Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:13, 14/10/2021
4754 lượt đọc

Công văn 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

Trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 xin gởi đến phụ huynh và người chăm sóc trẻ công văn số 128/NQ-CP và một số công văn từ các Bộ, ngành liên quan đến dịch COVID-19 nhận được đến ngày 13/10/2021.

- Công văn số 128/NQ-CP nêu rõ: Chính phủ xác định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ban hành quy định tạm thời, có hiệu lực từ ngày 11/10/2021. Sau khi nêu rõ mục tiêu, quan điểm thực hiện, công văn quy định việc đánh giá, xác định cấp độ dịch với: cấp độ 1 (màu xanh) là nguy cơ thấp (bình thường mới); cấp độ 2 (màu vàng) là nguy cơ trung bình; cấp độ 3 (màu cam) là nguy cơ cao; cấp độ 4 (màu đỏ) là nguy cơ rất cao. Việc đánh giá cấp độ dịch là từ quy mô cấp xã; khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã). Công văn nêu rõ Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áo dụng. Công văn đưa ra các biện pháp cụ thể áp dụng theo từng cấp độ dịch đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân. Đối với các biện pháp y tế (cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ. Công văn nhấn mạnh: Quy định nầy được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp hành chính phù hợp và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gở vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn. Công văn cũng nêu rõ: Tạm thời không áp dụng tại khoản 1 Điều 1 của công văn 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, 19/CT-TTg ngày 24/4/2020; công văn số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Công văn cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành của Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong thực hiện nghị quyết nầy; đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cấp chính quyền vận động nhân dân thực hiện. 

- Công văn số 1680/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Công văn nêu rõ: Xuất cấp không thu tiền 741,285 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị hỗ trợ người dân. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo các Bộ Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

- Công văn số 264/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 09/10/2021. Công văn nêu rõ: Trên phạm vi cả nước tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các khó khăn, chưa dự báo hết tình huống trong công tác phòng, chống dịch, như: (1) Chưa tổ chức, kiểm soát tốt việc di chuyển của người dân; (2) Giao thông đi lại, lưu thông hàng hòa ở một số địa phương còn cát cứ; (3) Việc thống nhất một ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch còn chậm, chưa hiệu quả, còn gây phiền hà cho nhân dân; (4) Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân có nơi, có lúc còn chưa tốt, còn bỏ sót, lọt người cần hỗ trợ; (5) Nhiều tỉnh, thành phố bước vào khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng việc bảo đảm các biện pháp an toàn, hiệu quả trong phòng, chống dịch chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công văn nhấn mạnh: trong thời gian tới cần đổi mới tư duy và biện pháp trong phòng, chống dịch phù hợp với tình hình. Công văn cũng xác định vắc xin là yếu tố cốt lõi trong phòng, chống dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. Công văn cũng yêu cầu các Bộ ngành thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt để triển khai.  

- Công văn số 1314/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gởi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Bộ ngành của Chính phủ, yêu cầu thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo. Việc đưa đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. Bộ Y tế phân bố ngay vắc xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch tể về. 

- Công văn số 1322/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gởi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Bộ ngành của Chính phủ về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Công văn yêu cầu: (1) Các địa phương rà soát, thực hiện nghiêm việc khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không theo công văn số 263/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; (2) Giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng qui định; (3) Chậm nhất 03 ngày kể từ ngày ban hành công văn nầy, Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định, hướng dẫn triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc.    

- Công văn số 7330/VPCP-KHVX của Văn phòng Chính phủ về phí xét nghiệm COVID-19 đối với người có bệnh mãn tính. Công văn yêu cầu: (1) Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại công văn số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021, kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch vể chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về vấn đề thực hiện xét nghiệm CPVID-19 tại các cơ sở y tế; (2) Chủ động phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gở khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. 

- Công văn số 3535/LĐTBXH-VL của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về xác định đối tượng hưởng hỗ trợ theo công văn số 28/2021/QĐ-TTg. Công văn nêu rõ: Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người sử dụng lao động. Tại thời điểm ngày 31/9/2021 người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội nên vẫn được coi là đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (bao gồm các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản… trong thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 cũng như trước ngày 01/01/2020).  

