Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:37, 1/4/2022
249 lượt đọc

Học tập Tư tưởng của Bác Hồ về sức khỏe

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố nước Việt Nam độc lập ra đời. Lịch sử nước ta bước sang chặng đường mới với nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng đầy thách thức khó khăn. Các nước tư bản lớn với những lợi ích cục bộ của mình đã không công nhận sự độc lập và địa vị pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực dân Pháp vẫn thực hiện những âm mưu và hành động nhằm áp đặt lại sự thống trị tại nước ta. Chính quyền cách mạng vừa ra đời phải cùng lúc đối phó với thù trong, giặc ngoài lẫn nạn đói, nạn dốt. Nam bộ lúc bấy giờ phải thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngay sau ngày Bác Hồ tuyên bố Việt Nam độc lập. Đầu năm 1946, các nước đế quốc đã dàn xếp để cho ra đời Hiệp ước Hoa-Pháp ngày 28 tháng 02 năm 1946 để đưa quân đội Pháp ra thay thế quân của Tưởng Giới Thạch nhằm thực hiện hoàn toàn ý đồ thống trị lần nữa nước ta; đổi lại, Pháp nhượng cho Tưởng nhiều quyền lợi tại Trung Quốc và cả tại Việt Nam. Ngày 06 tháng 3 năm 1946, Bác Hồ thay mặt Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ với Jean Sainteny là đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hà Nội để thực hiện sách lược “Hòa để tiến”.

Trong hoàn cảnh phức tạp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946 trên báo Cứu quốc, Bác Hồ viết bài Sức khỏe và Thể dục. Ngay mở đầu, Bác nêu “ Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Chúng ta có thể thấy, sức khỏe trong tư tưởng của Bác không phải chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là vấn đề của xã hội, của quốc gia. Sức khỏe là một trong những “điều kiện cần” để thực hiện xây dựng đất nước, phát triển xã hội. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược, sức khỏe là một trong những bộ phận cơ bản của cuộc chiến tranh nhân dân mà đất nước ta buộc phải tiến hành trước các thế lực xâm lược. Phải luôn chuẩn bị sẵn sàng về sức khỏe để có thể vượt qua những hoàn cảnh, điều kiện khó khăn trong mọi tình huống. Trên tinh thần đó, chúng ta phải xác định Sức khỏe cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình hoạch định các kế hoạch không những trên phạm vi chung xã hội mà phải đặc biệt lưu ý trong lĩnh vực y tế. Phát triển các đô thị lớn càng phải lưu tâm đến việc nầy: Sức khỏe cộng đồng (chứ không phải điều trị cá thể) là nền tảng cho y tế của đô thị. Dịch COVID-19 xảy ra đã minh chứng cho chúng ta thấy: các quốc gia có hệ thống sức khỏe cộng đồng tốt thì y tế không hề bị sụp đổ khi bùng phát dịch.

Vậy trách nhiệm tạo dựng sức khỏe cho xã hội là của ai? Bác viết “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe” và Bác nhấn mạnh “Dân cường thí quốc thịnh”. Như vậy, sức khỏe trước hết là bổn phận của mỗi cá nhân phải tạo dựng cho mình trên ý thức trách nhiệm đối với xã hội. Xây dựng ý thức tự giác tạo dựng sức khỏe cho cá nhân mình tức là biểu hiện trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, là sự đóng góp một phần vào xây dựng sức khỏe cho cộng đồng. Tuân theo các hướng dẫn, qui định của ngành y tế để vừa tạo sự lành mạnh cho bản thân, vừa chung tay tạo phát triển bền vững cho cộng đồng. Chúng ta thấy, trong dịch bệnh COVID-19, khi hầu hết người dân tuân thủ và thực hiện 5K để bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì có không ít cá nhân vô ý thức, vô trách nhiệm làm những hành vi, những hoạt động gây lây lan dịch bệnh rộng hơn, nhanh hơn trong cộng đồng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đây là bài học đau đớn chúng ta cần phải nhớ khi học tập tư tưởng của Bác về sức khỏe. Vận động thúc đẩy ý thức trách nhiệm mỗi cá nhân đối với sức khỏe phải là một trong những nội dung thường xuyên của hoạt động y tế; vận động thay đổi hành vi theo hướng có lợi cho sức khỏe cộng đồng phải là nội dung được chú trọng trong xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho y tế.

