Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:14, 22/9/2020
523 lượt đọc

Chăm sóc sức khỏe răng miệng mùa tựu trường

Khi răng sâu sẽ gây đau, hơi thở có mùi, thậm chí là mất răng nếu răng hư nặng. Đặc biệt đối với trẻ em, sâu răng càng làm bé khó chịu vì khả năng chịu đau của trẻ em vốn kém hơn người lớn. Để chuẩn bị cho bé có sức khỏe tốt bước vào năm học mới, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của bệnh sâu răng và các bước phòng ngừa sâu răng cho trẻ.

  1. Sâu răng là gì?

    Sâu răng là quá trình hư hại men răng và ngà răng, xảy ra do vi khuẩn sản sinh ra acid nhờ sử dụng các chất bột đường bám trên răng theo thời gian.

  2. Nguyên nhân gây bệnh sâu răng

    Cần tối thiểu bốn yếu tố chính đồng thời tương tác với nhau để tạo nên sang thương sâu răng. Đó là: răng nhạy cảm, vi khuẩn, chất bột đường và thời gian.

    Sau khi ăn, đường và tinh bột có trong thức ăn sẽ tạo thành mảng bám trên bề mặt răng, vi khuẩn lên men thành axit  gây xói mòn men răng tạo ra các lổ nhỏ li ti. Sau đó, vi khuẩn và axit tiếp tục tác động đến phần răng bị tổn thương và gây sâu răng.

  3. Vì sao phải điều trị và phòng ngừa sâu răng ở trẻ em?

    Có quan niệm cho rằng khi vẫn là răng sữa thì thế nào cũng được thay bằng răng vĩnh viễn nên không cần phải chữa trị. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì răng sữa cũng đóng vai trò quan trọng đến quá trình mọc của răng vĩnh viễn, nó hướng dẫn cho răng vĩnh viễn mọc.

    Khi trẻ bị mất răng cối sữa sớm, các răng ở phía sau răng bị mất sẽ di gần vào khoảng trống mất răng. Điều này gây thiếu chổ cho các răng vĩnh viễn mọc thay thế và hậu quả là bé sẽ có hàm răng mọc xô lệch, kém thẩm mỹ.

  4. Trẻ bị sâu răng phải làm sao?

    Khi phát hiện trẻ bị sâu răng cần nhanh chóng khắc phục, nếu không có thể gây ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn gây ra mọc lệch, mọc chậm hay tiêu xương hàm.Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các trung tâm nha khoa hoặc bệnh viện chuyên điều trị răng miệng cho trẻ để bác sĩ khám tình trạng thực tế của lổ sâu và cho giải pháp thích hợp. Trám lổ sâu răng, điều trị tuỷ răng hoặc bôi thuốc phòng ngừa sâu răng... là những cách điều trị sâu răng ở trẻ em.

  5. Cần làm gì để phòng ngừa bệnh sâu răng?

- Hiệu quả và đơn giản nhất để phòng ngừa sâu răng là ngăn ngừa sự hình thành của mảng bám. Vì mảng bám được tích tụ qua thời gian nên việc giữ cho răng sạch không có mảng bám cần thực hành hàng ngày tạo nên thói quen chăm sóc răng miệng từ khi trẻ còn nhỏ

- Cắt giảm thức uống có đường, đồ ăn nhiều tinh bột

- Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc tốt nhất là đánh răng ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ, mỗi lần đánh răng 2-3 phút

- Đừng quên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn ở vùng kẽ răng nơi mà bàn chải không thể làm sạch được

- Sử dụng sealant nha khoa (một lớp cement phủ trên mặt nhai của răng nhằm chống sâu răng xâm nhập vào trũng rãnh của răng)

 

BS. CK1. Hồ Vân Phụng – Phó Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"