Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:32, 17/1/2024
355 lượt đọc

Danh sách sáng kiến, cải tiến chất lượng đã nghiệm thu Quý 4/2023

Quý 4/2023, bệnh viện Nhi đồng 1 có 13 đề tài sáng kiến đã được công nhận:

1. Cải thiện hoạt động thông tin tư vấn cho thân nhân người bệnh và giao tiếp nghề nghiệp tại khoa Tiêu Hoá, bệnh viện Nhi đồng 1 năm 2023

- Chủ nhiệm: Hoàng Lê Phúc

- Thành viên: Võ Kim Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Trầm, Võ Quốc Chuyển, Biện Thị Thu Hương

- Khoa, phòng: Tiêu hoá

- Số quyết định công nhận: 2607/QĐ-BVNĐ1 ngày 12/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

[1] Đào tạo kỹ năng giao tiếp lồng ghép mô thức AIDET vào quy trình chuyên môn.

Tổ chức các buổi sinh hoạt cho điều dưỡng với nội dung tổng hợp các bước sai thường mắc phải khi thực hiện QTKT. Đào tạo triển khai 2 lưu đồ “Hướng dẫn xử trí lồng ghép hoạt động khám điều trị chăm sóc và thông tin – tư vấn cho thân nhân người bệnh ở khu vực Nội trú – Bệnh viện Nhi đồng 1” và “Hướng dẫn chẩn đoán & xử lý bệnh tiêu chảy cấp – tiêu đàm máu ở trẻ em” phiên bản 1.2 (2020.03.02), DVN, MD.

 Dán chi tiết bảng kiểm QTKT ở phòng thủ thuật từ tuần 12 năm 2023

[2] Tăng cường hoạt động giám sát QTKT, phản hồi kết quả

 Cập nhật bảng kiểm QTKT nội soi gắp dị vật, sinh thiết gan lên ứng dụng GiamSatQTKT.

 Phản hồi kết quả giám sát theo 3 cấp: cá nhân, nhóm, khoa.

[3] Triển khai đánh giá trải nghiệm người bệnh qua ứng dụng DESAT đo lường hiệu quả can thiệp.

Kết quả ghi nhận được sự cải thiện về tỷ lệ tuân thủ thông tin  vấn và tỷ lệ tuân thủ có ý nghĩa thống kê. Việc can thiệp đã làm tăng tỷ lệ thông tin tư vấn, từ đó dẩn đền việc gia tăng tỷ lệ tuân thủ chung có ý nghĩa thống kê, đạt mục tiêu 50% đã đặt ra và tỷ lệ thực hiện đúng tăng có ý nghĩa thống kê, và đạt mục tiêu 95% từ tuần 21-2023. Về số lượt trải nghiệm rất kém qua mấy DESAT, kết quả ghi nhận có sự cải thiện, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu giảm dưới 02 lượt trải nghiệm rất kém mỗi tuần

2. Phiếu thông tin về thủ thuật chọc dò tuỷ sống

- Chủ nhiệm: Nguyễn Kiến Mậu

- Thành viên: Văn Công Trường

- Khoa, phòng: Sơ sinh

- Số quyết định công nhận: 2571/QĐ-BVNĐ1 ngày 09/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Phiếu thông tin cung cấp thông tin cơ bản về thủ thuật chọc dò tủy sống được thiết kế trên khổ giấy A4 cung cấp các nội dung về: [1] Khái niệm chọc dò dịch não tủy, [2] Lợi ích của việc chọc dò dịch não tủy, [3] Cách thức tiến hành thủ thuật, [4] Các nguy cơ khi chọc dò dịch não tủy, [5] Chăm sóc trẻ sau khi chọc dò dịch não tủy

Cung cấp cho thân nhân bệnh nhi lý do và lợi ích cần thực hiện thủ thuật chọc dò tủy sống. Giúp cho thân nhân bệnh nhi nắm rõ cách thức tiến hành thủ thuật. Cung cấp cho thân nhân bệnh nhi hiểu yếu tố nguy cơ khi tiến hành thủ thuật. Giúp nhân viên y tế có được tài liệu đầy đủ và chính xác khi tư vấn chọc dò tủy sống cho bệnh nhi. Lưu lại nội dung thông tin đã tư vấn

