Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:16, 4/5/2020
9175 lượt đọc

Gìn giữ ánh sáng cho trẻ sinh non - Bệnh lý Võng mạc ở trẻ sinh non - Những điều cần biết

Thân chào cha/mẹ của các bé sinh non! Trong những năm gần đây, đi kèm với tỉ lệ trẻ sinh non được cứu sống gia tăng trên lĩnh vực Sản khoa cùng với phương diện chăm sóc, hồi sức sơ sinh ngày càng cải thiện, một vấn đề sức khoẻ mới và nổi bật ở trẻ sơ sinh thiếu tháng là Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non - hay còn gọi là ROP (Viết tắt của của cụm từ Retinopathy of Prematurity).

Vậy thì, Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) là gì?

ROP là nhóm bệnh lý tăng sinh mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non, thường gặp ở trẻ non tháng, có thể dẫn đến giảm thị lực và mù loà nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.

Nếu vậy, có phải mọi trẻ sinh non đều bị ROP?

Câu trả lời là Không. ROP sẽ xuất hiện một thời gian sau sinh nếu mạch máu võng mạc phát triển bất thường, nghĩa là không phải tất cả trẻ sinh non đều mắc bệnh ROP.

Tỷ lệ trẻ bị ROP trong số những trẻ sinh non vào khoảng 10%. Trung bình khởi bệnh sau khoảng 3-4 tuần sau sinh tuỳ thuộc vào tuổi thai và cân nặng lúc sinh của mỗi bé.

Hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của các kỹ thuật điều trị hồi sức sơ sinh, ngược lại với việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non và cực non, tỷ lệ mắc ROP ngày càng cao.

Các nghiên cứu đã chỉ ra cân nặng và tuổi thai lúc sinh thấp là 2 yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non. Ngoài ra còn một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến bệnh lý như việc thở oxy, chủng tộc, dinh dưỡng, nhiễm trùng, thiếu máu,.....

Vậy con em sinh non 32 tuần, có cần phải thăm khám mắt để phát hiện ra bệnh ROP không?

Đây là một câu hỏi các bác sĩ rất thường gặp.

Tại Việt Nam, tất cả những bé có tuổi thai khi sinh dưới 34 tuần hoặc cân nặng lúc sinh ≤ 1800 gram đều phải được khám sàng lọc mắt tầm soát ROP. Đối với những bé sinh non không thoả yếu tố trên nhưng có thêm các yếu tố như suy hô hấp phải thở oxy kéo dài, viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng… thì sẽ được khám sàng lọc nếu có yêu cầu của bác sĩ trong quá trình chăm sóc trẻ.

Hình ảnh thăm khám sàng lọc ROP tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Bé sẽ được khám mắt lần đầu tiên vào thời điểm nào?

Lần khám mắt đầu tiên sẽ được tiến hành khi trẻ được 3-4 tuần sau khi sinh hoặc trẻ lớn hơn 31 tuần tuổi (tính cả tuổi thai và tuổi sau khi sinh), tuỳ thuộc vào mốc thời gian nào đến sau đó.

Đế trẻ không phải chịu cảnh mù loà cả cuộc đời, cha mẹ phải đưa trẻ đi khám sàng lọc mắt nếu thoả các tiêu chí và đúng thời điểm như đã nêu !

Hình ảnh Bong võng mạc - nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mù loà ở trẻ bị ROP

(Được chụp bằng máy PANOCAM - Bệnh viện Nhi đồng 1)

Bác sĩ ơi, vậy nếu con em đang điều trị tại khoa sơ sinh của bệnh viện, thì liệu bé có được khám mắt và điều trị bệnh không? Em rất lo cho bé !

Đây có lẽ là thắc mắc cũng như nỗi lòng của nhiều ông bố bà mẹ có con sinh non kèm theo nhiều bệnh lý khác cần điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, những bé sinh non nằm trong tiêu chuẩn khám sàng lọc ROP, được các bác sĩ sơ sinh cho chỉ định và lịch khám định kỳ được tổ chức vào mỗi chiều thứ 4 hàng tuần hoặc những thời điểm có yêu cầu hội chẩn ROP, bé sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Mắt của Bệnh viện thăm khám cùng ngày cho chỉ định.

Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ thực hiện khám tầm soát ROP cho các bé sơ sinh đang điều trị tại các bệnh viện Sản trong thành phố Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ,.... và một số bệnh viện khác nếu có yêu cầu hội chẩn. Vậy nên cha/mẹ các bé ở các bệnh viện này cũng đừng lo lắng quá nhé !

Hình ảnh sàng lọc ROP tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi chiều thứ tư hàng tuần.

Nếu con em bị mắc bệnh ROP thì phải làm sao hả bác sĩ? Bệnh này có điều trị được không?

Nếu bé sinh non của cha/mẹ được bác sĩ chẩn đoán là có bệnh thì tuỳ vào mức độ bệnh, bé sẽ được các bác sĩ cho chỉ định điều trị hoặc đặt lịch hẹn tái khám sau đó.

Nếu bệnh lý ROP của bé là nặng, thông thường là AP ROP hoặc nhóm có kèm theo Plus (+) hoặc bệnh diễn tiến giai đoạn 3 (S3) co kéo doạ bong võng mạc, bé sẽ được chỉ định nhập viện và điều trị can thiệp.

