Khoảng 22 giờ 30 ngày 14.04.2022 khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh Viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bé gái 13 tuổi, không ngậm miệng được sau ngáp. Cha mẹ bé khai rằng sau khi bé ngáp xong thì không ngậm miệng lại được, cũng không uống được nước.

Bé gái 13 tuổi bị trật khớp thái dương-hàm, không ngậm miệng được sau ngáp lớn.
Sau khi hỏi tiền sử bệnh, khám tổng quát thì phát hiện bé bị trật khớp thái dương-hàm 2 bên. Bé được điều trị cấp cứu nắn chỉnh đưa lồi cầu về vị trí chức năng bình thường và băng cố định cằm đầu theo dõi trong vòng 1 giờ.

Sau điều trị nắn chỉnh khớp thái dương-hàm, bé có thể ngậm miệng và cười bình thường
Khớp thái dương-hàm nối hàm dưới với hộp sọ. Bạn có thể cảm nhận khớp thái dương hàm và chuyển động của chúng bằng cách đặt ngón tay trực tiếp trước tai và mở miệng. Những gì bạn đang cảm nhận là các đầu tròn của hàm dưới khi chúng lướt dọc theo ổ khớp của xương thái dương.
Trật khớp thái dương-hàm là sự mất tương quan giải phẫu bình thường giữa lồi cầu xương hàm dưới và lồi khớp xương thái dương. Nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến cứng khớp, dãn dây chằng không hồi phục. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hại cho khớp thái dương hàm: tổn thương khớp thái dương-hàm, làm nhuyễn sụn khớp, rồi thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương-hàm. Khi đó các đầu khớp bắt đầu thoái hóa gây dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, có thể dẫn đến thủng đĩa khớp. Vì vậy, khi phụ huynh phát hiện trẻ không ngậm miệng được sau ngáp, há lớn, khóc… cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được khám và điều trị kịp thời.
* Nguyên nhân: sang chấn đột ngột, há miệng lớn (ngáp, điều trị răng...), …
* Yếu tố thuận lợi: Tiền sử chấn thương; Dị dạng lồi cầu xương hàm dưới, lồi khớp thái dương; Rối loạn cắn khớp; Giảm chiều cao tầng giữa mặt bẩm sinh hoặc mắc phải; Dãn dây chằng khớp.
* Các thể lâm sàng:
- Trật khớp ra trước: Có tình trạng rối loạn khớp thái dương-hàm thoáng qua trước đó.
Gồm 2 dạng:
** Trật khớp hai bên: Miệng bệnh nhân không ngậm kín lại được, cằm nhô ra phía trước, miệng há đối xứng, đau ở vùng khớp hai bên, má hóp lại, cơ thái dương và cơ cắn căng ra. Có thể thấy lồi cầu di chuyển ra phía dưới cung gò má. Sờ trong miệng thấy mỏm vẹt bị đẩy ra trước và nằm gần xương gò má.
** Trật khớp một bên: Miệng bệnh nhân há nhỏ hơn trật khớp hai bên, sai khớp cắn, cằm lệch về bên lành, lồi cầu hơi lồi dưới da và hõm khớp rỗng bên trật khớp.
- Trật khớp ra sau: Rất hiếm gặp, thường xảy ra do sang chấn ở cằm từ trước ra sau khi đang há miệng , lồi cầu lùi ra sau có thể làm vỡ thành trước ống tai ngoài. Bệnh nhân há miệng hạn chế, răng cửa dưới lùi ra sau răng cửa trên khoảng 15mm, chảy máu tai, sờ thấy lồi cầu nằm dưới ống tai, trước xương chũm.
- Trật khớp sang bên: Do sang chấn trực tiếp vào vùng cành ngang xương hàm dưới. Bệnh nhân khó há miệng, lệch đường giữa, hõm khớp bên sang chấn rỗng, lồi cầu bên kia lồi rõ dưới da.
- Trật khớp lên trên: Do sang chấn rất mạnh từ dưới lên trên. Bệnh nhân há miệng hạn chế nhiều và sai khớp cắn vùng răng hàm bên trật khớp.
- Mục tiêu điều trị: Nắn đưa hàm dưới về đúng vị trí giải phẩu học. Khi đã nắn thành công, cần băng thun cằm đầu 10 -14 ngày để tránh tái phát và hạn chế các tác động quá mức lên ổ khớp.
Chú ý sau nắn chỉnh trật khớp: chế độ ăn thức ăn mềm, hạn chế nói chuyện to, cười lớn, há miệng quá mức…