Có thể áp dụng tại các khối sơ sinh (khoa Sơ sinh, Sơ sinh 2 – Chuyển hóa di truyền, Hồi sức sơ sinh, …)

3. Sự tuân thủ quy trình chụp cộng hưởng từ (MRI)

- Chủ nhiệm: Bạch Lê Thuý Ngân

- Thành viên: Lê Minh Triết, Phạm Mạnh Tiến, Phạm Thị Linh Phương, Nguyễn Anh Tuấn

- Khoa, phòng: Chẩn đoán hình ảnh – Xquang

- Số quyết định công nhận: 2570/QĐ-BVNĐ1 ngày 09/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Nhóm tiến hành cải tiến quy trình chụp Cộng hưởng từ gồm 4 khâu chính: chuẩn bị bệnh nhân trước chụp, thực hiện kỹ thuật chụp, theo dõi bệnh nhân sau chụp và trả kết quả.

Sau khi quy trình được đưa vào ứng dụng giám sát toàn viện, nhóm tiến hành giám sát trên ứng dụng, thu thập số liệu mỗi tuần và tổng kết mỗi 3 tuần. Mục tiêu của nhóm đề ra là nâng cao mức độ tuân thủ quy trình chụp MRI của kỹ thuật viên từ 80% lên trên 90%.

Tỷ lệ tuân thủ quy trình chụp Cộng hưởng từ được cải thiện và nhiều tuần đạt tối đa 100%. Nhóm duy trì hoạt động giám sát trên ứng dụng giám sát toàn viện nhằm thực hiện tốt công tác chuyên môn, tăng sự an toàn và hài lòng của người bệnh.

Đây là một trong những quy trình cần được chuẩn hóa trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là Chẩn đoán hình ảnh nhi khoa

4. Giải pháp tăng tỷ lệ thực hành cho con bú đúng ở các bà mẹ tại khoa Sơ sinh 2

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Thanh Hương

- Thành viên: Nguyễn Thị Phương Hoà, Nguyễn Thị Trúc Phương

- Khoa, phòng: Sơ sinh 2 – Chuyển hoá, di truyền

- Số quyết định công nhận: 2608/QĐ-BVNĐ1 ngày 12/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Các tờ bướm được thiết kế trên tờ giấy A4 gấp đôi, kích thước 20,32cm x 20,32cm (sau khi gấp) kèm logo bệnh viện và có một số hình ảnh minh họa chi tiết.

Nội dung tờ bướm bao gồm các mục:

- Các tư thế cho con bú đúng và cách ngậm bắt vú đúng.

- Cách bảo quản sữa sau khi vắt.

- Cách sử dụng sữa sau khi rã đông.

Mã QR code để truy cập vào đường link bài viết đầy đủ về nuôi con bằng sữa mẹ trên trang web bệnh viện

Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại khoa, để tăng tỉ lệ các bà mẹ có kiến thức và thực hành cho con bú đúng, giảm số lần phải tư vấn lặp lại nhiều lần và truyền đạt thông tin hướng dẫn một cách hiệu quả, nhân viên y tế có thể sử dụng các tờ bướm trong lúc tư vấn và hướng dẫn cho các bà mẹ giúp họ dễ hiểu, ghi nhớ những mốc quan trọng để thực hành cho con bú đúng và có thêm kiến thức về sử dụng sữa mẹ vắt sau khi xuất viện.

Giúp bà mẹ có thêm nhiều thời gian tham khảo nội dung trong các tờ bướm, các thông tin sẽ được truyền tải hiệu quả hơn, nhân viên y tế có thêm thời gian để tư vấn khi bà mẹ chưa hiểu rõ.

Tăng tỉ lệ thực hành cho con bú đúng cũng như kiến thức về cách bảo quản và sử dụng sữa mẹ sau khi vắt của các bà mẹ tại Khoa Sơ Sinh 2 lên > 80% và tiếp tục duy trì sau thời gian cải tiến

5. Giải pháp nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành tắm bé, massage trẻ sơ sinh cho các bà mẹ tại khoa Sơ sinh 2 – Chuyển hoá di truyền bệnh viện Nhi đồng 1

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Ngọc Trắng

- Thành viên: Lê Phước Huy, Chu Thị Hồng Phượng

- Khoa, phòng: Sơ sinh 2 – Chuyển hoá, di truyền

- Số quyết định công nhận: 2609/QĐ-BVNĐ1 ngày 12/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Các tờ bướm được thiết kế trên tờ giấy A4 gấp ba, kích thước 21cm x 9,9cm (sau khi gấp), in màu và có một số hình ảnh minh họa nội dung chi tiết.

