Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:48, 12/10/2020
7428 lượt đọc

Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Bà mẹ mang thai hoặc sau sinh bị mắc thủy đậu là vấn đề gây lo lắng cho gia đình, và bà mẹ không biết nên làm thế nào? Cho trẻ bú hay không? Trẻ sinh ra có sao không? Để giải đáp vấn đề này, bài viết sau đây sẽ giúp ích phần nào cho quý vị.

Thủy đậu là bệnh gây ra do virus Varicella Zoster với biểu hiện thường gặp là sốt và nổi ban đỏ ngứa, sau đó chuyển sang bóng nước và vỡ (xem hình).

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh

 

Hình ảnh tổn thương da khi nhìn gần

Bệnh thủy đậu lây qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với dịch từ các bóng nước trên da khi vỡ ra. Người bị bệnh thủy đậu có thể lây cho người khác từ 1-2 ngày trước khi ban xuất hiện và kéo dài cho đến khi ban hết lan và khô lại, thường là sau 5 ngày.

Bà mẹ mang thai bị thủy đậu ảnh hưởng thế nào đến em bé tùy thuộc vào tuổi thai mẹ đang mang.

- Nếu mẹ bị mắc bệnh thủy đậu trước 28 tuần thai kỳ: có một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh bị bệnh lý bào thai do virus (tổn thương da, mắt, não, ruột, và bàng quang).

- Mẹ mắc bệnh thủy đậu từ tuần 28 đến tuần 36 của thai kỳ, virus có thể tồn tại trong cơ thể con nhưng không gây triệu chứng. Tuy nhiên, virus có thể hoạt động trở lại vài năm sau đó.

- Sau 36 tuần, mẹ mắc virus này, trẻ sinh ra có thể bị thủy đậu.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị thủy đậu cao nhất nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng 3 tuần cuối của thai kỳ cho đến vài ngày sau sinh. Biểu hiện của trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị thủy đậu có thể từ ngay sau sinh cho đến khi trẻ được 10 – 12 ngày tuổi.

Giai đoạn nguy hiểm nhất là mẹ bị mắc thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh, có đến 50% trẻ sinh ra bị mắc bệnh, và tỷ lệ tử vong cũng cao (đến 30%). Các tổn thương do thủy đậu nặng bao gồm: viêm phổi, viêm gan, viêm màng não, rối loạn đông máu nặng do suy gan.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị bệnh thủy đậu nên được cách ly với mẹ, không cho bú mẹ cho đến khi các tổn thương trên da của mẹ khô và lành.

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu hoặc có tiếp xúc (phơi nhiễm) với người bệnh thủy đậu, nên được cách ly. Trường hợp trẻ phơi nhiễm nên xuất viện trước 10 ngày sau phơi nhiễm nếu có thể. Trẻ có thể bú mẹ trừ khi mẹ có tổn thương.

Trẻ bị thủy đậu bào thai không cần phải cách ly nếu trẻ không có tổn thương đang tiến triển.
ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"