Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 18:15, 3/4/2022
2821 lượt đọc

Chủng ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Được biết trong thời gian tới, Bộ Y tế nước ta sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Qua thăm dò, hầu hết phụ huynh đều sẵn sàng cho các cháu tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, một số phụ huynh còn phân vân hoặc chưa đồng ý. Nhằm giúp phụ huynh hiểu đúng và có quyết định thích hợp, chúng tôi đã trao đổi với TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, cũng là người phụ trách Đơn vị tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 về vấn đề này.

Hai vắc xin được chọn tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong đợt này

Hỏi: Theo bác sĩ, có nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi không?

Đáp: NÊN vì những lý do sau đây:

   - Theo thống kê, trong các đợt dịch vừa qua, số trẻ mắc bệnh chiếm gần 20% tổng số ca mắc chung, tỷ lệ bệnh nặng và nguy kịch chiếm gần 4,5%. Mặc dù trong thời gian gần đây với sự xuất hiện của chủng Omicron tỷ lệ bệnh nặng và tử vong có giảm nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp hoặc ECMO, đặc biệt trên các cháu có bệnh nền.

   - Trẻ em mắc bệnh ngoài nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, khả năng lây bệnh cho những người khác trong gia đình là rất cao, đặc biệt là những người lớn tuổi có bệnh nền nặng. Nguy cơ này có thể sẽ cao hơn đối với các biến chủng mới xuất hiện như BA2, Deltacron, XE, …Ngoài ra, nếu trẻ mắc bệnh, gia đình sẽ lo lắng và cha mẹ phải nghỉ làm để chắm sóc cho các cháu.

   - Hiện tại, trẻ em từ 5-11 tuổi là đối tượng dễ cảm nhiễm nhất vì chưa được tiêm vắc xin. Tiêm chủng giúp trẻ có miễn dịch tốt hơn là nhiễm tự nhiên, giúp ba mẹ an tâm cho trẻ đi học và hoà nhập cộng đồng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, có ý kiến cho rằng, trẻ em trong làn sóng Omicron thường mắc bệnh nhẹ nên không cần phải tiêm chủng mà để cho các cháu tự mắc bệnh và có miễn dịch tự nhiên? Ý kiến của bác sĩ như thế nào?

Đáp: Tôi cho rằng để các cháu nhiễm tự nhiên mà không tiêm vắc xin Covid-19 là mạo hiểm và không an toàn. Cho dù sau này Covid-19 có trở thành cúm mùa đi chăng nữa thì cũng cần phải tiêm cho các cháu. Về cơ chế thì nhiễm tự nhiên do mắc bệnh giống như tiêm vắc xin bất hoạt (Ví dụ như vắc xin Vero cell của Sinopharm). Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh nặng và lây nhiễm cho người khác trong gia đình là hiện hữu như tôi đã đề cập phía trên.

Hỏi: Các cháu đã bị F0 rồi thì có được tiêm không? Nếu có thì sau bao lâu?

Đáp: Các cháu không may đã mắc bệnh Covid-19 thì vẫn được tiêm. Việc tiêm ngừa thêm sẽ giúp tăng cường thêm miễn dịch giúp giảm nguy cơ tái nhiễm, bệnh nặng hoặc tử vong. Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Y tế, các trẻ đã mắc bệnh sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 (Pfizer hoặc Moderna) sau ba tháng (90 ngày).   

Hỏi: Trẻ có cần làm test trước khi tiêm vắc xin không?

Đáp: Trẻ KHÔNG cần test Covid-19 trước khi tiêm. Trong quá trình khám sàng lọc, nếu phát hiện cháu nào có dấu hiệu nghi ngờ như sốt kèm ho, sổ mũi, …thì sẽ được hoãn tiêm cho đến khi các bệnh cấp tính (bao gồm Covid-19) ổn định. Vì vậy, nếu trẻ đang sốt (nhiệt độ đo ở nách từ 37,50C trở lên) thì phụ huynh không nên đưa trẻ đến điểm tiêm.  

Hỏi: Có ý kiến cho rằng tiêm chủng phế cầu hoặc cúm giúp phòng ngừa bệnh Covid-19? Xin cho biết ý kiến của bác sĩ về vấn đề này?