Nội dung 02 tờ bướm bao gồm:

- Tờ bướm hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh: Thông tin các vật dụng cần chuẩn bị, Các thao tác tắm bé, Chăm sóc bé sau tắm, Thời điểm tắm bé, 1 số lưu ý khi tắm bé.

- Tờ bướm hướng dẫn massage cho trẻ sơ sinh: Lợi ích của việc massage cho bé, Chuẩn bị trước khi massage cho bé.

Mã QR code giúp linh động truy cập để xem lại hình ảnh tờ bướm và video hướng dẫn cách tắm và massage cho trẻ khi cần

Giúp thân nhân dễ dàng ghi nhớ các kiến thức được truyền tải qua tờ bướm, dễ hình dung và thực hiện theo các hướng dẫn thực hành.

Mã QR code giúp thân nhân linh động truy cập tham khảo lại các nội dung của tờ bướm mọi lúc mọi nơi, thêm thời gian tìm hiểu kĩ hơn nội dung các tờ bướm, đường link giúp dễ dàng truyền tải và tăng khả năng lan toả trong cộng đồng.

Tăng tỉ lệ bà mẹ có kiến thức tắm và massage bé đúng tại Khoa Sơ sinh 2 sau khi can thiệp từ 80% trở lên.

Tăng tỉ lệ bà mẹ có kĩ năng massage bé theo 6 bước cơ bản đạt yêu cầu tại Khoa Sơ sinh 2 sau khi can thiệp từ 80% trở lên

Phổ biến kiến thức, kĩ năng tắm và massage cho bé trên trong các hội nhóm bà mẹ trên mạng xã hội

6. Giá rửa thế gây mê và các dụng cụ có lòng ống tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

- Chủ nhiệm: Đỗ Thị Phương Nga

- Thành viên: Nguyễn Ngọc Minh Châu, Nguyễn Thị Khánh Linh

- Khoa, phòng: Kiểm soát nhiễm khuẩn

- Số quyết định công nhận: 2730/QĐ-BVNĐ1 ngày 30/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Khung giá rửa được thiết kế dựa trên mẫu khung của nhà sản xuất máy rửa, đảm bảo phù hợp với máy, về chiều sâu, chiều rộng và chiều cao 836 x 694 x 415,5 mm, 4 bánh xe ở mỗi bên giúp nâng đều khung và tạo độ trượt đều trong quá trình tải nạp và lấy giá ra khỏi máy. Khung thiết kế đường ống để nước và hóa chất đi vào và phun ra trong quá trình rửa. Đầu ống được thiết kế khớp với đầu ra của máy rửa với đường kính là 40 mm. Đường ống đi vào trong các thanh cao của máy rửa đến tận đầu trên của thanh.

Các thanh cao 361,50 mm giúp gắn rửa bóng và dây gây mê, ở đầu thanh thiết kế nhỏ để giúp luồn dụng cụ vào dễ dàng hơn, trên thân của thanh có 2 lỗ ở mỗi vị trí (trên, giữa, dưới) để nước và hóa chất tiếp xúc trực tiếp với mặt bên trong bóng và dây. Đường kính 12 mm của thanh đủ để cố định dụng cụ và tạo khoảng hở để nước trong lòng bóng và dây chảy xuống sau khi được phun rửa. Các thanh được sắp xếp cách nhau 75 mm để tạo khoảng cách giữa các dụng cụ cũng như tận dụng được diện tích sử dụng của giá rửa. Giá được gắn 96 thanh cao, giúp gắn được tối đa 48 bóng giúp thở và 48 dây mê, chỉ cần 2 đến 3 chu trình rửa có thể hoàn thành số lượng bộ thế hàng ngày

Đạt được tiêu chuẩn về hiệu quả làm sạch của dụng cụ.

