Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 15:51, 22/7/2019
14155 lượt đọc

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BÌNH XỊT ĐỊNH LIỀU MDI CHO TRẺ EM HEN SUYỄN

Bình xịt định liều (MDI) là một dụng cụ cung cấp thuốc dưới dạng khí dung, với liều được định sẵn là một nhát xịt. Bệnh nhân nhận thuốc trong bình xịt thông qua mỗi nhát xịt được hít từ miệng vào phổi.

Đây là liệu pháp rất quan trọng trong điều trị hen suyễn ở trẻ em để cắt cơn, dự phòng hen suyễn hoặc kết hợp cả hai. Việc sử dụng MDI đúng cách giúp đưa thuốc vào đường thở tốt hơn nhằm đạt hiệu quả điều trị. Ngược lại, nếu sử dụng không đúng cách sẽ có rất ít hoặc không có thuốc vào đường thở. Do đó, đối với bệnh nhân hen suyễn đặc biệt là trẻ em, phụ huynh cần biết sử dụng bình xịt định liều đúng cách.

Bệnh nhi có thể sử dụng bình xịt định liều đơn lẻ hoặc phối hợp với buồng đệm hoặc buồng đệm kèm mặt nạ. Sử dụng buồng đệm sẽ giúp giữ thuốc từ bình xịt định liều trong vài giây, bệnh nhân không phải ấn nút bình xịt và hít vào cùng một lúc, giúp nhận được nhiều thuốc hơn vào trong phổi và giảm nguy cơ tác dụng phụ như khàn tiếng hoặc nhiễm nấm khi hít corticoid do thuốc lắng đọng ở hầu, họng. Bình xịt định liều dùng kèm buồng đệm được khuyến cáo sử dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em và khi cần sử dụng corticoid dạng hít. Mặt nạ thì được dùng cho trẻ dưới 4 tuổi.

CÁCH SỬ DỤNG BÌNH XỊT ĐỊNH LIỀU

1.  Sử dụng bình xịt không có buồng đệm (Hình 1)

Bước 1: Tháo nắp ra khỏi đầu ngậm, giữ bình xịt ở vị trí thẳng đứng (đầu ngậm nằm phía dưới).

Bước 2: Lắc bình xịt kỹ vài giây để trộn đều thuốc

Bước 3: Hướng dẫn trẻ hơi nghiêng đầu ra sau, thở ra từ từ

Bước 4: Hướng dẫn trẻ đưa ống ngậm vào miệng,khép môi xung quanh miệng ống ngậm, không cắn

Bước 5: Ấn đỉnh bình xịt để giải phóng thuốc đồng thời cho trẻ hít vào từ từ (từ 3 – 5 giây)

Bước 6: Dặn trẻ nín thở trong 5 đến 10 giây, lấy bình xịt ra, sau đó thở ra chậm.

Nếu sử dụng nhiều hơn 1 nhát xịt, đợi 1 phút sau đó lặp lại các bước từ bước từ 2 đến 6.

Bước 7: Đậy nắp bình xịt sau khi sử dụng

Hình 1: Thao tác sử dụng bình xịt định liều không kèm buồng đệm

2. Sử dụng bình xịt định liều có buồng đệm (Hình 2)

Trước khi sử dụng buồng đệm, phải kiểm tra để đảm bảo không có vật lạ

Bước 1: Tháo nắp ra khỏi đầu ngậm

Bước 2: Lắc bình xịt kỹ vài giây để trộn đều các thành phần thuốc trong bình xịt

Bước 3: Nhét đầu ngậm của bình xịt vào đầu khớp với buồng đệm và giữ bình xịt ở vị trí thẳng đứng (đầu ngậm nằm phía dưới)

Bước 4: Hướng dẫn trẻ thở ra hết cỡ một cách thoải mái, tránh thở vào buồng đệm

Bước 5: Hướng dẫn trẻ khép môi xung quanh đầu ngậm của buồng đệm

Bước 6: Ấn vào đỉnh bình xịt để giải phóng thuốc vào trong buồng đệm

Bước 7: Hướng dẫn trẻ hít vào chậm và sâu khoảng 15 giây, lấy bình xịt và buồng đệm ra khỏi miệng trẻ sau đó cho trẻ thở ra chậm.