Đối với lực lượng tham gia vào công tác sức khỏe, trong Thư gửi nam nữ học viên Trường y tá Liên khu I, Bác viết: “Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”. Người y tá, ngày nay chúng ta gọi là người điều dưỡng, là một đội ngủ quan trọng trong công tác xây dựng sức khỏe cho cộng đồng. Đây là lực lượng không chỉ thực hiện chức năng chăm sóc y tế cho cá nhân mà còn là lực lượng chủ yếu trong hướng dẫn cộng đồng cải thiện kiến thức, thái độ và thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe để giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe cho dân tộc như Bác nói. Thực tế của hoạt động chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy chính đội ngủ điều dưỡng là lực lượng chủ chốt thực hiện các công tác tại các Trạm y tế, các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến được thiết lập. Cần có nhiều chính sách y tế cũng như an sinh xã hội lâu dài hơn để phát huy toàn diện vai trò của đội ngủ điều dưỡng trong xây dựng sức khỏe cho quốc gia. Với sự phát triển đa dạng và gia tăng các yêu cầu mới trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt ở các đô thị lớn hiện nay, việc đánh giá đúng mức và có kế hoạch đầy đủ, lâu dài trong xây dựng và phát triển các thành phần khác tham gia vào những hoạt động trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong lĩnh vực dự phòng, chứ không chỉ đơn thuần là bình quân bao nhiêu

bác sĩ, bao nhiêu giường bệnh cho 100.000 dân. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc tháng 6 năm 1953 bác đã từng lưu ý: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân”.

Bên cạnh đó, trong Thư khen cán bộ và nhân viên quân y ngày 01 tháng 8 năm 1967, Bác có nêu: “Ngành quân y ta đã có nhiều cố gắng và đã lập được thành tích trong việc cứu chữa thương binh, bệnh binh cũng như trong việc giữ gìn sức khỏe cho bộ đội (…) Cán bộ, nhân viên quân y còn tham gia cứu chữa, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các nơi đóng quân”. Tư tưởng quân dân y kết hợp trong phát triển sức khỏe là một trong những nội dung quan trọng của hệ thống y tế nước ta trong thời chiến cũng như trong thời bình. Đây cần phải được coi là nội dung xuyên suốt trong thiết lập các kế hoạch y tế, không chỉ đảm bảo cho thế trận chiến tranh nhân dân mà còn cho sự nghiệp phát triển ổn định kinh tế xã hội. Bài học về hình ảnh lực lượng quân y tham gia các Trạm y tế lưu động trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua đã cho chúng ta thấy ý nghĩa lớn lao sự kết hợp quân dân y. Mọi kế hoạch xây dựng phát triển y tế bỏ qua điều nầy, đặc biệt là với các đô thị lớn, nhất là trong bối cảnh có những bệnh dịch, bệnh lây truyền mới nổi hiện nay, là một thiếu sót cần được khắc phục.

Trên đây là một số điểm trong học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực sức khỏe. Dịch COVID-19 vẫn đang còn và vẫn còn nhiều nguy cơ khác về sức khỏe đe dọa sự phát triển ổn định đất nước. Nghiên cứu và cải thiện những hoạt động y tế qua học tập Tư tưởng Bác về sức khỏe là một trong những nhiệm vụ mà mỗi nhân viên trong hệ thống y tế, không phân biệt phạm vi hoạt động, cần xem như trách nhiệm của mình.

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"