Đáp ứng được số lượng lớn về nhu cầu sử dụng thế gây mê của bệnh viện.

Ngoài để rửa thế gây mê, giá có thể dùng để rửa các dụng cụ hô hấp khác, như dây máy thở, bóng giúp thở trong cấp cứu …

Có thể công bố và áp dụng cho các cơ sở y tế khác, nơi có máy rửa nhưng vẫn đang làm sạch khử khuẩn bằng tay cho các dụng cụ có lòng ống này

7. Nâng cao chất lượng can thiệp Âm ngữ trị liệu tại khoa Vật lý trị liệu

- Chủ nhiệm: Trà Thanh Tâm

- Thành viên: Hoàng Văn Quyên, Trần Thị Minh Diễm, Nguyễn Thị Thu Hương

- Khoa, phòng: Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng

- Số quyết định công nhận: 2783/QĐ-BVNĐ1 ngày 30/10/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Xây dựng quy trình can thiệp NNTL chuẩn, sưu tầm từ nguồn có sẵn, sau đó lưu trữ ở hệ thống máy tính của khoa, tất cả nhân viên đều có thể tiếp cận và chia sẻ cho phụ huynh của các bệnh nhi

Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên NNTL có thể dựa trên hình thức báo cáo chính thức đối với những nội dung mới, nhiều thông tin cần được làm rõ. Đối với nội dung cũ, nhóm lựa chọn hình thức gửi tài liệu và yêu cầu các thành viên đọc trước và thảo luận vào những ngày hôm sau. Hình thức tập huấn còn có đóng vai, thảo luận nhóm với tình huống lâm sàng thự tế xảy ra trong lúc giám sát.

Thực hiện hoạt động giám sát bởi thành viên của nhóm, thành viên này đòi hỏi có kinh nghiệm lâm sàng để đảm bảo đánh giá khách quan khi giám sát các nhân viên khác. Người thu thập dữ liệu sẽ phản hồi cá nhân với nhân viên NNTL, thảo luận các bước đạt và chưa đạt, tùy điều kiện làm việc, thảo luận có thể ngay sau buổi làm việc kết thúc hoặc sau đó, nếu thảo luận sau đó thì người lấy mẫu cần ghi chú lại các thông tin cần góp ý để cho phản hồi đầy đủ, chính xác.

Đối với lỗi xảy ra ở nhiều nhân viên, thì sẽ có giao ban chuyên môn nhắc nhở cả nhóm, việc này đảm bảo nguyên tắc không nêu tên cá nhân sai lỗi.

Đối với lỗi tái phạm nhiều lần với mỗi cá nhân, chủ nhiệm đề tài làm việc riêng cá nhân, thảo luận và hỗ trợ cá nhân khắc phụ lỗi

Hoạt động CTCL đã giúp nhân viên NNTL làm việc hiệu quả với bệnh nhi và phụ huynh, đặc biệt trong lĩnh vực đặt mục tiêu thông minh để đo lường sự tiến bộ của trẻ và trao đổi kỹ năng huấn luyện phụ huynh các kỹ thuật can thiệp tại nhà. Điều này làm tăng chất lượng can thiệp và tăng hài lòng thân nhân bệnh nhi

Quy trình NNTL có thể được triển khai cụ thể trên bệnh nhi rối loạn phổ tự kỉ, rối loạn âm lời nói, Chẻ vòm, Khiếm thính, Rối loạn ngôn ngữ

8. Chuyển đổi số quá trình đánh giá chất lượng nội bộ trên nền tảng Google Cloud Platform

- Chủ nhiệm: Đỗ Văn Niệm

- Thành viên: Đoàn Phương Tuyết Nhung, Lê Thị Châu

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 3594/QĐ-BVNĐ1 ngày 25/12/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Sáng kiến gồm có 2 phần chính:

Phần 1: Sáng kiến về quá trình

Toàn bộ hoạt động trong quá trình đánh giá chất lượng nội bộ của 4 chuyên đề do phòng Quản lý chất lượng phụ trách (Tiêu chí chất lượng bệnh viện, phòng chống dịch, chuyên đề 2a và thực hành 5S) được chuyển đổi sang quá trình số; từ khâu phân công đánh giá viên (thời gian, phạm vi đánh giá); tổ chức đánh giá và nhập liệu thông tin bằng chứng, kết quả đánh giá; phân tích số liệu và phản hồi kết quả đánh giá theo thời gian thực trên ứng dụng Đánh giá chất lượng (App DGCL). Những điểm không phù hợp được phát hiện và đề xuất cũng được tổng hợp theo kỳ đánh giá, theo phạm vi để theo dõi hành động khắc phục và kiểm tra xác nhận trong kỳ đánh giá liền kề sau. Quá trình này được thiết lập phù hợp với yêu cầu của Thủ tục Đánh giá chất lượng nội bộ (P-HT-03).

