Từ ngày 01/01/2025 Bệnh viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và không bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 118/NĐ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật: 15:55, 1/4/2025
27 lượt đọc

Danh sách sáng kiến, cải tiến chất lượng đã nghiệm thu Quý 1-2025

Quý 1/2025, bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức 01 kỳ Hội đồng Thẩm định và 07 kỳ Hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến chất lượng. Trong đó, có 07 đề tài sáng kiến đã được công nhận (cấp cơ sở và đơn vị):

1. Giải pháp giảm tỷ lệ bỏ sót hoặc phát hiện trễ dấu hiệu nặng ở trẻ sơ sinh tại khoa Sơ sinh

- Chủ nhiệm: Mai Hoàng Linh Sa

- Thành viên: Nguyễn Thị Anh Tiên, Trần Vũ Hải

- Khoa, phòng: Sơ sinh

- Số quyết định công nhận: 48/QĐ-BVNĐ1 ngày 09/01/2025

- Cấp thực hiện: Cơ sở

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Thiết lập hệ thống kênh thông tin truyền thông của khoa sơ sinh: kênh sử dụng email của khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1. Hiện tại có 6 video clip đã được đăng lên, và dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục cập nhật các video về các dấu hiệu nguy hiểm khác chưa có trong các video đã đăng nhưng xuất hiện với tần suất nhiều trên thực tế. Trên kênh thông tin có đường link đánh giá trải nghiệm người dùng. Các video clip tuyên truyền giáo dục sức khoẻ về một số dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh theo Tổ chức y tế thế giới 8 được đã đăng tải gồm:

+ Cách nhận biết trẻ thở nhanh (≥ 60 lần/phút sau 2 lần đếm)

+ Cách nhận biết dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực.

+ Cách nhận biết trẻ co giật

+ Tăng thân nhiệt khi nào? (≥ 37,5 độ C).

+ Hạ thân nhiệt khi nào? (≤ 35,5 độ C).

+ Cách phát hiện vàng da nặng (vàng da đến lòng bàn chân).

+ Các dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ nặng như: nhiễm trùng rốn (đỏ ra quanh rốn hoặc rốn chảy mủ), nhiễm trùng da nặng (mụn mủ nhiều, nhọt da nhiều nơi…), nhiễm trùng mắt nặng (mắt sưng đỏ, ghèn mắt nhiều…)

Trong quá trình làm việc: Trước khi khám bệnh, bác sĩ sẽ khảo sát kiến thức thân nhân. Sau khi khám bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn thân nhân quét mã QR để xem video clip. Trước lần khám sau hoặc trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ khảo sát lại kiến thức thân nhân để xem dấu hiệu nào chưa nhận biết đúng và hướng dẫn lại

Kết quả định lượng: Kiến thức thân nhân về nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh tăng (ít nhất 80% thân nhân kể được), khả năng nhận biết đúng các dấu hiệu nguy hiểm cải thiện đáng kể so với trước (nhận định đúng ít nhất 60%).

2. Hướng dẫn kiểm tra chế phẩm máu

- Chủ nhiệm: Hoàng Thị Cẩm Tú

- Thành viên: Dương Thị Thuỳ Trang, Trần Thị Phương Thảo

- Khoa, phòng: Xét nghiệm Huyết học

- Số quyết định công nhận: 155/QĐ-BVNĐ1 ngày 22/01/2025

- Cấp thực hiện: Đơn vị

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Hướng dẫn nhanh công tác kiểm tra nhận đúng chế phẩm máu, bằng hình thức tờ bướm, khổ giấy A4, được in màu, ép nhựa cứng, dán tại bàn giao nhận chế phẩm máu.

Nội dung trên tờ hướng dẫn dựa trên Quy định số 25/QĐ-BVNĐ về “Quy trình an toàn truyền máu” và “Quy trình cấp phát Chế phẩm máu” thuộc Danh mục quy trình kỹ thuật xét nghiệm huyết học (Ban hành kèm theo quyết định số 775/QĐ-BVNĐ1 ngày 07/04/2023 của Giám đốc bệnh viện) của Khoa Xét nghiệm Huyết học.

Khi cấp phát chế phẩm máu, nhân viên xét nghiệm sẽ lấy chế phẩm máu trong tủ cấp phát, kiểm tra theo các nội dung trong bảng hướng dẫn đặt tại bàn giao nhận chế phẩm máu, sau đó bàn giao chế phẩm máu cho nhân viên lâm sàng.

