Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:22, 19/6/2018
1495 lượt đọc

Bạn làm gì để phòng ngừa lây nhiễm Cúm A/H1N1?

Trong thời gian gần đây, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang gia tăng, đặc biệt bệnh cúm A/H1N1. Để tìm hiểu nguyên và cách phòng ngừa xin mời các bạn nghe trao đổi với TS. BS NguyễnThị Thanh Hà – Nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn và ThS. BS. Lê Thị Thanh Thủy–Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Hỏi: Xin chào TS. BS Nguyễn Thanh Hà, bác sĩ có thể cho biết bệnh Cúm A là gì?

Trả lời: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, thường do virus cúm A/H1N1gây ra. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa lạnh hoặc lúc chuyển mùa. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng, nguy hiểm.

Hỏi: Vậy sự tồn tại của vi rút cúm như thế nào ạ?           

Trả lời: Vào mùa dịch, có thể tìm thấy vi rút cúm A/H1N1 ở ngoài môi trường, trong dịch tiết từ đường hô hấp, trên bàn tay và các đồ dùng xung quanh người bệnh. Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.  Loại vi rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC. Do đó, thời tiết chuyển mùa mưa kéo dài như hiện nay kèm thiếu ánh nắng mặt trời là môi trường tốt cho vi rút phát triển.

Hỏi: Đường lây nhiễm của vi rút cúm A/H1N1 như thế nào thưa bác sĩ?

Trả lời: Cúm A/H1N1 là bệnh lây truyền qua hai con đường: do bắn ra giọt dịch chứa vi rút từ đường hô hấp và do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra và bám dính trên bề mặt môi trường, đồ vật và bàn tay bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng. Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.

Hỏi: Chúng ta làm thế nào để phát hiện bệnh cúm A/H1N1 ạ?

Trả lời: Sau khi bị nhiễm vi rút cúm, ở người lớn bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt cao 39-400C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi và có thể có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho... Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa biết nói, các biểu hiện thường gặp chủ yếu của nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như sốt trên 38oC, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu hoặc đau cơ, mệt mỏi, biếng ăn, nôn, tiêu chảy. Bệnh cúm mùa diễn tiến thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn khi xảy ra ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai do biến chứng viêm phổi nặng, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Hỏi: Để phòng ngừa nhiễm cúm, chúng ta cần phải làm gì thưa bác sĩ?

   1. Vào mùa dịch Cúm nên hạn chế đến nơi khu vực công cộng nơi đông người, nơi đang có nghi ngờ hoặc đang có dịch Cúm. Đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc mắc bệnh cúm.

   2. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay với dung dịch cơ chứa cồn (nếu không bị dị ứng) và bàn tay không dính các chất bẩn nhìn thấy được bằng mắt thường, nên che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải.

   3. Người nhà người bệnh, bệnh nhân và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho cơ quan y tế.

   4. Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

   5. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

   6. Người nhà người bệnh, khách thăm và người bệnh nếu có biểu hiện giống cúm khi đang ở bệnh viện thì cần thông báo với nhân viên y tế để được hướng dẫn cách ly phòng ngừa và đeo khẩu trang khi có biểu hiện ho, hắt hơi.

   7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu. Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.

   8. Nên tiêm phòng vác xin cúm hàng năm cho những người lớn, trẻ em và nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao như trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...) và người trên 65 tuổi.

   9. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý và luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

  Các biểu hiện nghi ngờ nhiễm Cúm A/ H1N1

Và phòng ngừa đúng cách

Bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhấtkhi có triệu chứng nghi ngờ

Cám ơn Bác sĩ.

TS. BSCK2 Nguyễn Thị Thanh Hà - ThS. BS Lê Thị Thanh Thủy
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"