Còn ở các mức độ bệnh khác nhẹ hơn, hoặc bệnh lý thoái triển thì bé sẽ được đặt lịch hẹn từ 3-5 ngày cho đến 1-2 tháng, tuỳ thuộc vào chẩn đoán sau thăm khám.

Hình ảnh võng mạc của bệnh lý ROP nặng

(Được chụp bằng máy PANOCAM - Bệnh viện Nhi đồng 1)

Bé sẽ được điều trị ROP như thế nào? Bị ROP rồi bé có bị mù luôn không?

Trên thế giới hiện tại 3 phương thức điều trị dành cho bệnh lý ROP. Bao gồm

            Tiêm nội nhãn - thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (anti VEGF)

            Phẫu thuật laser quang đông

            Phẫu thuật Bong võng mạc

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định và chọn lựa tiêm thuốc nội nhãn hoặc phẫu thuật laser hoặc phối hợp cả 2 tuỳ thuộc vào mức độ bệnh của mỗi bé. Mặc dù được điều trị tốt, nhưng vẫn có tỉ lệ nhỏ các bé sẽ tiến triển đến Bong võng mạc (ROP từ giai đoạn 4 trở lên). Do đó cần phải được phẫu thuật gấp, nếu không mù loà là điều khó tránh khỏi.

Những trường hợp bong võng mạc, sẽ được các bác sĩ khám lâm sàng, chụp hình đáy mắt, siêu âm nhãn cầu của bé và hội chẩn với một chuyên gia người Hà Lan về bệnh lý võng mạc, để cùng phân tích, đánh giá đầy đủ tình trạng mắt của bé. Từ đó đưa ra chỉ định phẫu thuật bong võng mạc và theo dõi phù hợp.

Hội chẩn cùng Bác sĩ J.D trong việc điều trị ROP tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Nếu bé nhà em được chẩn đoán là bệnh lý ROP thoái triển thì có cần phải tái khám Mắt nữa không?

Theo y văn trên thế giới, khoảng 90% trẻ bị bệnh lý võng mạc sinh non ở mức độ nhẹ, bệnh sẽ diễn tiến đến thoái triển một thời gian sau đó mà không cần phải phải điều trị. Vì thế, không cần phải tái khám ROP sau khi được chẩn đoán “thoái triển” ở những trẻ chưa điều trị.

Trẻ với ROP thoái triển có tỉ lệ mắc các bệnh lý khác ở mắt (lé, nhược thị, tật khúc xạ với độ cận lớn...) cao hơn. Vì thế, việc thăm khám mắt sau thoái triển để phát hiện các bệnh lý mắt khác là cần thiết. Thường trẻ sẽ tái khám định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về mắt.

Thuốc AVASTIN là gì? Những điểm cha mẹ/người chăm sóc trẻ sinh non cần quan tâm.

AVASTIN là nhóm thuốc ức chế tăng sinh tân mạch đã được nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Mexico, Chi Lê, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Thái Lan…và Việt Nam sử dụng trong điều trị bệnh lý võng mạc sinh non và cho kết quả rất tốt. Nhờ phương pháp điều trị này mà có hàng nghìn trẻ trên thế giới tránh được mù loà do ROP.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, việc điều trị AVASTIN cho trẻ bị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non đã được sự cho phép của Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh.

Dựa vào nghiên cứu đã tiến hành, thì sau điều trị tiêm thuốc AVASTIN có đến 91,6% trẻ đạt kết quả tốt (bao gồm số trẻ khỏi hẳn và số trẻ giảm bệnh).

Sau tiêm thuốc AVASTIN trẻ cần được thăm khám Mắt theo dõi định kỳ vì vẫn có tỉ lệ nhỏ (khoảng 8%) các trẻ phải điều trị laser bổ sung sau tiêm thuốc.

Việc tái khám theo dõi ROP trước và sau điều trị là vô cùng quan trọng, cha/mẹ trẻ sinh non nên quan tâm và tuân thủ theo lịch hẹn của bác sĩ để tránh những rủi ro của việc không điều trị kịp thời có thể đến mù loà.

Ngoài ra, một số điểm lưu ý của Bác sĩ dành cho cha/mẹ các bé sinh non khám ROP tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

   - Cha/mẹ không nên cho trẻ bú 1 giờ trước khi khám mắt để tránh nôn trớ và hít phải thức ăn gây nguy hiểm cho trẻ.

   - Để thăm khám chính xác Mắt cho bé, bé cần phải nhỏ thuốc dãn đồng từ 3-4 lần cho nên phải tốn đến 45-60 phút cho thuốc phát huy tác dụng. Vậy nên cha/mẹ nên lựa chọn thời gian đến bệnh viện phù hợp, thường buổi sáng nên đi trước 10h sáng và buổi chiều nên đi khám trước 15h chiều.

   - Khám và sàng lọc ROP tại các địa phương khu vực phía Nam (ngoài thành phố Hồ Chí Minh): nhiều địa phương khác đã có bác sĩ được đào tạo khám sàng lọc ROP. Cha/mẹ các bé có thể tham khảo và chọn lựa cho mình nơi phù hợp để đưa trẻ đến khám.

Dấu chấm đỏ là các tỉnh thành đã có Bác sĩ được huấn luyện về khám sàng lọc ROP

BS Dương Thị Trà My
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"