Nếu sử dụng nhiều hơn 1 nhát xịt, đợi 30 giây sau đó lặp lại các bước từ bước 4 đến 8.

Bước 8: Đậy nắp ống ngậm và bình xịt sau khi sử dụng

Hình 2: Thao tác sử dụng bình xịt định liều kèm buồng đệm

3. Sử dụng bình xịt định liều có buồng đệm và mặt nạ (Hình 3)

Trước khi sử dụng buồng đệm, phải kiểm tra để đảm bảo không có vật lạ.

Bước 1: Tháo nắp ra khỏi đầu ngậm

Bước 2: Lắc bình xịt kỹ vài giây để trộn đều các thành phần thuốc trong bình xịt

Bước 3: Nhét đầu ngậm của bình xịt vào đầu khớp với buồng đệm và giữ bình xịt ở vị trí thẳng đứng (đầu ngậm nằm phía dưới)

Hình 3: Thao tác sử dụng bình xịt định liều kèm buồng đệm và mặt nạ

VỆ SINH BÌNH XỊT ĐỊNH LIỀU VÀ BUỒNG ĐỆM

Với bình xịt định liều: cần được làm sạch thường xuyên ít nhất 1 lần/tuần để tránh tắc nghẽn. Mở nắp đậy ống ngậm, lau sạch mặt trong và ngoài của ống ngậm và vỏ nhựa bên ngoài bằng vải mềm hoặc giấy lụa.

Với buồng đệm: có thể tháo rời, vệ sinh bằng nước ấm và xà bông nhẹ như nước rửa chén mỗi tháng 1 lần, để cho buồng đệm tự khô, không được lau chùi mặt trong của buồng đệm. Mặt nạ thì vệ sinh thường xuyên hơn.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG BÌNH XỊT ĐỊNH LIỀU

Kiểm tra bình xịt trước khi sử dụng lần đầu hoặc sau hơn 1 tuần không sử dụng. Đầu tiên tháo nắp đậy ống ngậm, lắc kỹ bình xịt trong vài giây, phun vào không khí đảm bảo bình xịt hoạt động, số lần phun để chuẩn bị cho bình xịt định liều sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng loại thuốc và được ghi rõ trong tờ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đối với các thuốc hít có chứa corticoid, súc miệng sau khi dùng thuốc để tránh nuốt thuốc và tác dụng phụ bị nấm miệng.

Kiểm tra bình xịt còn hay hết thuốc: kiểm tra số hiển thị trên cửa số báo liều trên bình xịt định liều (nếu có). Một số loại bình xịt không có cửa sổ báo liều, bệnh nhân cần theo dõi và ghi nhận số nhát sử dụng mỗi lần sử dụng để trừ đi so với tổng số nhát của bình xịt từ đó tính được số liều còn lại. Một cách khác để kiểm tra là tháo bình xịt kim loại bên trong ra khỏi ống thuốc. Sau đó, thả bình kim loại vào trong thau nước và dựa vào vị trí của bình xịt so với mặt nước để biết lượng thuốc còn trong bình. Nếu bình kim loại nổi lềnh bềnh nằm ngang trên mặt nước thì đã hết thuốc, chìm xuống sâu thì thuốc còn đầy.

MỘT SỐ SAI LẦM PHỔ BIẾN

Để việc sử dụng bình xịt định liều đạt hiệu quả tối đa và tránh các tác dụng phụ, cần tránh những điều sau đây:

  • Quên kiểm tra bình xịt lần đầu tiên hoặc sau hơn 1 tuần không sử dụng
  • Quên kiểm tra bình xịt còn thuốc hay hết thuốc
  • Quên tháo nắp bình ra khỏi ống ngậm và lắc bình xịt trước khi sử dụng
  • Hít bằng đường mũi
  • Hít vào quá nhanh khi thao tác ấn bình xịt, không nín thở sau khi hít vào
  • Xịt nhiều hơn hai liều liên tục mà không lặp lại các bước
  • Không súc miệng khi sử dụng các thuốc hít có chứa corticoid.
DS Nguyễn Thị Khánh Linh
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"