- Bé trai L.T. L. (7 tuổi, quê Cà Mau) bị cây đâm vào vùng mặt khi chơi ngoài sân vào tối ngày 06/06/2025. Sau chấn thương, mắt bé chảy máu, sưng đau, gia đình đưa đến phòng khám địa phương để lấy dị vật. Tuy nhiên, do lấy không hết dị vật và không được theo dõi bởi chuyên khoa mắt, tình trạng của bé ngày càng nặng hơn: Dù đã được dùng kháng sinh và thuốc giảm viêm, chỉ sau 2 ngày, vùng mắt phải của bé sưng to, mưng mủ, đau nhức dữ dội, có dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng. Đến sáng 10/06, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM.

Tình trạng em L.T.L thời điểm tiếp nhận tại phòng khám BVNĐ1
- Các bác sĩ tại phòng khám đánh giá tình trạng này có nhiễm trùng nặng kèm dị vật hốc mắt, tổn thương nhánh trên dây thần kinh sọ số 3 nên bé có biểu hiện lé ngoài và sụp mi. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy ổ áp xe lớn quanh hốc mắt phải, nghi ngờ còn dị vật nằm sâu bên trong mô mềm. Trước tình trạng nầy, bé được chỉ định mổ khẩn trong cùng ngày. Phẫu thuật được thực hiện bởi BS.CK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh–quyền Trưởng khoa Mắt, người có nhiều năm kinh nghiệm xử lý chấn thương mắt trẻ em, cùng đội ngủ gây mê hồi sức.
- Sau khi mở vết thương vùng mi mắt, bác sĩ đã hút ra lượng mủ và lấy thành công một dị vật gỗ dài khoảng 1,5 cm còn sót lại, nằm sâu trong mô mềm gần ổ mắt. Dị vật này chính là nguyên nhân khiến nhiễm trùng lan rộng và hình thành ổ áp xe.


Mẫu dị vật gỗ được lấy ra từ hốc mắt bé L.T.L
- Hiện bé đã qua cơn nguy hiểm, được chăm sóc hậu phẫu và tiếp tục điều trị kháng sinh tích cực tại bệnh viện. Khối nhiễm trùng của hốc mắt đã giảm nhiều, triệu chứng lé và sụp mi mắt cũng được cải thiện.

Bé L.T.L sau 8 ngày điều trị tại khoa Mắt
- Qua trường hợp nầy, chúng tôi muốn gởi thông điệp dành cho cộng đồng, cha mẹ của trẻ tuyệt đối không nên chủ quan với bất kỳ chấn thương mắt nào ở trẻ. Chấn thương mắt là tình huống cấp cứu. Nếu xử lý sai, để sót dị vật hoặc chậm trễ điều trị có thể gây áp xe, viêm mô tế bào hốc mắt, hoại tử mô mềm, thậm chí ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn, nhiễm trùng lan rộng nguy hiểm đến tính mạng. Tuyệt đối không tự ý lấy dị vật tại nhà hoặc điều trị tại nơi không có chuyên khoa mắt.Nếu trẻ bị tai nạn vùng mắt, cần đưa đến ngay bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám và theo dõi đúng cách.
“Trẻ nhỏ rất hiếu động. Chỉ một phút bất cẩn, một vật nhọn tưởng chừng vô hại cũng có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần theo dõi sát sau chấn thương, và không chần chừ khi thấy các dấu hiệu như sưng nề kéo dài, chảy mủ, đau nhiều, hoặc trẻ than mờ mắt. Việc đưa trẻ đến bệnh viện sớm sẽ quyết định kết quả điều trị.” BS.CK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh – quyền Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo
Hè là thời điểm dễ xảy ra tai nạn – hãy chủ động bảo vệ an toàn cho trẻ.
Trang bị kiến thức sơ cứu đúng cách – nhưng đừng tự xử lý những chấn thương nghiêm trọng.
Luôn lựa chọn bệnh viện có chuyên khoa phù hợp khi trẻ gặp tai nạn.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 – Đồng hành cùng sức khỏe trẻ thơ.