Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 8:16, 24/8/2023
584 lượt đọc

Những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi cho trẻ ăn dặm

Ăn dặm là quá trình trẻ chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn từ sữa mẹ, sữa công thức sang chế độ ăn kết hợp với các loại thức ăn thô khác như bột, cháo, rau củ… Ăn dặm một cách khoa học và hợp lý sẽ giúp trẻ dễ dàng hấp thu đủ dưỡng chất và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình bắt đầu cho trẻ em ăn dặm, không ít cha mẹ mắc phải những sai lầm tưởng chừng rất đơn giản nhưng khiến trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

Dưới đây là một số sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi cho con ăn dặm

1. Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Nhiều cha mẹ tập cho trẻ ăn dặm quá sớm (3-4 tháng tuổi). Đây là sai lầm vô cùng lớn và tai hại. Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn dặm quá sớm làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

2. Cho trẻ ăn ít rau củ

Cho trẻ ăn nhiều thịt, cá và ăn ít rau củ quả là điều nhiều cha mẹ gặp phải khi cho con ăn dặm. Hơn nữa việc lựa chọn rau củ cũng chưa khoa học. Thay vì cho trẻ ăn phong phú các loại rau thì cha mẹ chỉ chọn những loại hạt, củ quả như hạt đậu, cà rốt, bí đỏ ăn thường xuyên gây đơn điệu mùi vị và nhàm chán cho trẻ…Trong khi đó, những loại rau có lá màu xanh sẫm rất tốt cho trẻ. Cha mẹ nên phối hợp đa dạng các loại rau củ để bữa ăn của trẻ luôn thay đổi mùi vị, hấp dẫn. Cha mẹ cũng không nên hầm các loại rau củ quá lâu hay lưu giữ lâu trong tủ lạnh gây mất chất dinh dưỡng và dễ bị nhiễm khuẩn thức ăn trong quá trình bảo quản.

3. Cho trẻ ăn quá nhiều đạm

Chế độ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt cho trẻ. Nhiều mẹ nghĩ rằng cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng… sẽ giúp con mau lớn, tăng cân nhanh. Tuy nhiên, đây là sai lầm rất nghiêm trọng vì lượng đạm quá nhiều không những có thể làm bé rối loạn tiêu hoá mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Thay vào đó, chế độ ăn của trẻ phải đa dạng các nhómthực phẩm, nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm.

Chế độ ăn của trẻ cần đa dạng các nhóm thực phẩm

4. Cho ăn nước mà không ăn cái

Một số phụ huynh chỉ cho trẻ ăn nước mà không ăn cái. Chẳng hạn khi hầm xương, hầm rau củ, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hoặc sợ trẻ bị mắc cổ. Cách làm như thế dẫn tới mất đi lượng lớn chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

5. Xay nhuyễn mọi thức ăn

Một số cha mẹ nghĩ rằng nghiền nhuyễn mọi thức ăn sẽ tốt cho trẻ. Song điều này lại khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán.

6. Không cho dầu, mỡ vào cháo/ bột của trẻ

Dầu ăn giúp trẻ dễ tiêu hoá lại rất giàu năng lượng và giúp hoà tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu. Việc cha mẹ không cho hoặc cho rất ít dầu ăn vào bột, cháo của con có thể khiến trẻ không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết để phát triển.

7. Nấu 1 lần ăn cả ngày

Nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để tủ lạnh cho bé ăn dần cả ngày, đến từng cữ thì lấy ra hâm lại. Như thế cháo các cữ sau sẽ không còn mùi vị thơm ngon như lúc dầu, đồng thời lượng vitamin và chất dinh dưỡng trong thực phẩm cũng bị giảm hoặc mất đi, khiến cho bé không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo khẩu phần ăn.
KS. Đinh Thị Ngọc Sương - Nhóm Tiết chế Khoa Dinh dưỡng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"