Từ ngày 01/01/2025 Bệnh viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và không bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 118/NĐ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật: 9:54, 23/3/2023
267 lượt đọc

Phân biệt viễn thị với lão thị

Như chúng ta thường biết, cận thị và viễn thị thường rất dễ phân biệt. Người mắc tật cận thị sẽ gặp khó khăn khi nhìn các vật thể ở xa, tầm nhìn sẽ mờ và chỉ khi lại gần thì mới thấy rõ. Trong khi đó viễn thị thì ngược lại, những vật ở khoảng cách xa vẫn rõ nét, còn khi nhìn vật ở gần sẽ cần gắng sức hơn và khó nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, “viễn thị” và “lão thị” lại thường hay bị nhầm lẫn là 1 bệnh, và điều này hoàn toàn không đúng. Viễn thị và lão thị có biểu hiện khá giống nhau, nhưng lại từ 2 nguyên nhân và cơ chế hoàn toàn khác biệt.

     

 

Lão thị

Người mắc tật lão thị sẽ có những biểu hiện như không nhìn thấy rõ chi tiết các vật thể ở trong tầm tay, như điện thoại, sách báo, máy vi tính, kim thêu may vá hay đồng hồ đeo tay... trong khi các vật ở xa vẫn rõ nét hơn nhiều. Ngoài ra, khi gắng sức nhìn gần, người lão thị sẽ phải nheo mắt, gắng sức thẳng tay đưa vật ra xa hơn, thời gian dài sẽ nhức đầu, chảy nước mắt... Điều này trực tiếp gây ảnh hưởng đến các công việc nhìn gần của chúng ta như đọc sách, sử dụng máy vi tính, các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại, may vá hay nấu ăn...


Lão thị thường xuất hiện các triệu chứng sớm ở tầm tuổi 40 (có thể sớm hơn hoặc muộn hơn) và triệu chứng thường sẽ nặng hơn khi càng lớn tuổi. Cơ chế của lão thị đến từ sự xơ cứng của thuỷ tinh thể, hay có thể hiểu là sự “già đi”, kém linh hoạt, kém đàn hồi hơn của thuỷ tinh thể khi lớn tuổi. Nếu như lúc trẻ, thuỷ tinh thể có thể co giãn nhanh chóng và dễ dàng để nhìn gần, thì khi xơ cứng, quá trình này không còn tốt nữa, dẫn đến lão thị và cần được đeo kính phù hợp (kính lão) để hỗ trợ mỗi khi nhìn gần.

 

Viễn thị

Người mắc tật viễn thị có biểu hiện bên ngoài rất giống với lão thị. Họ sẽ hoàn toàn thoải mái với tầm nhìn xa; tuy nhiên sẽ khó khăn với tầm nhìn gần và kém rõ nét hơn rất nhiều. Khác với lão thị, nguyên nhân của viễn thị là do trục nhãn cầu ngắn hơn so với bình thường hoặc do cấu trúc độ cong của giác mạc, dẫn đến khi hình ảnh hội tụ vào mắt không đúng trên võng mạc (thay vì hội tụ đúng trên võng mạc lại hội tụ ra quá xa phía sau võng mạc) và hình ảnh nhận được sẽ bị mờ.Độ mờ tỉ lệ thuận với độ gần của vật thể. Viễn thị có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào.

Viễn thị do trục nhãn cầu ngắn thường thấy nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi mắt còn chưa phát triển hết. Vì vậy, ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, khi khám khúc xạ sẽ rất thường gặp trường hợp các trẻ có tật viễn thị, và điều này là bình thường nếu độ viễn thị nằm trong một khoảng phù hợp với tuổi, gọi là khoảng “viễn thị dự trữ”. Độ viễn thị ở thời điểm này được dự đoán là sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và giảm hết ở một độ tuổi nhất định, do trục nhãn cầu sẽ dài ra theo tuổi của trẻ. Quá trình phát triển này (gọi là quá trình “chính thị hoá”) là bình thường và cần thiết. Nếu quá trình “chính thị hoá” diễn ra không hoàn chỉnh, độ viễn thị sẽ không giảm hết và sẽ tồn dư đến khi trẻ lớn và qua hết giai đoạn phát triển mắt, dẫn đến tật khúc xạ viễn thị và cần đeo kính; đồng thời nguy cơ nhược thị ở các trẻ này cũng rất cao. Bên cạnh đó, các trẻ có độ “viễn thị dự trữ” không đủ, hoặc thậm chí hoàn toàn không có (như cận thị bẩm sinh), sẽ có nguy cơ mắc tật cận thị sớm và tăng độ cận rất cao.

Các trẻ có độ viễn thị lúc nhỏ nằm trong khoảng bình thường của độ tuổi, tức là có độ “viễn thị dự trữ” vừa đủ và quá trình “chính thị hoá” diễn ra tốt, hoàn chỉnh và triệt để, sẽ lớn lên với nguy cơ bị cận thị thấp hơn nhiều so với các trẻ khác. Vì vậy, tất cả các trẻ, đặc biệt các trẻ có cha mẹ mắc tật khúc xạ, nên đến khám tầm soát khúc xạ sớm để xác định độ khúc xạ và theo dõi quá trình “chính thị hoá” là rất cần thiết.

Viễn thị và lão thị là hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, độ tuổi mắc bệnh và cơ chế phát triển, dù biểu hiện có thể tương đồng về mặt thị giác xa gần. Vì vậy, cần xác định đúng bệnh để có cách theo dõi, phòng ngừa, điều trị và chỉnh kính phù hợp.

Khoa Mắt – BV Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"