Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 12:39, 21/12/2018
8456 lượt đọc

Quản lý cơn suyễn trẻ em tại nhà

Suyễn (Hen phế quản) là tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Đồng thời đây là bệnh lý mạn tính hàng đầu khiến trẻ phải nghỉ học và nhập viện trong tình trạng cấp cứu, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần có kiến thức về quản lý cơn suyễn cho trẻ em tại nhà.

 Quản lý cơn suyễn tại nhà bao gồm một kế hoạch hành động cho phép cha mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ nhận biết cơn suyễn, xử trí ban đầu và đặc biệt là phát hiện dấu hiệu suyễn nặng để có thể nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại bệnh viện.

 

Dấu hiệu nhận biết trẻ lên cơn suyễn?

  • Khó thở, khò khè tăng lên
  • Ho tăng lên đặc biệt là khi trẻ ngủ
  • Trẻ mệt mỏi, giảm các hoạt động thể thao
  • Trẻ giảm các hoạt động thường ngày, kể cả ăn và bú

 

Xử trí cơn suyễn tại nhà như thế nào ?

Sau khi trẻ xuất hiện các triệu chứng gợi ý cơn suyễn, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh.

  • Ventolin MDI 100mcg xịt 2 nhát nếu không dùng buồng đệm hoặc 4-6 nhát nếu có buồng đệm.
  • Hoặc phun khí dung với ventolin: trẻ< 5 tuổi: 2.5ml; trẻ > 5 tuổi: 5ml.
     

   

         Ventolin MDI xịt                        Phun khí dung Ventolin  

 

Trẻ cần được cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ theo dõi. Nếu chưa thấy tốt hơn có thể lặp lại sau 20 phút nếu cần, tối đa 3 lần. Nếu trẻ cải thiện nhiều, hết khó thở, hết khò khè tiếp tục duy trì xịt hay phun khí dung Ventolin mỗi 4-6 giờ trong 1-2 ngày. Và đừng quên phải cho trẻ đi tái khám trong vòng 24 – 48 giờ.

 

Khi nào trẻ cần được đưa đến bệnh viện?

  • Trẻ không giảm triệu chứng còn thở nhanh, khó thở khi sử dụng thuốc dãn phế quản hoặc thuốc chỉ có tác dụng ngắn.
  • Trẻ nói chuyện khó khăn, đứt đoạn, từng từ.
  • Trẻ phải ngồi thở, co kéo các cơ hô hấp phụ (giữa các xương sườn, vùng cổ, cánh mũi phập phồng)
  • Trẻ lơ mơ, tím tái môi hay đầu ngón tay là dấu hiệu nguy kịch.

 

Trẻ cần tránh các yếu tố khởi phát cơn suyễn :

Yếu tố môi trường sống:

  • Dị nguyên không khí: mạt nhà, chó mèo, gián, phấn hoa,...
  • Khói thuốc lá, nhang khói, khói bụi, khói bếp trong nhà,...
  • Những hóa chất nặng mùi trong nhà hay ngoài đường.
  • Các sản phẩm nước hoa xịt phòng, xịt muỗi, xịt sâu rầy/côn trùng.

Các yếu tố nguy cơ khác:

  • Thay đổi thời tiết, khí hậu, đặc biệt khi trời lạnh.
  • Nhiễm trùng hô hấp do nhiễm virus.
  • Trẻ vận động quá sức, gắng sức .
  • Khi trẻ xúc cảm mạnh.

 

Cần làm gì để phòng tránh các yếu tố khởi phát cơn suyễn?

  • Tránh tiếp xúc các dị nguyên không khí. Không để trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, khói xe, ô nhiễm môi trường
  • Cần dọn dẹp nhà cửa, nơi trẻ sống sạch sẽ, ngăn nắp, không trải thảm. 
  • Thường xuyên giặt giũ khăn trải giường, mền trẻ sử dụng bằng nước nóng và phơi khô ngoài nắng.
  • Phát hiện dọn dẹp chất nặng mùi kích thích
  • Chế độ dinh dưỡng tốt tăng sức đề kháng phòng tránh nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ.

 

Bs. Võ Huỳnh Ngọc Trâm Khoa Hô hấp
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"