Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:17, 4/2/2020
111 lượt đọc

Lửa vẫn còn cháy

Trong lúc đi kiểm tra lần cuối dãy phòng khu nhà C, xem các bảng biểu, thiết bị điện và vật dụng của các khoa có còn sót lại hay không trước khi bàn giao cho bên thi công để họ phá dỡ, bỗng từ xa xa bên dãy nhà khu AB, tôi nghe có tiếng bánh xe kẻo kẹt cứ vang lên mỗi lúc một gần và tiếng nói của người nhân viên phục vụ dinh dưỡng giao thức ăn trưa cho các cháu đang nằm điều trị ở khoa Phỏng. “Cơm đây! Cơm đây! Đến giờ cơm rồi đây!”.

Tôi lặng lẽ đứng nép sau cây cột để xem người nhân viên phục vụ đó sẽ làm gì và người nhận  phần thức ăn đó giao lại cho các cháu bệnh nhi ra làm sao. Với tôi người nhân viên đó không xa lạ hay đúng hơn, đó chính là hình ảnh của tôi cách đây hai mươi bốn năm về trước, khi tôi và anh ta cùng vào làm việc ở bệnh viện này. Và tôi bồi hồi nhớ lại.

Đã nhiều năm trôi qua, các thế hệ lãnh đạo bệnh viện luôn quan tâm hài hòa đến đời sống của bệnh nhi và nhân viên trong hoạt động hàng ngày. Mỗi ngày bếp ăn của bệnh viện luôn rực lửa để nấu những suất ăn cho các cháu và cũng như của nhân viên. Có lúc suất ăn của các cháu lên đến 350 hay 400 phần cơm, cháo nóng hổi và đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhân viên thì có hôm gần 500 phần, chưa kể hết cơm trắng phải nấu thêm và nhờ căn tin chia xẻ để những người đồng nghiệp luôn cảm thấy no bụng và đủ đầy năng lượng cho buổi chiều làm việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là những bệnh nhân không có điều kiện thì bị bỏ lại đằng sau. Có một dãy bếp dành cho những người ở xa hay điều trị lâu ngày, nấu nướng tự túc. Đối diện đó là một cái bàn, bán thực phẩm tươi sống của đơn vị Vissan vào hỗ trợ. Họ cử nhân viên bán thịt, rau củ và gia vị để cho thân nhân bệnh nhi mua được với cái giá yêu thương nhất. Từng làn khói của dãy bếp, theo gió lan tỏa bay lên không trung mang theo mùi của những cây gỗ mà bệnh viện cắt tỉa, để dành cho khô mà họ đang đun nấu. Ánh lửa vẫn bập bùng đến lạ kỳ, mang sự yêu thương giữa con người với con người nơi đây. Sau nhiều năm, nhằm để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, lãnh đạo bệnh viện quyết định nâng cấp và sửa lại khu nhà bếp cho bệnh nhi tự túc nấu ăn. Lãnh đạo nhờ doanh nghiệp hỗ trợ phần gạch lát nền và lúc đó tôi được giao nhiệm vụ phân loại theo màu, theo kiểu để lót cho phù hợp. Những viên gạch đó là sản phẩm để trưng bày hay đã bỏ vì mẫu không còn bán ra ngoài thị trường nữa. Nhưng nhờ nó mà dãy bếp khang trang hơn, sạch sẽ hơn và điều cuối cùng là an toàn cho thân nhân bệnh nhi nấu nướng. Lửa lại được nổi lên.

