Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:8, 8/12/2021
68652 lượt đọc

Tiêu phân có máu ở trẻ sơ sinh

Tiêu phân có máu ở trẻ sơ sinh là tình trạng khi gặp thường gây lo lắng cho người chăm sóc trẻ, và mẹ thường không biết nên làm gì trong tình huống này. Nên đưa trẻ đi khám hay không, nhất là trong mùa dịch? Bài viết sau đây sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của các bà mẹ.

Trẻ sơ sinh có thể đi tiêu phân máu. Trong một số ít trường hợp, tình trạng này có thể lành tính và tự giới hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trẻ phải được thăm khám để phát hiện những bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn.

Khi trẻ có tiêu máu, cần tìm hiểu những vấn đề sau đây:

1. Trẻ tiêu phân nhiều máu: Trường hợp này phân có màu đỏ tươi hoặc màu đỏ nâu là tình trạng đáng ngại, biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa thấp. Các nguyên nhân có thể gặp như xoắn ruột (cần can thiệp phẫu thuật), viêm ruột hoại tử (là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu máu ở trẻ sinh non), bệnh lý về máu (xuất huyết giảm tiểu cầu…). Tiêu máu có thể là không phải là bệnh lý trong trường hợp trẻ nuốt máu mẹ trong lúc sinh, phải được bác sĩ chẩn đoán sau khi loại trừ các nguyên nhân trầm trọng khác.

 2. Trẻ tiêu phân vàng bình thường nhưng có những vệt máu trong phân: Phân trẻ đặc hay lỏng? Trẻ có được chích vitamin K sau sinh không? Các bệnh lý về máu ở trẻ sơ sinh hoặc các nguyên nhân gây rối loạn đông máu có thể gây tiêu phân máu dạng nầy. Trên trẻ khỏe mạnh, tiêu phân có vệt máu có thể là biểu hiện của nứt hậu môn trong trường hợp phân cứng, hoặc là biểu hiện của viêm ruột trong trường hợp phân lỏng hoặc nhầy, hoặc có thể là biểu hiện của thiếu vitamin K, giảm tiểu cầu trên trẻ sơ sinh…

3. Trẻ tiêu phân đen: gợi ý xuất huyết tiêu hóa trên gợi ý tổn thương hầu họng hoặc dạ dày, hoặc nuốt máu mẹ.

4. Trẻ tiêu có máu ẩn trong phân: Phát hiện hồng cầu qua xét nghiệm phân, có thể là biểu hiện của viêm ruột hoặc viêm da quanh hậu môn.

5. Các thuốc mà mẹ và bé đang dùng: Một số thuốc có thể gây chảy máu như mẹ đang dùng Phenobarbital, thuốc chống đông, thuốc chống co giật…Thuốc có thể qua nhau thai và gây rối loạn đông máu ở trẻ. Ngoài ra, các thuốc gây chảy máu ở trẻ trường hợp trẻ đang dùng heparin, Indomethcin hoặc dexamethasone…

6. Tổng trạng trẻ: Trẻ trông khỏe mạnh hay ốm yếu? Những trẻ bị viêm ruột hoại tử, viêm ruột trên bệnh lý phình đại tràng hoặc xoắn ruột, trẻ sẽ trông không khỏe mạnh. Ngược lại, những trẻ bị nứt hậu môn, dị ứng đạm sữa bò…thể trạng trẻ thường tốt.

Dù là nguyên nhân gì đi nữa, thì trẻ sơ sinh đi tiêu máu không nên tự theo dõi tại nhà. Trẻ nên được khám chuyên khoa sơ sinh để bác sĩ tìm nguyên nhân gây tiêu máu và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trầm trọng thêm hoặc gây hậu quả về sau như phải cắt ruột trong trường hợp xoắn ruột gây hoại tử ruột, hoặc viêm phúc mạc do viêm ruột hoại tử gây thủng ruột.

 

ThS.Bs. Nguyễn Thị Anh Tiên - Khoa Sơ Sinh
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"