Từ ngày 01/01/2025 Bệnh viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và không bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 118/NĐ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật: 12:24, 12/2/2025
74 lượt đọc

Một số điều cần biết về tiêm chủng ngừa cúm mùa

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm ( Influenza virus) gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Cúm có 4 chủng vi rút là A, B, C, D. Tại Việt Nam các chủng cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng. Hãy cùng tìm hiểu về một số thắc mắc thường gặp về vắc xin phòng cúm:

Vắc xin cúm có thể phòng ngừa được những chủng cúm nào?

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều loại vắc xin cúm được sử dụng, chủ yếu bao gồm vắc xin cúm tam giá và vắc xin cúm tứ giá. Vắc xin tam giá Ivacflu-S phòng được 3 chủng: 2 chủng cúm A và 1 chủng cúm B. Các vắc xin tứ giá (Vaxigrip Tetra, Influvac Tetra , GC Flu Quadrivalent) phòng được 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.

Chích vắc xin cúm bao lâu thì có hiệu quả và tiêm chủng rồi có bị mắc cúm nữa không?

Sau chích vắc xin, cơ thể cần thời gian để sản sinh kháng thể chống lại vi rút cúm. Thông thường, vắc xin cúm bắt đầu có hiệu quả sau 2-3 tuần kể từ khi tiêm. Và thời gian bảo vệ của vắc xin có thể kéo dài từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, do vi rút cúm liên tục biến đổi, vì vậy việc tiêm nhắc hàng năm là cần thiết để duy trì khả năng bảo vệ tốt.

Lưu ý sau chích vắc xin cúm vẫn có thể mắc cúm mùa. Các nguyên nhân có thể là: thời gian để vắc xin phát huy hiệu quả sau chích ngừa chưa đủ, mắc phải chủng cúm không có trong vắc xin, cơ thể không tạo ra kháng thể sau chích ngừa, không chích nhắc lại hàng năm… Tuy nhiên, phần lớn những người bị mắc cúm sau chích ngừa cúm đủ liều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm tỷ lệ các biến chứng của bệnh so với người chưa tiêm chủng.

Đối tượng nào nên chích ngừa cúm?

Tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên chích ngừa cúm. Đặc biệt, người có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm được khuyến cáo chủng ngừa theo lịch:

   - Người > 65 tuổi

   - Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai

   - Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi

   - Người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, bệnh phổi, thận, ung thư, suy giảm miễn dịch…

   - Người tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm

Đã mắc cúm có cần chích ngừa nữa hay không?

Vi rút cúm có nhiều chủng và các chủng cũng có sự biến đổi liên lục vì vậy các chủng cúm trong vắc xin cũng được Tổ chức Y tế thế giới qui định hàng năm để phù hợp với tình hình các chủng cúm đang lưu hành. Vì vậy kể cả đã mắc cúm vẫn nên chích ngừa cúm

Lịch tiêm chủng cúm như thế nào?

   - Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được chủng ngừa trước đó: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau đó chích nhắc lại hàng năm

   - Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn: 1 mũi và chích nhắc lại hàng năm.

BS Bùi Thị Bích Ngọc
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"