Trường hợp 1 là một bé sơ sinh 21 ngày tuổi, nhập viện vì sốt 2 ngày kèm thở nhanh, bú kém. Khám bé đừ, môi hồng nhạt, SpO2 88%, thở nhanh 62 lần/phút, co lõm lồng ngực. Hỏi bệnh cho thấy gia đình có ông bà nội và ba sống chung nhà đều mắc COVID-19. Bé được làm PCR SARS-CoV 2 cho kết quả dương tính. Bé được điều trị ngay với oxy canulla, kháng sinh tĩnh mạch, thuốc kháng viêm Dexamethasone và thuốc chống đông máu Lovenox. Các kết quả xét nghiệm sau đó phù hợp với bệnh cảnh mắc COVID-19 nặng với tổn thương phổi lan tỏa 2 bên trên phim phổi (Hình 1). Hiện tại, bé đáp ứng rất tốt với điều trị, đã ngưng thở oxy, bú tốt và nhịp thở bình thường theo tuổi.

Hình 1
Trường hợp 2 là một bé gái 7 tháng tuổi, 9kg. 4 ngày nay bé sốt cao, ho nhiều và test nhanh ở nhà phát hiện dương tính với SARS-CoV2. Lúc nhập viện tại khoa cấp cứu: bé bứt rứt, thở nhanh 66 lần/phút, co lõm lồng ngực, SpO2 89%. Bé được hỗ trợ hô hấp bằng oxy canulla, kháng sinh tĩnh mạch, xét nghiệm PCR xác định dương tính với SARS-CoV2 và chuyển đơn vị cách ly và điều trị Covid 19 AB. Tuy nhiên sau đó, bé suy hô hấp nặng dần, Xquang phát hiện viêm phổi nhiều 2 bên (Hình 2), phản ứng viêm tăng cao, kèm xét nghiệm đông máu tăng phù hợp với bệnh cảnh Covid-19 nặng, bé được thở NCPAP, đổi kháng sinh phổ rộng, thêm thuốc kháng viêm Dexamethasone và kháng đông máu Lovenox, hỗ trợ dinh dưỡng.
Sau 10 ngày điều trị, bé đáp ứng tốt, tình trạng lâm sàng cải thiện, em được cai dần các liệu pháp hỗ trợ hô hấp và đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

Hình 2
Như vậy, sau 2 trường hợp trên có thể thấy, COVID-19 có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào, và trẻ em vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng, mặc dù tỉ lệ tương đối thấp hơn đối tượng người lớn. Do đó, các trẻ mắc COVID 19, đặc biệt là các trẻ sơ sinh và nhũ nhi, cần được theo dõi sát để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng.