Cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút influenza (chủ yếu týp A, B) gây ra, lây lan chủ yếu qua giọt bắn khi ho, hắt hơi và tiếp xúc gần với người bệnh. Bệnh thường gây ra các triệu chứng nhẹ đến trung bình, nhưng trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có bệnh nền, cúm có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Thời điểm giao mùa giữa đông - xuân là giai đoạn bệnh cúm gia tăng mạnh tại Việt Nam, với số ca mắc tăng đáng kể tại các bệnh viện.
Trong thời gian qua, khoa Hồi sức Nhiễm tiếp nhận một trường hợp mắc cúm A ở trẻ em với bệnh cảnh sốt kéo dài, diễn tiến viêm phổi lan tỏa, suy hô hấp nặng phải thở máy và hồi phục sau điều trị đặc hiệu.
Bệnh nhi là bé gái 5 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, nhập viện với bệnh cảnh sốt cao kéo dài, ho đàm, mắc sởi còn ban cũ rải rác toàn thân 3 tuần trước. Em sốt cao liên tục, suy hô hấp tiến triển nặng trong vòng 3 ngày sau nhập viện, được đặt nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức Nhiễm. Tình trạng tại khoa ghi nhận em nhiễm trùng nặng với chỉ số CRP 57 mg/L, procalcitonin 93 ng/mL, X-quang phổi có hình ảnh viêm phổi lan tỏa hai bên (Hình chụp), tổn thương phổi tiến triển nhanh, siêu âm phổi thấy đông đặc gần toàn bộ phổi hai bên kèm tràn dịch màng phổi lượng ít, xét nghiệm IgM sởi dương tính khẳng định chẩn đoán sởi ở tuyến trước. Ngoài ra các xét nghiệm tìm tác nhân khác như cấy máu, cấy đàm nhiều lần đều âm tính. Tiên lượng đây là một trường hợp viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp tính, có nguy cơ tiến triển nhanh và nặng, do đó, chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm PCR đa tác nhân trong máu và đàm. Kết quả PCR đàm dương tính với vi rút cúm A (influenzavirus type A) với tải lượng cao (1,4 × 10⁶ copies). Trẻ nhanh chóng điều trị với Oseltamivir (Tamiflu), kết hợp thở máy xâm lấn, kháng sinh phổ rộng, kiểm soát dịch và dinh dưỡng tối ưu. Sau 4 ngày điều trị, bé hết sốt, lâm sàng và X-quang phổi cải thiện rõ rệt. 7 ngày sau, trẻ cai được máy thở. Hiện tại, tình trạng bé đã ổn định và không cần hỗ trợ hô hấp.
Cúm A có thể gây biến chứng nặng ở trẻ em, đặc biệt là viêm phổi tiến triển nhanh dẫn đến suy hô hấp. Với dịch sởi gây suy giảm miễn dịch có thể là một yếu tố góp phần khiến bệnh cúm diễn tiến nặng hơn. Chẩn đoán sớm bằng các kỹ thuật hiện đại như PCR, test nhanh để định hướng điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, phòng ngừa cúm là biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Tiêm vắc xin cúm hàng năm giúp giảm 40 – 60% nguy cơ nhiễm cúm và giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện do cúm nặng. Ngoài ra, các biện pháp dự phòng khác như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và giữ vệ sinh cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây lan cúm trong cộng đồng.