Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:55, 4/10/2022
446 lượt đọc

HEMOPHILIA - HƯỚNG TỚI KHÔNG CÒN CHẢY MÁU

Vừa qua, vào ngày 28 tháng 09 năm 2022 (Thứ Tư) tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tổ chức buổi hội thảo tư vấn “HEMOPHILIA - HƯỚNG TỚI KHÔNG CÒN CHẢY MÁU” (lần 2). Sau đây là một số câu hỏi đã được giải đáp:

1. Cháu nhà em bị Hemophilia giờ sún hết răng thì cần làm gì?

TL: Bạn cần cho bé đến cơ sở y tế (nha khoa) để kiểm tra về răng, nướu, tiến hành điều trị nếu cần thiết để bảo tồn các răng sữa còn lại chờ đến tuổi thay răng. Còn đối với răng vĩnh viễn thì sẽ tiến hành điều trị, chăm sóc để cải thiện tình trạng răng sâu, viêm nướu đi kèm. Những thủ thuật nha khoa khi tiến hành sẽ có nguy cơ chảy máu nên cần hội chẩn với  bác sĩ chuyên khoa Huyết học để điều trị dự phòng chảy máu thích hợp cho bé.

 

2. Kính thưa các bác sĩ , Tôi muốn hỏi điều trị dự phòng tốt nhất là trước 3 tuổi vì lý do gì và nếu sau 3 tuổi thì mới điều trị dự phòng có còn hiệu quả không ạ ? Xin cám ơn !

TL: Điều trị dự phòng cho bệnh nhân Hemophilia giúp họ có được cuộc sống gần như bình thường, giảm thiểu số lần xuất huyết. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, điều trị dự phòng đạt hiệu quả tối ưu khi bắt đầu càng sớm càng tốt, thường là trước 3 tuổi, tránh được những biến chứng, tổn thương ở các khớp sau khi bị xuất huyết.  Nếu sau 3 tuổi mới điều trị dự phòng thì vẫn còn hiệu quả. Hiệu quả trong việc giảm các tổn thương ở các khớp xuất huyết, giảm được số lần xuất huyết nặng.

 

3. Chào các bác sĩ. Con em rất khó khăn di chuyển khi đi học và bệnh có ảnh hướng tới tiếp thu của cháu ở trường không?

TL:  Việc khó khăn khi di chuyển có thể khắc phục bằng cách dùng thêm nạng hỗ trợ, đi xe lăn. Đối với bệnh lý Hemophilia, khi trẻ không bị xuất huyết não hoặc số lần xuất huyết não ít (1-2 lần) và hồi phục hoàn toàn sau đó thì trẻ vẫn phát triển bình thường về mặt trí tuệ, không ảnh hưởng đến sự tiếp thu về kiến thức học tập của trẻ. Đối với những trẻ có Hemophilia bị xuất huyết não nhiều lần hoặc bị di chứng sau xuất huyết não như động kinh, não úng thủy… sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển tâm thần và trí tuệ của trẻ.

 

4. Hemophilia nhẹ điều trị dự phòng thời gian bao lâu, kinh phí bao nhiêu?

TL: Hemophilia thể nhẹ với nồng độ yếu tố VIII (hemophilia A) hay IX (hemophilia B) từ 5% đến dưới 40% thì ít có nguy cơ xuất huyết tự nhiên nên chỉ điều trị dự phòng bằng tiêm bổ sung yếu tố đông máu bị thiếu trước khi cần tiến hành phẫu thuật hay thủ thuật gây chảy máu. Không điều trị dự phòng định kỳ.

 

BSCKII Lương Thị Xuân Khánh- Khoa Sốt xuất huyết- Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"