Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 13:56, 12/6/2018
54370 lượt đọc

Dính thắng lưỡi

Dính thắng lưỡi là tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Khoảng 4%-5% ở trẻ sơ sinh bị tật nầy. Khi khám theo dõi sức khỏe định kỳ trong tháng đầu sau sinh hoặc khi tiêm chủng, trẻ có thể được phát hiện bị dính thắng lưỡi. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ được phát hiện bị dính thắng lưỡi trễ hơn sau vài tháng khi thấy trẻ bú hoặc phát âm khó, lên cân chậm. Dính thắng lưỡi có thể gặp ở mức dính thắng lưỡi nhiều (còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn) hoặc dạng dính thắng lưỡi nhẹ (còn gọi là dính thắng lưỡi một phần do thắng lưỡi ngắn).

Làm sao phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi?

Bà me có trẻ bị dính thắng lưỡi thường đến gặp bác sĩ than phiền núm vú bị đau, trẻ chậm lên cân, bú rất lâu. Dính thắng lưỡi là nguyên nhân làm trẻ gặp khó khăn trong phát âm và ăn uống.

Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít, biểu hiện của dính thắng lưỡi như sau:

  • Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi bị hạn chế.
  • Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được.
  • Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng.
  • Điển hình của dính thắng lưỡi thường gặp là khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn.
  • Đầu lưỡi khi thè lưỡi thay vì thấy nhọn thì có vẻ phẳng hay vuông.
  • Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc giữa hai răng cửa hàm dưới bị hở.
  • Trẻ bú khó và phát âm cũng khó khăn.

Phân loại mức độ dính thắng lưỡi

Phân loại mức độ dính thắng lưỡi dựa theo chiều dài thắng lưỡi đo được từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi:

  • Mức độ 1: dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm
  • Mức độ 2: dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11 mm
  • Mức độ 3: dính thắng lưỡi nặng từ 3-7 mm
  •  Mức độ 4: dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm

 

  •    
     Độ 1: từ 12-16 mm  Độ 2: từ 8-11 mm
       
     Độ 3: từ 3-7 mm  Độ 4: < 3 mm

    Khi nào cần cắt thắng lưỡi cho trẻ?

    Khi phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi cha mẹ nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt tại các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để được đánh giá chính xác trẻ mức độ dính thắng lưỡi để xác định có cần phải cắt hay không vì có những trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi ít với dây thắng lưỡi mỏng thì không cần phải can thiệp phẫu thuật.

    Chỉ định cắt thắng lưỡi tùy thuộc mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít và có ảnh hưởng đến việc bú, phát âm của trẻ. Thường chỉ cắt sớm dính thắng lưỡi khi thắng lưỡi bị dính nhiều ảnh hưởng đến việc bú của trẻ. Những trường hợp dính thắng lưỡi gây phát âm khó thì trẻ nên được bác sĩ Răng Hàm Mặt cùng chuyên viên phát âm đánh giá trước mổ vì ngoài nguyên nhân dính thắng lưỡi còn có những nguyên nhân khác làm trẻ phát âm không rõ.

    Kỹ thuật cắt thắng lưỡi tùy thuộc lứa tuổi của trẻ. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đầu trẻ được giữ chặt có thể chỉ bôi hoặc tiêm thuốc tê và dùng dao điện cắt thắng lưỡi. Trẻ có thể được bú ngay sau khi cắt thắng lưỡi. Đối với trẻ lớn hơn, trẻ có thể cắt thắng lưỡi dưới gây tê hay gây mê, dùng máy cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi sau đó khâu lại đợi vài tuần sau vết thương mới lành.
BS Lê Minh Thượng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"