Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 8:35, 22/8/2022
1567 lượt đọc

Tắm bé sơ sinh

Mỗi em bé sinh ra đời là niềm hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên để thích nghi với môi trường bên ngoài, bé phải học rất nhiều từ việc bú ngủ, vệ sinh… Ba mẹ cũng phải học để chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ và đem đến cho con những điều tốt nhất.

Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc thường gây lúng túng cho ba mẹ, đặc biệt là những ba mẹ có con đầu lòng. Đôi khi việc này được giao phó cho ông bà, cô bảo mẫu, nữ hộ sinh. Vậy tắm cho trẻ có lợi ích gì và cách tắm ra sao, mình cùng tìm hiểu nhé.

1. Lợi ích của việc tắm cho trẻ: giúp bé sạch sẽ, loại bỏ những bụi bẩn, tác nhân có thể gây nhiễm trùng da, giúp bé dễ chịu, cơ thể nhanh tuần hoàn máu nuôi dưỡng da, có thể loại trừ được mệt mỏi, quấy khóc, nâng cao được sức đề kháng của trẻ. Đây cũng là dịp kiểm tra toàn diện về da của trẻ xem có hiện tượng gì khác lạ không vì rất nhiều bệnh truyền nhiễm đều được biểu hiện ra bằng các nốt mẩn mụn nổi trên da. 

Đồng thời, việc tắm cho trẻ sẽ giúp gắn kết tình cảm của người chăm sóc với trẻ.

2. Thời điểm tắm cho trẻ

- Lúc có ánh nắng mặt trời ấm áp, tốt nhất là vào khoảng 10 – 11 giờ sáng hoặc từ 15 – 16 giờ chiều. Không nên tắm quá lâu, chỉ từ 4 – 5 phút cho mỗi lần tắm.

- Trẻ không quá đói hoặc quá mệt, giúp trẻ hứng thú với việc được tắm.

- Khi mẹ không vội vã vì công việc.

- Khi có người thân ở xung quanh để trợ giúp nếu cần.

3. Những điều nên và không nên làm khi tắm cho trẻ:

     Nên:

- Nói chuyện và chơi với trẻ.

- Sử dụng bồn tắm chuyên biệt.

- Rủ người thân cùng tham gia.

- Quấn khăn giữ ấm cho trẻ.

     Không nên:

- Chà xát da trẻ quá mạnh.

- Để trẻ 1 mình trong thau tắm.

- Dùng nước quá nóng để tắm trẻ.

- Dùng quá nhiều sữa tắm, dầu gội.

- Làm việc khác khi đang cho trẻ tắm, kể cả nghe điện thoại.

- Không tắm cho trẻ khi trẻ vừa bú xong.
    4. Chuẩn bị:

- 2 thau tắm

- 2 khăn xô nhỏ, 1 khăn lớn

- Sữa tắm, dầu gội em bé

- Nước ấm khoảng 38 độ

- Quần áo, bao tay, bao chân, tã giấy

- Tăm bông, dầu tràm, nước muối sinh lý
    5. Cách tắm

- Đặt bé lên một mặt phẳng, cởi hết quần áo, tã giấy, nhẹ nhàng bế bé đến vị trí đặt thau tắm.

- Tay trái đỡ gáy bé, tay phải nhúng ướt khăn, vắt khăn, lau sạch mặt, đặc biệt là vùng mắt, hai lỗ tai.

- Làm ướt tóc con, xoa dầu gội cho đều. Dùng khăn rửa sạch dầu gội trên đầu con.

- Từ từ thả con vào thau tắm, nhưng tay trái vẫn đỡ phần cổ của con.

- Làm ướt mình, xoa sữa tắm khắp người, tránh chạm vào vùng rốn

- Nhấc bé lên và chuyển vào thau tắm 2 chứa nước sạch. Rửa sơ qua các bộ phận một lần nữa

- Bế bé ra ngoài, đặt lên khăn khô đã trải sẵn.

  6. Chăm sóc trẻ sơ sinh sau tắm

- Quấn bé vào khăn và thấm khô người bé từ đầu xuống chân kể cả bộ phận sinh dục.

- Dùng tăm bông lau khô vành tai bé.

- Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào gòn của tăm bông để làm vệ sinh cuống rốn và xung quanh cuống rốn

- Mặc tã cho bé, tránh tã cọ sát vào rốn.

- Mặc quần áo, xoa chút dầu tràm vào 2 tay bạn rồi chà lại vào người bé ở lồng ngực và lưng, lòng bàn tay, bàn chân.

    Các lưu ý khác khi tắm bé:

- Luôn phải kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cùi chỏ hoặc mặt trong của cổ tay trước khi tắm.

- Nhiệt độ phòng + 27 độ C

- Nhiệt độ nước tắm cho trẻ + 38 độ C

- Mực nước tắm trong thau vừa tầm vai trẻ (5 -10 cm)

BS Nguyễn Thị Thanh Tuyền
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"