
Đoàn “Hành trình đến địa chỉ đỏ” xuất phát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
- Ngày 14/12/2024, BCH Đoàn Thanh niên đã phối hợp với BCH Hội Cựu chiến binh Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức một hành trình “Đến với địa chỉ đỏ” là Hầm chứa vũ khí và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia chuyến hành trình đến địa chỉ đỏ, về phía Bệnh viện Nhi đồng 1 có đồng chí Phạm Anh Tú - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bệnh viện, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng với sự tham gia của các hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân đã và đang công tác tại bệnh viện và các bạn đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của Bệnh viện Nhi Đồng 1. - Bên cạnh đó, chương trình còn nhận được sự quan tâm của BCH Hội Cựu chiến binh và BCH Đoàn Thanh niên Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, rất vinh dự có sự tham gia của đồng chí Lê Đình Thân – Ủy viên Ban thường vụ Đoàn Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và các đồng chí là đại diện của BCH Hội Cựu chiến binh, BCH Đoàn Thanh niên Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
“Địa chỉ đỏ” đầu tiên của chuyến đi đó là căn nhà số 287/70 nằm trên 2 con hẻm thông nhau qua 2 đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, có diện tích khoảng 37m2 (dài 14,9m, rộng 2,5m). Nhìn bên ngoài, căn nhà nhỏ bình dị như nhiều căn nhà của người dân lao động trong ngõ hẻm này. Tuy nhiên, bên trong đó có cả một hệ thống hầm bí mật được thiết kế công phu, cất giấu gần 2 tấn vũ khí, 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK, súng B40 và 3.000 viên lựu đạn. Điều đặc biệt hơn nữa là căn nhà nằm ngay giữa trung tâm thành phố, cách Dinh Độc Lập khoảng 500m. Tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối.

Địa chỉ đỏ căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM
- Căn nhà vốn do ông Trần Văn Lai, một cán bộ nằm vùng đứng tên. Cuối năm 1965, ông Trần Văn Lai vừa làm việc tại Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM (do ông thường vào cơ quan U-SOM của Mỹ đấu thầu), vừa hoạt động bí mật trong đơn vị "bảo đảm" của Biệt động Sài Gòn. Theo chỉ đạo của cấp trên, năm 1966, ông Trần Văn Lai đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Lai đào căn hầm bí mật để cất giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Ròng rã hơn 7 tháng trời vừa tính toán thiết kế vừa thi công trong bí mật, vợ chồng ông Trần Văn Lai đã hoàn thành căn hầm bí mật. Chính từ căn hầm này, đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, các chiến sĩ Biệt động đội 5 đã tập trung để nhận vũ khí. Đội xuất phát trên 3 ô tô và một chiếc Honda tiến về Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đội 5 đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội. Sau trận đánh, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì chúng nghi đây là nơi trú ngụ của Đội Biệt động. Ông Năm Lai bị bắt đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng Mỹ không biết có hầm vũ khí ở dưới. Mãi sau ngày thống nhất gia đình ông Trần Văn Lai mới có cơ hội trở lại căn nhà và phục hồi nguyên trạng.

Di ảnh và các hiện vật của các chiến sĩ Biệt dộng Sài Gòn tham gia trận đánh Dinh Độc Lập vào
rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân 1968
- Địa chỉ đỏ tiếp theo của Hành trình là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở số 145 đường Trần Quang Khải, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đây là căn nhà hai tầng và vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà cổ. Để lên Bảo tàng Biệt động phải đi qua một chiếc thang máy cổ. Chiếc thang máy này có từ khi căn nhà được xây dựng vào năm 1963. Đáng chú ý, cửa thang máy và các bức tường trong thang máy đều trạm khắc khá tỉ mỉ, từ thanh sắt, thanh gỗ đều được chạm khắc bằng nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo đẹp mắt, khiến ai lần đầu nhìn thấy cũng ngỡ ngàng.

Địa chỉ Đỏ thứ 2 là bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định
- Khu vực trưng bày có các hiện vật gồm: Vũ khí chiến đấu trong nội thành, thiết bị thông tin liên lạc... và cùng với đó là các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ biệt động. Khu vực trưng bày hình ảnh của các cán bộ lãnh đạo Bộ chỉ huy Miền, lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Bộ chỉ huy Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các cán bộ chiến sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Lực lượng biệt động từ kháng chiến chống Pháp cho đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Tại bảo tàng, lịch sử của biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện lên sống động trên tấm bản đồ tái hiện hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn như hệ thống các hầm chứa vũ khí, ém quân xây ngay trong lòng địch, phục vụ các trận đánh huyền thoại của biệt động giữa lòng Sài Gòn, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
- Một bức tường tưởng niệm trang trọng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định cũng được xây dựng trong không gian ấm cúng của bảo tàng. Những hế hệ trẻ hôm nay, Đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Nhi Đồng 1 càng cảm kích sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước. Những hiện vật của lịch sử tại bảo tàng được lưu giữ, tái hiện và truyền tải đến mọi người về lịch sử một cách chân xác nhất có thể cũng như bảo tàng là nơi để các thế hệ tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình và tự do cho dân tộc.
“Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước”
(Trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)
Tuổi trẻ Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận thức được hoạt động Hành trình địa chỉ Đỏ rất ý nghĩa, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về những chiến công và sự hy sinh to lớn của các thế hệ anh hùng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử của dân tộc và lòng yêu nước để Đoàn viên, thanh niên sẽ có thêm nghị lực không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đoàn Thanh niên Bệnh viện sẽ cố gắng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa hơn nữa để mỗi đoàn viên thanh niên phấn đấu học tập trở thành những người có ích cho đất nước, cho xã hội, quyết tâm cao nhất trong nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, đóng góp trí tuệ, sức lực, tài năng cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, bền vững của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh và kỳ vọng của các các thế hệ cha anh đi trước.