Phần 2: Sáng kiến về sản phẩm

Ứng dụng giám sát Đánh giá chất lượng được tích hợp 4 mô đun thành phần gồm (a) Ứng dụng đánh giá theo Tiêu chí chất lượng bệnh viện, (b) Ứng dụng đánh giá chuyên đề 2a, (c) Ứng dụng đánh giá phòng chống dịch theo Quyết định 3088/QĐ-BYT và (d) Ứng dụng đánh giá thực hành tốt 5S mở rộng (tại bệnh viện Nhi đồng 1 thống nhất tên gọi là 8S).

Cấu trúc dữ liệu và quy trình thực hiện của 4 ứng dụng hoàn toàn khác nhau do mục đích, tiêu chuẩn và quy trình tiếp cận đánh giá không tương đồng. Mỗi mô đun được thiết kế phù hợp với chu kỳ đánh giá, yêu cầu chất lượng - chuẩn mực đánh giá của từng chuyên đề, quy mô thực hiện và phân cấp đánh giá (đánh giá toàn viện hoặc có phân cấp đến từng khoa, phòng; vùng làm việc hay các quá trình).

Ứng dụng giúp giảm thời gian nhập liệu về bằng không, kiểm soát chất lượng dữ liệu đánh giá nhờ tính năng “data validation” trên mẫu nhập liệu trên ứng dụng, nhờ đó đảm bảo tốt hơn chất lượng kết quả được phân tích sau đánh giá.

Kết quả đánh giá được tổng hợp “gần như tức thì” theo thời gian thực, giúp người dùng từ cấp khoa đến bệnh viện sớm nhận biết các không phù hợp và lập kế hoạch thực hiện hành động khắc phục.

Những yêu cầu dữ liệu để phân tích sâu hơn bằng R-markdown như trước đây vẫn có thể thực hiện một cách đơn giản bằng cách tải dữ liệu đánh giá có cấu trúc chuẩn hóa dưới định dạng Excel.

Điểm lượng giá người dùng lần 2 là 4,08 [thang 1-5]

Ứng dụng đã triển khai toàn viện (cho 47 khoa, phòng).

Các mô đun chuẩn hóa toàn ngành (TCCLBV, phòng chống dịch và 8S) có thể áp dụng ở tất cả các cơ sở y tế.

Mô đun chuyên đề 2a có thể mở rộng bằng cách điều chỉnh bảng chuẩn mực đánh giá của các quy trình theo đặc thù từng bệnh viện

9. Bước đầu chuyển đổi số quản lý hoạt động cải tiến - sáng kiến trên nền tảng Google Cloud Platform

- Chủ nhiệm: Đỗ Văn Niệm

- Thành viên: Đoàn Phương Tuyết Nhung, Lê Thị Trúc

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 3595/QĐ-BVNĐ1 ngày 25/12/2023

- Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Ứng dụng Quản lý cải tiến - sáng kiến gồm:

[i] Cơ sở dữ liệu được thiết lập trên Google Sheet với 12 bảng để quản lý thông tin chung của đề tài, các hồ sơ tài liệu liên quan đề tài, hoạt động của hội đồng thẩm định và nghiệm thu đề tài và các bảng chỉ mục

[ii] Giao diện của ứng dụng được thiết kế gồm trang chủ và 16 giao diện thành phần. Nhóm giao diện quản lý đề tài chính được thiết kế theo quy trình thực hiện (theo quy tắc KANBAN) từ Đăng ký, Thẩm định, Cho phép, Nghiệm thu và Công nhận; cùng với các giao diện phụ để quản lý các hoạt động liên quan như đăng ký kỳ họp hội đồng, quản lý các bảng chỉ mục, thông tin buổi họp hội đồng (biên bản kỳ họp).

