Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
- Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi
là muỗi vằn.
- Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng
sớm và chiều tối.
- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần
áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
- Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ
chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp,
giếng nước, hốc cây; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát
nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...
- Muỗi vằn phát
triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ môi trường trên 20º C.

Muỗi vằn
Biểu hiện của bệnh
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng,
diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng; nếu không được phát hiện sớm và xử
trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai
đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
1. Giai đoạn sốt
- Sốt cao đột ngột, liên tục.
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da xung huyết.
-
Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng
hoặc chảy máu cam.
2. Giai đoạn nguy hiểm:
Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, bệnh
nhi có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Bệnh nhi có các biểu hiện sau cần được
nhập viện điều trị:
-Vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
- Tay chân lạnh, da lạnh ẩm (khi không sốt).
- Ói nhiều.
- Đau bụng.
- Tiểu ít.
- Chảy máu mũi, chảy máy răng/nướu, tiểu ra máu, kinh
nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn, đi tiêu máu…
3. Giai đoạn hồi phục: Bệnh nhi hết sốt trên 48 giờ, tổng
trạng tốt lên, thèm ăn và tiểu nhiều.
Chăm sóc điều trị
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết Dengue đều được điều
trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu
chứng và theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để xử trí kịp
thời. Điều trị triệu chứng bao gồm: uống thuốc hạ sốt khi sốt, mặc quần áo
thoáng mát và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol
đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng
liều không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Không dùng aspirin (acetyl salicylic
acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây biến chứng chảy máu. Khuyến
khích bệnh nhi uống nhiều nước pha oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây
(nước dừa, cam, chanh, …) hoặc nước cháo loãng với muối. Tránh dùng thức ăn, đồ
uống có màu đỏ, nâu, đen vì dễ lầm lẫn với tình trạng chảy máu.
Phòng bệnh
Cho đến thời điểm hiện tại ở nước ta vẫn chưa có biện pháp
điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm
soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt bọ gậy (lăng quăng), diệt muỗi
trưởng thành, tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy
bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ
trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng,
chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Các loại cá có khả năng diệt lăng
quăng/bọ gậy là cá muỗi, cá
bảy màu, cá sóc, cá lê Argentina, cá
rô phi, cá chép…
+ Vệ sinh các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…)
hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung
quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ,
hốc tre, bẹ lá... Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi
không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng
chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt
điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
-
Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất
phòng chống dịch.
