Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:12, 4/11/2022
39 lượt đọc

Thương em, cây Xương rồng nơi tuyến đầu chống dịch

Trong tình hình bùng phát dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh ví tựa cơn sóng dữ tràn ngập toàn thành phố do biến thể khôn lường của chủng Delta. Sở Y tế TP.HCM đã định hướng sự đóng góp của bệnh viện Nhi Đồng 1 trong công tác chống dịch ở tuyến đầu: đó là hỗ trợ bệnh viện Trưng Vương trong việc điều trị bệnh nhi bị nhiễm Covid-19 và kiêm nhiệm phụ trách bệnh viện dã chiến chữa trị Covid-19 tại Củ Chi.

Đứng trước cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng của thành phố, để không cảm thấy choáng ngợp và tuyệt vọng, toàn thể bệnh viện, từ ban Giám đốc cho đến nhân viên đã nhanh chóng trang bị cho mình một tâm thế rất đơn giản nhưng đầy sức mạnh. Đó là việc suy nghĩ như một người mẹ! Nhà thơ Alexis De Veaux viết, "Làm mẹ không chỉ là đơn giản là quá trình sinh đẻ hữu cơ. Đó là sự hiểu biết về những nhu cầu của thế giới". Vào thời điểm hiện tại, nhân viên Nhi đồng 1 được mời gọi mở rộng vòng tay nhân ái đến với thành phần yếu đuối nhất của thời dịch bệnh: Các bệnh nhân nhiễmCovid-19.

Nhân viên bệnh viện Nhi đồng 1 đi chống dịch

Hưởng ứng tích cực lời mời gọi tham gia lên tuyến đầu chống dịch, em tôi đã rất sẵn sàng đối với sự phân công của Khoa. Trong đợt công tác đầu tiên, em tham gia chăm sóc và điều trịbệnh nhi dương tính tại bệnh viện Trưng Vương. Tại đây, các nhân viên bệnh viện Nhi đồng 1 tham gia công tác trong tinh thần sẵn sàng 24/24 giờ và 7 ngày/tuần, mặc dù buổi tối phải đi ra ngoài nghỉ đêm nơi khách sạn. Rất nhiều đêm các bạn phải hộc tốc rời khỏi phòng ngủ để đến với các bệnh nhi, mặc cho đêm tối cùng với những nguy hiểm bủa vây. Trong môi trường này, em càng có cơ hội để thể hiện cao độ lòng nhân ái đối với các bệnh nhi “cô độc”! Em nhìn thấy được hình ảnh của con mình trong những hình hài bé nhỏ, non nớt, nhưng đã phải lâm vào trận chiến sinh tồn giữa Đa-vít và Go-li-at. Xin mở ngoặt ở đây, con của em đã được gửi về quê ngoại từ đầu cơn dịch bệnh tại thành phố; điều đáng ghi nhận là khi em đi Trưng Vương thì con chưa biết nói, đến khi con bập bẹ thành câu thì em đang còn ở Củ Chi!

Trong sự thân tình, tôi đã có cuộc phỏng vấn chớp nhoáng về động cơ tham gia đợt 2, em ra vẻ bí mật và bật mí cho tôi: “Lần này có chồng em tham gia chống dịch tuyến đầu!” Ôi! Thật là lãng mạn! Tôi sẽ cố gắng cảm nhận mãnh lực nội tại của tình yêu vợ chồng nơi tuyến đầu dịch bệnh!Nhưng trước mắt, đôi vợ chồng trẻ này sẽ là những chiến sĩ thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch. Sẵn sàng “gác xếp” mọi công việc gia đình để đặt mình vào trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh, bất kể ngày hay đêm, cho dù cả hai đều xác định đã đi là khả năng lây nhiễm rất cao! Em bày tỏ suy nghĩ: “Em muốn đóng góp phần bé nhỏ vào công cuộc chống dịch”. Ý tưởng của em thật tương đồng với ý tưởng của Albert Schweitzer - thầy thuốc và chủ nhân giải Nobel hòa bình năm 1952:“Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại.”

Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi, em tôi đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân và phân bổ phòng giường lưu trú. Yêu cầu đặc trưng của công việc này là luôn sẵn sàng tiếp nhận bất kể thời gian và bất kể thời tiết. Vì thế việc gội nắng, dầm mưa là thường xuyên; và việc ghi nhận hồ sơ trong tình trạng cay xé mắt thì không phải là đôi lúc. Cơm nguội, canh lạnh… Đúng thế, em ơi! “Tình yêu luôn mang tới khó khăn, đúng vậy, nhưng mặt tốt là nó cũng đem tới sức sống.” (Vincent Van Gogh).

                

                                Tiếp nhận bệnh nhân trong cơn mưa                                Đến giường thăm khám chăm sóc bệnh nhân

Em tôi, có lẽ cũng là biểu tượng của bệnh viện Nhi đồng 1, và cũng có thể của cả hệ thống y tế thành phố, đang oằn mình dưới sức nóng khủng khiếp của cơn cuồng nhiệt đang quét qua!

Em tôi, như cây xương rồng sống nơi hoang mạc khô cằn, chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Sức sống mãnh liệt của xương rồng tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh, không chịu khuất phục và thay đổi để sinh tồn. Đặc biệt, cây xương rồng có sức cuốn hút lạ lùng khi nở hoa. Hoa xương rồng không khoe sắc rực rỡ hay tỏa hương thơm nồng nàn mà nó chính là thành tựu của một quá trình gian nan, bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt. Tình yêu mà cây xương rồng mang đến là một tình yêu trải qua nhiều sóng gió nhưng kết thúc có hậu.

Trong thư nhằm động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mô tả vẻ đẹp đáng chiêm ngưỡng được hình thành từ trong chính môi trường đầy gian nan.

“Nhân dân càng hiểu, trân trọng, biết ơn sự hy sinh của tất cả các anh chị em trên tuyến đầu, nhất là đội ngũ cán bộ y tế. Những cống hiến đó đã tạo nên bức tranh đẹp lan tỏa sâu rộng trong cuộc chiến chống dịch với những sắc màu của giá trị nhân văn, đức hy sinh, sự sẻ chia và tình đoàn kết toàn dân tộc.”

(Trích thư Thủ tướng gửi động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. – Hà Nội, ngày 1-8-2021)

Em tôi! Bệnh viện Nhi Đồng 1 của chúng tôi! Thành phố của chúng tôi! Tình người luôn tỏa sáng trong cơn đại dịch! Sa mạc vẫn nở hoa!

CNĐD Phan Thị Thúy Dung - Điều dưỡng trưởng khoa TMH, Bệnh viện Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"