[iii] Ứng dụng cũng thiết lập một mô đun đăng ký hoạt động cải tiến-sáng kiến, được tích hợp trên Cổng thông tin Quản lý chất lượng, giúp các khoa phòng có thể thực hiện đăng ký hồ sơ thực hiện thay cho việc gửi thư điện tử như trước đây nhằm đạt mục tiêu số hóa quy trình thủ tục hành chính trong thực hiện cải tiến-sáng kiến đạt cấp độ 4 tương tự như quản lý hành chính nhà nước.

[iv] Trên giao diện Cải tiến của hệ thống ứng dụng giám sát được tích hợp tính năng đăng ký và quản lý các đề tài sáng kiến cấp đơn vị, gắn liền với chương trình QA/QC

Ứng dụng đã chuyển đổi gần như toàn bộ hoạt động quản lý quá trình thực hiện sáng kiến-cải tiến chất lượng sang quá trình số. Đồng thời liên thông các ứng dụng trong hệ thống theo vị trí việc làm và công việc liên quan giữa Ứng dụng Quản lý Cải tiến chất lượng, Giám sát QTKT và Cổng thông tin quản lý chất lượng.

Toàn bộ hồ sơ thực hiện được quản lý theo quy tắc chung về quản lý hồ sơ của từng đề tài để cung cấp dịch vụ tra cứu trực tuyến cho các khoa, phòng thực hiện đề tài; đồng thời thực hiện công bố thông tin theo quy định của Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11-6-2014 Quy định việc thu thập, công bố, lưu giữ và công bố thông tin thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Điểm lượng giá nhóm người dùng chính 100% lượt trả lời từ mức 4 trở lên đối với cả 10 tiêu chí đánh giá

Ứng dụng đã triển khai tại bộ phận được phân công quản lý hoạt động cải tiến-sáng kiến (phòng Quản lý chất lượng) từ đầu năm 2022 ở mức cơ bản (khi chuyển đổi nền tảng thiết kế ứng dụng từ Access sang Google Cloud).

Ứng dụng được nâng cấp phiên bản 2.1 từ tháng 6-2023, tích hợp với Cổng thông tin Quản lý chất lượng từ tháng 10-2023, nhằm chuyển đổi bước đăng ký cải tiến sang quá trình số liên thông với phần còn lại để đạt chuẩn số hóa thủ tục hành chính cấp độ 4. Đồng thời thực hiện công bố danh sách đề tài thực hiện và cho phép xem hồ sơ cải tiến-sáng kiến theo khoa, phòng

10. Ứng dụng tích hợp hoạt động khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên tại bệnh viện Nhi đồng 1

- Chủ nhiệm: Lê Thị Châu

- Thành viên: Lê Thị Trúc, Lê Thị Thu Thuý

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 3593/QĐ-BVNĐ1 ngày 25/12/2023

Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Ứng dụng tích hợp tất cả các loại khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên, tích hợp ứng dụng CSQ8, PSQ8 đã xây dựng và triển khai từ năm 2021.

Ứng dụng có tính năng lọc xem theo khoa, tương tác xem các kỳ dữ liệu lịch sử thay vì trước đây báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh trên Dashboard chỉ xem xét được kỳ dữ liệu hiện hành

Duy trì hoạt động khảo sát HLNB trên biểu mẫu số

Sáng kiến dạng sản phẩm: ứng dụng tích hợp các hoạt động khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên tại bệnh viện.

Đạt điểm lượng giá 4,17 điểm. Ghi nhận được hơn 48 ý kiến góp ý điều chỉnh. Xây dựng được 1 ứng dụng dùng chung cho lãnh đạo khoa, điều dưỡng trưởng, thành viên mạng lưới QLCL-ATNB của 48 khoa phòng trong bệnh viện

Cải tiến áp dụng cho toàn bộ khoa phòng trong bệnh viện để xem xét kết quả khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên, có thể triển khai áp dụng cho các bệnh viện trong TPHCM