Mùi thức ăn thoang thoảng bay trong gió vào những ngày cuối năm khi những hoa mai vàng kịp bung cánh, khoe sắc trong cái không khí mát dịu. Bệnh viện vẫn cung cấp đầy đủ các suất ăn cho bệnh nhân tiểu đường, tim mạch và thậm chí các cháu đang được tập phục hồi chức năng. Nhân viên đến giờ ăn trưa lần lượt đi xuống với mâm cơm còn nóng và thức ăn vừa được chia xong. Nhưng có một điều ai cũng hơi ngạc nhiên là vì sao hôm nay khẩu phần có sự khác biệt. Lý do rất đơn giản. Tết! Tết thì khẩu phần ăn phải khác và nó nhiều hơn mọi khi nhưng giá tiền thì vẫn không đổi.

Bệnh viện mỗi ngày mỗi phát triển và những mạnh thường quân mới xuất hiện. Họ san sẻ gánh nặng đó với các cháu bệnh nhị bằng cách cung cấp cơm tình nghĩa, cháo tình thương và những phần quà đầy tình cảm. Khu nhà bếp của bệnh viện thu hẹp dần và suất ăn mỗi ngày mỗi ít đi. Điều đó không có nghĩ là lửa không cháy. Nó vẫn cháy và thức ăn vẫn còn được cung cấp cho những bệnh nhi cần một chế độ đặc biệt khi mà những nhà hảo tâm kia không thể cung cấp đủ cho các cháu. Cơm cho bệnh nhân suy thận phải nấu lạt hay hạn chế muối và cơm cho tiểu đường phải cân đong chính xác từng chút . Những đứa bé ở Khoa Phục hồi chức năng vẫn ngóng trông khi mỗi buổi trưa đến. Lửa của bếp vẫn cháy nhưng có lẽ nó đã được chọn lọc hơn.

Giờ đây, suất ăn của nhân viên được Công đoàn giao cho căn tin đảm nhận. Dãy bếp dành cho bệnh nhân đã hoàn thành sứ mạng của nó và được thay thế bằng dãy phòng khám Khoa Siêu âm và một phần của khu hành chính Khoa Khám bệnh. Phát triển là một nhu cầu tất yếu. Khu nhà C cũ đã phá dỡ và sẽ mọc lên khu nhà mới với chức năng và vai trò mới của nó. Có lẽ dãy phòng này nó đã chứng kiến biết bao thăng trầm của bệnh viện và cũng như là ngôi nhà nhỏ thứ hai cho các cháu bệnh nhi khi đã từng nhập viện để điều trị, phục hồi sức khỏe. Nhiệm vụ lịch sử của nó đã hoàn thành, sau hơn sáu mươi năm qua đảm trách là nơi điều trị cho bao nhiêu trẻ mà nay đã có người trở thành ông lão. Từng nhát búa đóng cọc cứ vang rền lên trong khuôn viên của bệnh viện. Những người công nhân cũng cật lực làm hết sức công việc của mình nhằm thi công cho đúng tiến độ, đến năm 2021 đưa vào sử dụng. Tôi thầm nghĩ khi đó có lẽ bếp của bệnh viện  không còn bập bùng như lúc trước hay mùi khói của cây gỗ mục bay trong gió vào những ngày cuối năm, như năm nào. Nó sẽ thay đổi bằng cái bếp hồng ngoại hay bếp điện từ, đỏ rực để nấu chín thức ăn dành cho các cháu bệnh nhi, tin tưởng đến nơi đây để điều trị hay phục hồi sức khỏe. Dù có bập bùng hay âm ỉ cháy thì nơi đây cũng sẽ là nơi đáng để trao sự hy vọng và khả năng điều trị tuyến cuối cho các cháu bệnh nhi ở tỉnh xa chuyển về đây. Tôi không biết tiếng rao vang lên :” Cơm đây! Cơm đây! Đến giờ cơm rồi đây! “ có còn tiếp tục vang lên nữa không khi những dãy nhà mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có lẽ nó sẽ thay bằng chổ tập trung với nhiều màu sắc và âm thanh vui nhộn dành cho các cháu khi đến giờ ăn. Nếu điều đó diễn ra thì có lẽ tiếng rao kia sẽ đi vào dĩ vãng.

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"