Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:1, 2/7/2021
22500 lượt đọc

Tật sinh dục “Dính môi bé” trẻ em

Tại phòng khám Ngoại khoa Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến khám vì những lý do: “Bác sĩ ơi, con tôi không có lỗ ở âm đạo”, “Không biết con tôi có bị dị tật sinh dục hay không?”... Nhưng sau khi thăm khám, các bác sỹ nhận định chỉ là trẻ bị dính môi bé. Vậy dính môi bé là gì? Triệu chứng và nguyên nhân của dính môi bé? Bệnh này có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Dính môi bé là gì?

Bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới bao gồm hai môi lớn và hai môi bé. Những cấu trúc này nằm chắn trước phần âm đạo và lỗ tiểu. Bình thường thì hai môi bé tách rời nhau. Dính môi bé hay dính âm môi là hiện tượng hai môi bé ở bộ phận sinh dục nữ dính lại với nhau ở đường giữa, chỉ còn một khoảng trống rất nhỏ.

 

Tỉ lệ dính môi bé dao động khoảng 0.6% - 5%, thường xuất hiện ở trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi, mặc dù có một số trường hợp xuất hiện trễ hơn vào tuổi vị thành niên.

 

Triệu chứng và nguyên nhân gây dính

Có > 50% trẻ hoàn toàn không có biểu hiện gì, thân nhân chỉ phát hiện tình cờ trẻ không có lỗ âm đạo hoặc thấy bộ phận sinh dục trẻ khác thường. Một số trường hợp trẻ có triệu chứng tiểu són, tiểu đau, đau và tiết dịch âm đạo bất thường và có thể biểu hiện của nhiễm trùng tiểu.

 

Nguyên nhân có thể do kết hợp giữa các yếu tố: viêm nhiễm vùng âm hộ, âm đạo, sự sụt giảm estrogen, vệ sinh kém cũng như là việc kích ứng từ mặc tã.

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán dính môi bé chỉ cần dựa vào thăm khám lâm sàng. Hai môi bé dính chặt nhau ở đường giữa, biểu hiện bằng mô xơ trắng trong. Các mức độ dính môi bé có thể dao động từ dính nhẹ (dính một phần, che một phần âm đạo, lỗ tiểu không bị che lấp) cho đến dính nặng (dính hoàn hoàn, che lấp âm đạo lẫn lỗ tiểu).

Việc thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng có thể giúp loại trừ bất sản âm đạo cũng như bítmàng trinh.

 

Bệnh này có nguy hiểm không?

Nếu dính độ nhẹ, có thể tự cải thiện khi bé dậy thì do nồng độ estrogen tăng lên. Trường hợp dính mức độ trung bình và nặng thì cần phải điều trị tách dính. Nếu không được tách dính, dòng nước tiểu có thể bị màng xơ dính cản lại, gây nhiễm trùng tiểu, viêm âm hộ, viêm âm đạo kéo dài.

Việc tách dính môi bé là thủ thuật được thực hiện ngoài phòng khám, có gây tê tại chỗ giúp giảm đau, nhanh chóng và tương đối an toàn. Sau khi tách dính, bác sỹ có thể kê toa thuốc bôi có chứa steroid vào vùng môi bé đã được tách và hướng dẫn cho gia đình việc giữ vệ sinh vùng âm hộ để giảm thiểu tình trạng tái phát sau này.
BS CK2 Phan Ngọc Duy Cần - BS Trần An Hải Đăng Khoa Điều trị trong ngày
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"