Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 20:7, 6/10/2021
6176 lượt đọc

Công văn 4539/QĐ-BYT của Bộ Y tế về ban hành Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19

Trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 xin gởi đến cán bộ y tế công văn số 4539/QĐ-BYT và một số công văn liên quan đến dịch COVID-19 nhận được đến ngày 05/10/2021.

- Công văn số 4539/QĐ-BYT nêu rõ: Hướng dẫn có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2021, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Hướng dẫn đề ra các nguyên tắc chung về phòng bệnh và điều trị theo y dược học cổ truyền; các nội dung về phòng bệnh (dùng thuốc và không dùng thuốc); việc điều trị cho người bệnh tùy theo mức độ (không có triệu chứng, mức độ nhẹ, giai đoạn hồi phục); các phương pháp bổ trợ (vệ sinh vùng hầu họng, xông phòng ở, nơi làm việc, tập thở, y thực trị).

- Công văn số 4498/QĐ-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2), có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 9 năm 2021, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Hướng dẫn bổ sung việc sử dụng thuốc kháng vi rút và kháng thể đơn dòng vào các biện pháp điều trị.

- Công văn số 13/TT-BYT của Bộ Y tế quy định cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách. Quy định có hiệu lực từ ngày 16 tháng 9 năm 2021. Nội dung qui định có 4 chương, bao gồm: quy định chung; cấp số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; quy định về nhập khẩu trang thiết bị với mục đích viện trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; điều khoản thi hành. Đính kèm là phụ lục 1 về danh mục trang thiết bị cấp nhanh số lưu hành phục vụ phòng chống COVID-19; phụ lục 2 về danh sách các nước Châu Âu; các phụ lục về biểu mẫu liên quan.

- Công văn số 8228/BYT-MT của Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn qui định việc xét nghiệm sàng lọc đối với trường hợp nghi ngờ, xét nghiệm định kỳ cho người lao động; việc cơ sở tự xét nghiệm bằng test nhanh; việc xét nghiệm cho lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh thành phố.

- Công văn số 8259/BYT-DP của Bộ Y tế về tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Công văn nêu rõ: Để sớm kiểm soát dịch, chuyển dần sang trạng thái bình thường mới, Sở Y tế các địa phương phối hợp các đơn vị chỉ đạo thực hiện: (1) Khu vực nguy cơ, thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần; khu vực bình thường mới thực hiện khi có nhu cầu hoặc theo đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế. Khuyến khích đơn vị, người dân tự lấy mẫu; (2) Công bố đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả test nhanh dương tính; (3) Công bố danh sách test nhanh được cấp phép và nơi cung cấp tại địa phương để người dân dễ tiếp cận. 

- Công văn số 8114/BYT-DP của Bộ Y tế về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Công văn nhấn mạnh: Xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19. Công văn yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan không sử dụng xét nghiệm kháng thể sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

- Công văn số 8318/BYT-DP của Bộ Y tế về xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 người dân di chuyển giữa các vùng nguy cơ. Công văn đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đại việc giám sát, xét nghiệm, cách ly theo dõi đối với những trường hợp người dân di chuyển từ tỉnh nầy qua tỉnh khác như sau: (1) Người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến nơi có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn: Tùy theo tình trạng tiêm ngừa vắc xin hoặc tình trạng đã khỏi bệnh COVID-19 mà thực hiện xét nghiệm và cách ly với thời gian tương ứng (7 hoặc 14 ngày); (2) Người đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc khu vực bình thường mới: Tùy theo tình trạng tiêm ngừa vắc xin hoặc tình trạng đã khỏi bệnh COVID-19 mà thực hiện xét nghiệm và cách ly với thời gian tương ứng (14 hoặc 21 ngày); (3) Người đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn: Sở Y tế địa phương nơi đến hướng dẫn theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết; (4) Phối hợp với các tỉnh thành khác tổ chức đưa đón người dân chu đáo, an toàn, bảo đảm phòng chống dịch.

- Công văn số 1478/CĐ-BYT của Bộ Y tế về chấn chỉnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Công văn xác định: Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục thực hiện tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả; nghiêm cấm mọi hành vi thu phí, trục lợi từ tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 dưới bất cứ hình thức nào. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực tại đơn vị mình. 

- Công văn số 8150/BYT-DP của Bộ Y tế về đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19. Công văn xác định: Từ tháng 10-12/2021, Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận số lượng vắc xin nhiều hơn so với thời gian trước. Để tăng nhanh diện bao phủ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện: (1) Xây dựng phương án, kế hoạch để triển khai tiêm với số lượng lớn; tăng độ bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho đối tượng đã đủ thời gian; (2) Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng; (3) Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng; khẩn trương nhập hồi cứu các đối tượng đã tiêm và nhập mới hàng ngày các đối tượng mới tiêm theo đúng tiến dộ tại địa phương.

- Công văn số 8151/BYT-TTrB của Bộ Y tế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Công văn yêu cầu các Sở Y tế địa phương và đơn vị trực thuộc Bộ: (1) Chủ động lập kế hoạch và triển khai mua sắm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống dịch; (2) Sử dụng thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, hóa chất… đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; (3) Ngăn chận, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm hoặc lợi dụng các hoạt động phòng, chống dịch để trục lợi; (4) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá dịch vụ chẩn đoán COVID-19, việc tiêm chủng miễn phí vắc xin; (5) Tăng cường công khai minh bạch trong mua sắm, đấu thầu.

- Công văn số 8157/BYT-KHTC của Bộ Y tế về chấn chỉnh việc thực hiện thu xét nghiệm COVID-19. Công văn yêu cầu các đơn vị: (1) Thực hiện xét nghiệm theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh lạm dụng, lãng phí; thực hiện thu và thanh toán chi phí xét nghiệm theo đúng hướng dẫn. Lưu ý xét nghiệm gộp mẫu phải lấy theo mức giá gộp mẫu; (2) Tiếp tục thực hiện mức giá thanh toán theo công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021 và công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021 của Bộ Y tế; (3) Thực hiện xét nghiệm cho cán bộ viên chức, người bệnh và người nhà người bệnh thanh toán theo nguyên tắc thực thanh thực chi; (4) Cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước thanh toán theo công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021 và công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021 của Bộ Y tế. Không thực hiện mức giá dịch vụ; (5) Việc đặt hàng xét nghiệm COVID-19 do UBND cấp tỉnh quyết định; (6) Sở Y tế các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các qui định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân.

- Công văn số 8345/BYT-TTrB của Bộ Y tế về tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit thực hiện xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Công văn nhấn mạnh: Trong thời gian gần đây, theo phản ánh của nhân dân và cơ quan truyền thông, giá mua bán các loại test kit, giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 không thống nhất, thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân. Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Y tế thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư và phương tiện phòng, chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19; kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính, thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo qui định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang Cơ quan Công an để xử lý.

- Tải công văn:

https://file.nhidong.org.vn/index.php/s/LHmYwYJx8oPKw5P

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"