Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 17:38, 2/11/2021
900 lượt đọc

Công văn 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch COVID-19”

Trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 xin gởi đến phụ huynh và người chăm sóc trẻ công văn số 406/NQ-UBTVQH và một số công văn từ các Bộ, ngành liên quan đến dịch COVID-19 nhận được đến ngày 30/10/2021.

- Công văn số 406/NQ-UBTVQH qui định các giải pháp bao gồm: (1) Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; (2) Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế phải nộp khác phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong Quý III và Quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn cấp huyện; (3) Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với một số hàng hóa, dịch vụ; (4) Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Công văn có qui định cụ thể việc thực hiện các nội dung nêu trên. 

- Công văn số 272/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh ngiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày 26/9/2021. Công văn yêu cầu các Bộ ngành thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt để triển khai, nhất là các kiến nghị của VCCI, hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu tại Hội nghị; đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn, triển khai công văn số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ. Công văn nhấn mạnh UBND cấp tỉnh khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Công văn đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.  

- Công văn số 276/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo xử lý sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP. Công văn yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xem xét giải quyết kiến nghị của một số địa phương về việc cần xác định các địa bàn tuy không thuộc vùng phong tỏa nhưng phải áp dụng các biện pháp dịch tể cần thiết phù hợp để tránh dịch bệnh lây lan trong cả nước. Công văn giao Bộ Y tế khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19; kế hoạch đảm bảo vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; hướng dẫn thủ tục cung cấp vắc xin sản xuất tại Việt Nam. Công văn giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quyền về cơ chế hạch toán đối với các khoản chi phí của doanh nghiệp cho phòng chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế và chính quyền, đối với các khoản đóng góp cho công tác chống dịch ngoài doanh nghiệp.  

- Công văn số 7540/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về cập nhật, công bố thông tin về phòng chống dịch COVID-19. Công văn yêu cầu Bộ Y tế thường xuyên cập nhất công bố thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh, các qui định, biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc xin; việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Công văn nhấn mạnh: Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp thông tin cập nhật hàng tuần, phân công 01 Thứ trưởng trực tiếp thông tin cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin, truyền thông để các ngành, các địa phương nắm bắt kịp thời và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện. 

- Công văn số 3722/LĐTBXH-ATLĐ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tăng cường công tác triển khai an toàn, vệ sinh lao động thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Công văn nêu rõ: Sau một thời gian sản xuất bị đình trệ, người lao động nghỉ việc dài ngày dẫn đến kĩ năng, thói quen làm việc an toàn không được duy trì, dễ xảy ra tai nạn lao động. Công văn yêu cầu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người sử dụng lao động, người lao động về an toàn vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động kết hợp phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc. Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động.    

- Công văn số 3242/BHXH-CSYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về KCB BHYT sau giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19. Công văn nêu rõ: (1) Căn cứ cấp độ dịch bệnh xác định tại địa phương, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT thuận lợi, an toàn, phù hợp với tình hình địa phương; (2) Tiếp tục thực hiện các công văn hướng dẫn đã có khi chưa có qui định thay thế; (3) Đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh; (4) Công văn số 128/NQ-CP qui định tạm thời không áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 nên tạm dừng thực hiện điểm 1, Khoản 2 công văn số 2259/BHXH-CSYT ngày 29/7/2021 của BHXH Việt Nam.   

- Công văn số 10830/BGTVT-VP của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Công văn yêu cầu: (1) Tổng cục Đường bộ, các Cục quản lý chuyên ngành phối hợp Cục Y tế GTVT rà soát, đề xuất bổ sung qui định trong các hướng dẫn của Bộ về hoạt động vận tải cho phù hợp, chặt chẽ trước ngày 18/10/2021; (2) Vụ Vận tải chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cức đề xuất của Tổng cục Đường bộ, tham mưu kịp thời xem xét ban hành hướng dẫn mới hoặc điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn đã có đảm bảo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ; (3) Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chủ trì khẩn trương hướng dẫn các hoạt động tổ chức thi công các dự án, công trình giao thông; (4) Cục Y tế GTVT chủ trì thực hiện mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng qui định; (5) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì tham mưu Bộ có hình thức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19.   