Trước đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có công văn số 3138/BHXH-CSXH gởi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị xác định đối tượng hưởng hỗ trợ theo công văn số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với một số trường hợp cụ thể (nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, ốm đau từ 14 ngày trở lên hưởng trợ cấp BHXH, tạm hoãn hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, tự ý bỏ việc).

- Công văn số 10414/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải về rà soát, thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT trong đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Công văn yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố: (1) Xây dựng, ban hành qui định của địa phương rõ ràng, thống nhất trong tổ chức thực hiện kiểm soát dịch khi vận chuyển hàng hóa; (2) Chốt kiểm dịch thống nhất nội dung kiểm tra và qui trình kiểm tra theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn đã ban hành; bố trí chốt kiểm dịch tại vị trí mặt bằng rộng, thông thoáng, an toàn, thuận lợi cho kiểm tra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi kiểm soát dịch.   

- Công văn số 10640/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải về phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở TPHCM, Bình Dương… để về quê, đảm bảo trật tự và an toàn và phòng, chống dịch Covid-19. Công văn yêu cầu: (1) Tổng cục Đường bộ và các Cục chuyên ngành, Sở GTVT các địa phương tiếp tục triển khai công văn số 1265/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công văn số 20/CĐ-BGTVT của Bộ GTVT để tổ chức vận chuyển phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân; (2) Sở GTVT các địa phương có phương án chủ động phương tiện và lái xe để kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển; chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp các đơn vị chức năng bảo đảm giao thông thông suốt.

- Công văn số 10667/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 03/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Công văn yêu cầu: (1) Tổng cục Đường bộ và các Cục chuyên ngành triển khai thực hiện Chỉ thị và tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao tại công văn số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021 của Bộ; (2) Sở GTVT các địa phương tổ chức triển khai các công văn nêu trên và tổ chức tiền kiểm, hậu kiểm theo đúng các chỉ đạo, hướng dẫn đã ban hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của cá nhân, tập thể thực hiện không đúng các qui định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

- Công văn số 1776/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi và đối tượng áp dụng; điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức và thực hiện chuyến bay; yêu cầu kiển soát dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay; yêu cầu đối với hãng hàng không; kế hoạch khai thác; việc vận chuyển hành khách đến, đi tới cảng hàng không; tổ chức thực hiện quy định. Công văn áp dụng từ ngày 08/10/2021. Đính kèm công văn là Phụ lục về Kế hoạch giai đoạn khai thác thí điểm với 19 chuyến khứ hồi.

 Bộ Giao thông Vận tải cũng có công văn số 1786/QĐ-BGTVT ban hành Phụ lục thay thế Phụ lục 2 trong công văn số 1776/QĐ-BGTVT ban hành Quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, tổng cộng có 21 chuyến khứ hồi được thực hiện.

- Công văn số 1777/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định tạm thời về thí điểm tổ chức họat động vận chuyển hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi và đối tượng áp dụng; qui định đối với hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; yêu cầu đối với bến xe, trạm dừng nghỉ; yêu cầu đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải; kế hoạch tổ chức vận chuyển; các loại hình vận tải hành khách đường bộ khác và vận chuyển hành khách đến, đi tới cảng hàng không, ga đường sắt; việc tổ chức thực hiện. Công văn áp dụng từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021. 

- Công văn số 1782/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định tạm thời về tổ chức họat động vận chuyển hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi và đối tượng áp dụng; điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức và thực hiện ; yêu cầu kiểm soát dịch bệnh tại nhà ga; yêu cầu đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; kế hoạch chạy tàu khách; vận chuyển hành khách đến, đi tới ga; việc tổ chức thực hiện. Công văn áp dụng từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021.

- Tải công văn:

https://file.nhidong.org.vn/index.php/s/p39CYDBoRK3SMKR

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"