11. Góc giải trí - Vui như ở nhà

- Chủ nhiệm: Trương Hữu Khanh

- Thành viên: Nguyễn Thị Thuỳ Dương

- Khoa, phòng: Công tác xã hội

- Số quyết định công nhận: 3482/QĐ-BVNĐ1 ngày 18/12/2023

Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Đây là sáng kiến nhằm hỗ trợ nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhi thông qua hoạt động vui chơi và giải trí. Ý tưởng lắp đặt Góc giải trí – Vui như ở nhà xuất phát từ thực trạng nêu trên và triển khai thực hiện khi được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Nhóm đối tượng tham gia: tất cả bệnh nhi nội trú đang điều trị bệnh tại khuôn viên khu C của Bệnh viện Nhi đồng 1

Khu trò chơi được thiết kế với thảm cỏ xanh kết hợp với mái che tránh nắng, mưa giúp cho các bệnh nhi và thân nhân cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn. Đặc biệt, trong khu vực nội trú đã có một nơi vui chơi cho trẻ, các bé bệnh nhi được tự do vui chơi thoải mái mà không cần tốn một khoản chi phí nào.

Hoạt động “chơi cùng bé”: Tại khu vực bàn ghế cho trẻ vẽ tranh - tô màu, đọc truyện, NV CTXH sẽ cùng thân nhân hướng dẫn các bé tô màu, đọc truyện cho các bé bệnh nhi nghe, dạy bé viết chữ, thử sức “thi đua ghép hình” cùng bé, vv… Với không khí nhộn nhịp và gần gũi này, đây chính là những khoảnh khắc giúp cho nhân viên y tế – bệnh nhi – thân nhân được sát lại gần nhau hơn, họ dễ dàng chia sẻ và có cái nhìn thân thiện hơn với nhân viên y tế.

Tổ chức hoạt động Góc giải trí – Vui như ở nhà giúp bệnh nhi cảm nhận được môi trường bệnh viện gần gũi như ở nhà. Từ đó, bệnh nhi sẽ không còn lo sợ khi nhắc đến bệnh viện, mà lạc quan hơn về bệnh tật và làm quên đi những cơn đau về thể chất.

12. Tờ bướm "Mề đay"

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Kim Oanh

- Thành viên: Phạm Thị Ngọc Thy

- Khoa, phòng: Nội tổng quát 2 – Hô hấp

- Số quyết định công nhận: 3070/QĐ-BVNĐ1 ngày 24/11/2023

Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Xây dựng tờ bướm bệnh “Mề đay” nhằm Cung cấp thông tin cơ bản về mề đay cho thân nhânGiảm thời gian giải thích bệnhTăng tỷ lệ tái khám, tăng tuân thủ điều trịTăng hài lòng thân nhânTăng hiệu quả điều trị.

13. Nâng cao hiệu quả kéo Buck và bó bột chậu-đùi-bàn chân ở bệnh nhi

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Kim Hà

- Thành viên: Lâm Minh Chính, Ngô Đỗ Ngọc Thảo

- Khoa, phòng: Chấn thương – Chỉnh hình

- Số quyết định công nhận: 2724/QĐ-BVNĐ1 ngày 24/10/2023

Tóm tắt nội dung đề tài, sáng kiến:

Xây dựng tài liệu quy trình và bảng kiểm kỹ thuật kéo Buck và bó bột chậu - đùi - bàn chân với đầy đủ nội dung cần thiết như: mục tiệu, mục đích, chỉ định, chống chỉ định của kiểu kéo, các bước chuẩn bị, tiến hành, theo dõi bệnh nhân, lượng giá, đánh giá trước, trong và sau khi thực hiện kỹ thuật…

100% ĐD có kiến thức cơ bản về kỹ thuật kéo Buck.

100% ĐD đồng ý về tài liệu quy trình và bảng kiểm kèm theo, giúp thực hiện đúng trình tự các bước trong kỹ thuật; giúp giáo dục sức khoẻ cho thân nhân bệnh nhi; giúp lượng giá, đánh giá kỹ thuật → giúp ĐD sửa sai, rút kinh nghiệm cho lần sau.

100% ĐD hài lòng về quy trình kỹ thuật đã xây dựng.

(Vui lòng xem Quyết định tại mục Nhân viên / Văn bản pháp luật)

Ths.YTCC Lê Thị Trúc – Phòng Quản lý chất lượng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"