- Công văn số 11037/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải về phối hợp chỉ đạo triển khai Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 . Công văn đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo: (1) Cơ quan, đơn vị tại địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tại công văn số 1812/QĐ-BGTVT; (2) Sở Y tế công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế tại địa bàn để có cơ sở áp dụng việc tổ chức hoạt động các loại hình vận tải; (3) Sở GTVT tiếp tục duy trì hoạt động và xem xét tăng thêm lưu lượng đối với vận tải hành khách theo tuyến nội tỉnh, liên tỉnh đã được cấp phép; (4) Các cơ quan chức năng địa phương tổ chức việc kiểm tra, giám sát thực hiện phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị vận tải, chủ phương tiện, cảng, bến thủy nội địa và tổ chức, cá nhân có liên quan theo qui định.

- Công văn số 11212/BGTVT-CYT của Bộ Giao thông Vận tải về dừng yêu cầu kê khai bản cam kết phòng chống dịch Covid-19. Công văn nêu rõ: Từ 00h00 ngày 25/10/2021 dừng yêu cầu hàng khách đi máy bay và đi tàu đường sắt kê khai Bản cam kết phòng chống dịch Covid-19. Hành khách thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại ứng dụng PC-Covid (mục Khai báo Di chuyển nội địa).

- Công văn số 1793/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh, bổ sung nội dung của Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô tại một số tỉnh, thành phố. Công văn nêu rõ: Điều chỉnh thời gian thí điểm cho đến khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được ban hành và thi hành.

- Công văn số 1811/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Hướng dẫn tạm thời về thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hướng dẫn nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi và đối tượng áp dụng; các nguyên tắc chung về phân loại, phạm vi đánh giá cấp độ dịch, xét nghiệm, cách ly y tế; nội dung kế hoạch phòng chống COVID-19 tại công trường; việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị và cá nhân. Công văn áp dụng từ ngày 16/10/2021.

- Công văn số 1812/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hướng dẫn nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi và đối tượng áp dụng; tổ chức hoạt động vận tải (nguyên tắc chung và các lĩnh vực vận tải: đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không); kết nối vận chuyển hành khách đến, đi tại cảng hàng không, ga đường sắt thuộc địa bàn có dịch ở cấp 4; việc tổ chức thực hiện. Công văn áp dụng từ ngày 16/10/2021.

- Công văn số 1840/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi và đối tượng áp dụng; điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức và thực hiện chuyến bay; yêu cầu kiểm soát dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay; yêu cầu đối với hãng hàng không; kế hoạch khai thác; vận chuyển hành khách đến, đi tới cảng hàng không; việc tổ chức thực hiện. Công văn áp dụng từ ngày 21/10/2021 đến hết ngày 30/11/2021. 

- Công văn số 4853/CHK-QLC của Cục Hàng không về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Công văn nêu rõ: Các hãng hàng không rà soát lại toàn bộ qui trình khai thác, phòng chống dịch; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo công văn số 1840/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải; nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp thông tin hành khách trên chuyến bay và gửi cảng vụ hàng không trước 30 phút so với giờ khở hành của tàu bay hoặc theo yêu cầu của địa phương (khi có yêu cầu cụ thể của địa phương). Công văn cũng lưu ý các cảng hàng không, sân bay xây dựng phương án, kế hoạch đón trả khách ra vào cảng hàng không bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các qui định phòng chống dịch COVID-19.

- Công văn số 3935/BVHTTDL-TV của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về tổ chức hoạt động thư viện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 trong tình hình mới. Công văn nêu rõ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thư viện công cộng tại địa phương: (1) Thực hiện theo công văn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; (2) Lồng ghép triển khai tổ chức hoạt động phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới theo công văn số 24/HD-BTGTW ngày 20/9/2021 của ban Tuyên giáo Trung ương; (3) Đẩy mạnh hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ thư viện theo hình thức trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người sử dụng.

- Công văn số 4276/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục Đào tạo về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Công văn nêu rõ UBND các tỉnh, thành phố: (1) Chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp; ưu tiên tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ; (2) Căn cứ phân loại đánh giá xác định cấp độ dịch, quyết định tổ chức dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn; (3) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn hoạt động đào tạo trực tiếp hoặc kết hợp với đào tạo trực tuyến tùy cấp độ dịch theo phương án cụ thể của nhà trường được UBND cấp tỉnh chấp thuận; (4) Chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp ngành Y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đính kèm công văn là 02 phụ lục: Quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Quy định về an toàn phòng chống dịch COVID-19 đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và khu ký túc xá.

- Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục Đào tạo về thực hiện các biện pháp củng cố hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Công văn nêu rõ các Sở Giáo dục Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện: (1) Chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương; (2) Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các phương pháp dạy học tích cực; (3) Duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến; (4) Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình.

- Tải công văn:

https://file.nhidong.org.vn/index.php/s/wswY7ZkEmzemMA6

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"