Nhân viên lâm sàng nhận chế phẩm máu, cầm chế phẩm máu trên tay, kiểm tra đối chiếu giữa phiếu cấp phát với chế phẩm máu, theo các nội dung trong tờ hướng dẫn, hạn chế sai sót khi nhận chế phẩm máu, và mang chế phẩm máu về bàn giao cho nhân viên khoa

Kết quả: nhân viên lãnh máu và nhân viên xét nghiệm có thể đối chiếu thứ tự các nội dung theo hướng dẫn bằng hình ảnh trực quan, sinh động gồm: nhóm máu, mã số CPM, hạn sử dụng cũng như loại chế phẩm và thể tích của CPM. Hướng dẫn kiểm tra chất lượng CPM: bao bì nguyên vẹn, kiểm tra đầu dây nối  CPM, bảo quản và vận chuyển đúng

3. Dashboard quản lý bệnh truyền nhiễm tại phòng KHTH

- Chủ nhiệm: Nhin Đức Nguyên

- Khoa, phòng: Kế hoạch tổng hợp

- Thành viên: Lê Minh Lan Phương, Đỗ Thị Thu Thảo

- Số quyết định công nhận: 155/QĐ-BVNĐ1 ngày 22/01/2025

- Cấp thực hiện: Đơn vị

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Bảng điều khiển là một giao diện đồ hoạ dữ liệu bệnh Sởi bao gồm 2 nội dung chính:

* Phần 1: Bảng thống kê tổng hợp số liệu, để có cái nhìn tổng thể trực quan nhanh chóng tình hình bệnh dịch trong bệnh viện

* Phần 2: Trực quan hoá dữ liệu bằng các biểu đồ khác nhau với các màu sắc thể hiện riêng biệt giúp người dùng dễ dàng nắm bắt được tổng quan tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại bệnh viện: [1] Biểu đồ tổng quát thể hiện tổng quát dữ liệu. [2] Biểu đồ chi tiết: cung cấp các thông tin chi tiết hơn về các chỉ số cụ thể, phân tích xu hướng bệnh như số ca bệnh mới (hiển thị số lượng bệnh nhân nhập viện/ngày, tuần, tháng, năm); phân tích so sánh với cùng kỳ và tuần trước/tháng trước; phân tích phân bố bệnh theo tỉnh – thành phố; phân bố theo nhóm tuổi - độ nặng – khoa nhập viện ban đầu. [3] Lập công thức cho các biểu đồ cột, biểu đồ tròn… có kèm so sánh dữ liệu với các kỳ theo quy ước; mỗi ngày sau khi có đủ dữ liệu chính thì tại sheet phân tích sẽ vẽ các biểu đồ phân tích

Kết quả: Rút ngắn thời gian thực hiện dữ liệu. Lãnh đạo có cái nhìn trực quan hơn. Dữ liệu chính xác hơn do nguồn dữ liệu từ HIS.

4. Phần mềm tra cứu thu nhập hàng tháng của nhân viên bệnh viện

- Chủ nhiệm: Phạm Đình Nguyên

- Thành viên: Nguyễn Hữu Duy Phương, Nguyễn Thị Hồng Phương

- Khoa, phòng: Tài chính kế toán

- Số quyết định công nhận: 155/QĐ-BVNĐ1 ngày 22/01/2025

- Cấp thực hiện: Đơn vị

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Hoạt động 1: Hướng dẫn kế toán – phòng TCKT thực hiện công việc cung cấp dữ liệu thu nhập hàng tháng của nhân viên và tính thuế thu nhập cá nhân.

Hoạt động 2: Xây dựng phần mềm tra cứu thu nhập cá nhân phiên bản 1.0 được cá thể hoá riêng cho từng cá nhân trên nền tảng website của bệnh viện. [1] Đăng ký tài khoản: Đây là bước thiết lập giao dịch giữa nhân viên với bệnh viện và cơ quan thuế. Mỗi cá nhân sẽ được cung cấp 1 tài khoản riêng nhằm đảm bảo tính bảo mật cá nhân. [2] Phần mềm bao gồm tra cứu chi tiết từng thu nhập và tính thuế theo đúng quy định hiện hành của pháp luật như khoản tính thuế, khoản không tính thuế, khoản giảm trừ gia cảnh, giảm trừ bản thân. Nhân viên có thể xem các dữ liệu theo từng tháng và cả năm.

Hoạt động 3: Hướng dẫn nhân viên sử dụng phần mềm tra cứu thu nhập cá nhân.

Sáng kiến được triển khai thử từ tháng 8/2024 cho cấp lãnh đạo bệnh viện và các phòng chức năng như TCKT, TCCB, KHTH; sau đó chính thức sử dụng vào tháng 10/2024 cho toàn thể nhân viên của bệnh viện

5. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo thực hành lâm sàng bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” tại bệnh viện Nhi đồng 1

- Chủ nhiệm: Lê Nguyễn Thanh Nhàn

- Thành viên: Phan Võ Hạnh Nguyên, Nguyễn Thị Thu Tâm

- Khoa, phòng: Chỉ đạo tuyến

- Số quyết định công nhận: 594/QĐ-BVNĐ1 ngày 13/3/2025

- Cấp thực hiện: Cơ sở

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Quy trình được ban hành quy định cụ thể các nội dung sau:

- Yêu cầu về học viên đối với mỗi nội dung thực hành

- Người hướng dẫn chính do khoa/phòng phân công sẽ theo dõi quá trình thực hành lâm sàng của học viên và chịu trách nhiệm đánh giá học viên cuối đợt

- Học viên được cấp mã ký hiệu để thuận tiện trong quá trình quản lý và trích lục hồ sơ khi cần

- Xây dựng các biểu mẫu

- Xây dựng các Google Form lượng giá quá trình và khảo sát hài lòng

Kết quả: Tỷ lệ học viên được đánh giá đầu ra đầy đủ đạt 91,43%. Số lượng khoa phòng tham gia thực hiện theo Quy trình: 12 khoa. Số lượng người hướng dẫn tham gia thực hiện theo Quy trình: 18 người (đa số là Trưởng, phó khoa và điều dưỡng trưởng). Mức độ hài lòng chung của học viên về Quy trình đào tạo đạt 4,5 điểm trên thang điểm Likert 5

6. Giải pháp dụng cụ treo trên giường bệnh nhân khoa Hồi sức sơ sinh

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Thanh Duy

- Thành viên: Võ Ngọc Thanh Thiên

- Khoa, phòng: Hồi sức sơ sinh

- Số quyết định công nhận: 451/QĐ-BVNĐ1 ngày 03/03/2025

- Cấp thực hiện: Đơn vị

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Sáng kiến dạng sản phẩm: Tái chế chai nhựa để làm dụng cụ treo dung dịch tiêm tĩnh mạch, thuốc dùng ngoài và vật dụng bệnh nhân. Chai nhựa được thu gom từ các nguồn đảm bảo an toàn, chủ yếu là chai NaCl 0,9% 500ml, chai nước cất 500 ml sau sử dụng. Phân loại chai theo kích thước, tình trạng vật lý để lựa chọn phương án tái sử dụng phù hợp. Đầu dây nhựa chưa sử dụng trong bộ dây truyền dịch cho ăn. Chai nhựa được làm sạch bằng nước và dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Sử dụng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn, tạp chất. Kiểm tra chất lượng sau khử khuẩn ban đầu để đảm bảo tái sử dụng. Cắt, điều chỉnh kích thước chai phù hợp với nhu cầu sử dụng như làm hộp đựng thuốc, hộp đựng vật dụng cá nhân. Gắn nhãn phân loại rõ ràng để tránh nhầm lẫn khi sử dụng trong bệnh viện. Tạo nắp đậy kín để đảm bảo an toàn cho các loại dung dịch và thuốc sử dụng ngoài da. Nắp chai nhựa gắn móc treo: sử dụng đầu dây dư trên đoạn dây truyền dịch cho ăn làm thành cái vòng, sử dụng kim kép giấy móc vào và treo nhãn tên thuốc, vật dụng.

Hiệu quả: Giảm chi phí mua sắm vật tư, hạn chế rác thải nhựa, đảm bảo tiện lợi, và sắp xếp gọn gàng

7. Cải thiện chất lượng cung cấp thông tin trẻ béo phì tại phòng khám dinh dưỡng

- Chủ nhiệm: Hoàng Thị Thanh Thuỷ

- Thành viên: Trần Thị Kiều Lê, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Chơn Minh Hiếu, Nguyễn Thị Nguyên Hoa

- Khoa, phòng: Dinh dưỡng

- Số quyết định công nhận: 657/QĐ-BVNĐ1 ngày 20/03/2025

- Cấp thực hiện: Đơn vị

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Hoạt động 1: Xây dựng hướng dẫn tiếp nhận, khám và tư vấn bệnh nhân béo phì. Phục hồi chức năng để hướng dẫn vận động cho trẻ béo phì. Vì vậy cần thống nhất và xây dựng hướng dẫn để có sự phối hợp tư vấn giữa các nhân viên y tế trong việc điều trị béo phì. Mặt khác, còn giúp đề ra kế hoạch phát triển các giải pháp về bộ công cụ hỗ trợ

Hoạt động 2: Xây dựng phương tiện truyền thông GDSK, theo dõi, công cụ hỗ trợ cho trẻ béo phì. Xây dựng thiết kế sổ theo dõi sức khoẻ cho trẻ thừa cân – béo phì; Clip truyền thông béo phì; Sổ tư vấn vận động

Hoạt động 3: Triển khai kênh tiếp nhận ý kiến trải nghiệm TNNB qua ứng dụng DESAT.

Kết quả: Sau thời gián áp dụng cải tiến thì khoa đã đạt được mục tiêu là đưa ra được quy trình thống nhất và duy trì thực hiện đủ các bước tiếp nhận, khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị cho trẻ béo phì, theo đó đã cải thiện được chất lượng tư vấn so với trước can thiệp. Phối hợp tốt với khoa Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng để hỗ trợ vận động thể chất cho trẻ béo phì
Ths.YTCC Lê Thị Trúc – Phòng Quản lý chất lượng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"