Đáp: Theo tôi đây là biện pháp không đặc hiệu và không thể thay thế vắc xin Covid-19. Tác động từ tiêm chủng phế cầu hoặc cúm đối với phòng bệnh Covid-19 (nếu có) là gián tiếp. Có một vài nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm chủng vắc xin phế cầu hoặc cúm thì nguy cơ mắc bệnh Covid-19 giảm. Tuy nhiên, các nghiên cứu này có một số sai chệch mà trong phần bàn luận các tác giả đều đề cập. Ví dụ như so với người không chích phế cầu hoặc cúm thì người tiêm những vắc xin này thường là những người có ý thức đến việc tự chăm sóc sức khoẻ nên thường tuân thủ đúng các biện pháp phòng bệnh Covid-19 như đeo khẩu trang, 5K, …Vì vậy nguy cơ mắc bệnh Covid-19 giảm hơn. Ngoài ra, việc tiêm ngừa cúm hoặc phế cầu giúp giảm nguy cơ mắc hai bệnh này, do đó ít phải đến các cơ sở y tế hơn-nơi có thể bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân Covid-19. Tóm lại, chỉ có tiêm vắc xin Covid-19 mới giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng thể đặc hiệu chống protein gai ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút vào trong tế bào, giúp ngăn ngừa bệnh.

Hỏi: Phụ huynh cần chuẩn bị gì trước khi cho trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19?

Đáp: Phụ huynh đừng quá lo lắng. Tiêm vắc xin Covid-19 cũng như tiêm các loại vắc xin khác mà các cháu từng được tiêm, không cần chuẩn bị gì đặc biệt ngoài việc giữ tinh thần thoải mái và làm theo hướng dẫn của nhà trường, địa phương (nếu chưa đi học) và các Y bác sĩ tại điểm tiêm.

Hỏi: Chăm sóc các cháu như thế nào sau tiêm vắc xin Covid-19?

Đáp: Cơ bản như tiêm các loại vắc xin khác. Các cháu sẽ được theo dõi sau tiêm trong vòng 30 phút. Trước khi ra về, phụ huynh sẽ được các Y, bác sĩ tư vấn về việc chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu sau tiêm trong vòng 7 ngày. Hầu hết các cháu đều ổn, một số có triệu chứng đau nơi tiêm, chóng mặt, nhức đầu, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường ổn dần trong 24-48 giờ. Phụ huynh có thể cho các cháu uống thuốc paracetamol nếu nhiệt độ đo ở nách 38,50C và theo dõi sát các cháu trong những ngày đầu sau tiêm. Nên hạn chế các hoạt động gắng sức trong 03 ngày đầu sau tiêm. Nếu phát hiện bất kể dấu hiệu gì khác thường thì đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Hỏi: Cháu nghe nói vắc xin Covid-19 làm thay đổi DNA và ảnh hưởng đến sinh sản sau này, điều đó có đúng không bác sĩ?

Đáp: Đây là tin đồn. Cho đến nay, hoàn toàn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy vắc xin mRNA làm thay đổi cấu trúc DNA hoặc ảnh hưởng lâu dài đến người được tiêm. Mặc dù vắc xin Covid-19 dạng mRNA mới ra đời cách đây chưa đầy 02 năm nhưng công nghệ vắc xin dựa trên mRNA đã được nghiên cứu cách đây nhiều thập niên. Với sự xuất hiện và hoành hành của đại dịch Covid-19, công nghệ sản xuất vắc xin dựa trên mRNA được đẩy mạnh và sự ra đời của vắc xin Covid-19 đã giúp chúng ta khống chế đại dịch nguy hiểm này. Được biết, trong tương lai công nghệ này sẽ được ứng dụng trong sản xuất vắc xin phòng các bệnh do vi rút khác như: Cúm, Dại, Zika và Cytomegalovirus.

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi cũng muốn tiêm cho con mình nhưng nghe nói có biến chứng viêm cơ tim nên sợ, bác sĩ có thể cho biết thêm về điều này?

Đáp: Nguy cơ bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tiêm là rất thấp. Thấp hơn nhiều so với viêm cơ tim hoặc các biến chứng khác do bệnh Covid-19 gây ra. Theo dữ liệu của CDC-Hoa Kỳ, chỉ có 11 trường hợp viêm cơ tim xảy ra trong số 8,7 triệu liều vắc xin mRNA đã tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi (1,26 phần triệu) trong khi theo số liệu của Israel, tỷ lệ viêm cơ tim do Covid-19, MIS-C, tử vong do MIS-C và hậu Covid-19 lần lượt là 625/triệu (1/1600), 333/triệu (1/3000), 1-2% (số ca MIS-C) và 1%. Như vậy, lợi ích của việc tiêm vắc xin là vượt trội hơn nhiều so với nguy cơ. 

Tóm lại, cho đến hiện nay các dữ liệu khoa học đều cho thấy việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi là cách hiệu quả nhất giúp phòng ngừa các biến chứng nặng và tử vong liên quan đến Covid-19. Nguy cơ từ vắc xin là rất nhỏ không đáng kể.

T.N
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"