- Đây là hoạt động thể hiện sự tri ân và ghi nhớ sâu sắc công ơn to lớn của các thế hệ trước, những người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường trong cuộc chiến đầy cam go và thử thách trước mọi kẻ thù xâm lược để thực hiện lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả vì Tổ quốc thống nhất”, qua đó, bồi dưỡng cho đoàn viên, thanh niên về tinh thần yêu quê hương đất nước, thấu hiểu sâu sắc những giá trị của hòa bình và độc lập ngày nay. Tham gia chuyến hành trình có đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Ủy viên BCH Đoàn Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Bệnh viện Nhi đồng 1, đồng chí Phạm Anh Tú, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bệnh viện và các bạn đoàn viên, thanh niên tiêu biểu cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh Bệnh viện.
Đoàn chuẩn bị xuất phát
- Điểm đến đầu tiên của chuyến hành trình năm nay đó là Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi (Đền Bến Dược) là đền tưởng niệm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tại đây, đoàn đại biểu đã kính cẩn đặt vòng hoa và mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho đất nước. Đền Bến Dược là nơi ghi danh hơn 45.600 đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đoàn dâng hương, dâng hoa tại Đền Bến Dược
- Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn đã đến Địa đạo Củ Chi. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm.
- Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Các chiến sĩ cách mạng ẩn náo dưới những căn hầm bí mật trong vùng địch hậu, được nhân dân che chở, bảo vệ. Hầm bí mật cấu tạo theo nhiều cách, nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ thù đi trên mặt đất khó phát hiện được căn hầm. Nhưng hầm bí mật có nhược điểm là khi bị phát hiện, dễ bị địch khống chế vây bắt hoặc tiêu diệt. Vì vậy người ta nghĩ rằng cần phải kéo dài căn hầm bí mật thành những đường hầm và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật để vừa trú ẩn vừa đánh lại quân địch, và khi cần, sẽ thoát khỏi chỗ nguy hiểm đến một nơi khác. Từ đó, địa đạo ra đời mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong hoạt động chiến đấu đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Các thành viên xuống tham quan hầm ở địa đạo Củ Chi
- Bước sang giai đoạn chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo Củ Chi phát triển mạnh, nhất là đầu năm 1966, khi Mỹ dùng Sư đoàn đoàn bộ binh Số 1 “Anh Cả đỏ” thực hiện cuộc hành quân lớn mang tên Crimp, càn quét, đánh phá vùng căn cứ, và tiếp theo, đưa Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đến lập căn cứ Đồng Dù, liên tiếp mở các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt lực lượng cách mạng nơi đây. Trước sức tấn công ác liệt trong cuộc chiến tranh hủy diệt dã man của Mỹ, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Huyện ủy Củ Chi đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương quyết tâm bám trụ chiến đấu, tiêu diệt quân địch bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng mang tính chiến lược quan trọng vì đây là hướng tiếp cận và tiến công hiểm yếu đối với thủ đô Sài Gòn. Với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”, bộ đội, dân quân du kích, cơ quan dân chính đảng cùng với nhân dân ra sức thi đua đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp đạn bom, mưa nắng; tích cực xây dựng “xã ấp chiến đấu”, thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù.
Đoàn nghe thuyết minh về bếp Hoàng Cẩm
- Tại điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình, đoàn đã đến thăm hỏi tình hình sức khỏe và đời sống của các gia đình chính sách trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những mất mác, sự hy sinh và cống hiến to lớn của các gia đình chính sách đối với sự nghiệp cách mạng. Đại diện các gia đình chính sách đã bày tỏ sự xúc động, niềm vui, phấn khởi trước sự quan tâm đến đời sống của các gia đình chính sách, người có công trong thời gian qua của Đảng ủy, Ban giám đốc, BCH Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các đoàn thể của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng như chính quyền địa phương. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn, góp phần tiếp thêm sức mạnh để các gia đình chính sách vượt qua những nỗi đau do chiến tranh để lại , vươn lên trong cuộc sống.
Đoàn tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn
xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh
- Về quê hương Củ Chi vào những ngày mùa thu lịch sử là dịp để tuổi trẻ Nhi đồng 1 tri ân các thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay thật xúc động và tự hào được về đây, quê hương “Đất thép thành đồng” anh hùng để cùng với các bác, các chú thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến đây, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh ý chí, phấn đấu học tập và lao động để xứng đáng là nòi giống Việt Nam. Là thế hệ tiếp bước hôm nay, Đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Nhi đồng 1 nâng cao lòng tự hào và ý thức tự hào dân tộc thông qua việc học hỏi, giữ gìn các giá trị văn hóa, truyền thống của cha ông và các hoạt động đoàn kết, học tập và giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn và thách thức, đóng góp hết mình cho sự phát triển của ngành y tế, hoàn thành nhiệm vụ được giao để đưa Bệnh viện, thành phố vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.