • − Các kiểm tra khác nếu cần cho đến khi thị lực ổn định cả ngày

6. Chi phí:

Hiện nay chi phí kính định hình ortho-k còn khá cao, bệnh nhân phải tái khám theo dõi thường xuyên tránh các biến chứng trong quá trình đeo kính.
Khoa Mắt - Bệnh viện Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"