
1. Theo dõi tại cơ sở tiêm chủng
Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để kịp thời phát hiện và xử trí nếu xảy ra các phản ứng nghiêm trọng như:
- Ngưng tim, ngưng thở
- Khó thở, tím tái, khò khè
- Nổi mề đay nhanh, lan rộng

Việc theo dõi tại chỗ giúp đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi trở về nhà.
2. Hướng dẫn chăm sóc tại nhà

Sau khi rời cơ sở y tế, cha mẹ cần tiếp tục chăm sóc và theo dõi trẻ kỹ lưỡng trong những ngày đầu:
- Duy trì dinh dưỡng: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc uống thêm nhiều nước. Đảm bảo dinh dưỡng bình thường.
- Hạ sốt đúng cách: Nếu trẻ sốt trên 38°C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol theo liều 10–15 mg/kg cân nặng, lặp lại sau mỗi 4–6 giờ nếu cần. Đối với những trường hợp sốt nhẹ từ 37,5°C đến 38°C cần mặc quần áo thoáng mát và lau mát cho trẻ.
- Theo dõi : Tiếp tục theo dõi trong ít nhất 24 giờ sau tiêm, cần quan sát kỹ các biểu hiện của trẻ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
- Không nên :
* Hạ sốt bằng thuốc hạ sốt aspirin.
* Bôi, xức, đắp bất kỳ chất gì lên nơi tiêm.
* Kiêng tắm rửa vì sợ gây nhiễm trùng ở vị trí tiêm.
3. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao từ 39°C trở lên và không đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Co giật hoặc khóc dai dẳng
- Lừ đừ, li bì khó đánh thức
- Tím tái, khó thở
- Bú kém hoặc bỏ bú
- Phát ban, nổi sẩn da
- Sưng đau tại chỗ nhiều
- Các triệu chứng thông thường nặng hơn hoặc kéo dài trên 24 giờ
- Hoặc bất kì triệu chứng nào khiến cha mẹ lo lắng
