Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:5, 6/1/2023
1476 lượt đọc

Danh sách sáng kiến, cải tiến chất lượng đã nghiệm thu Quý 4/2022

Quý 4/2022, bệnh viện Nhi đồng 1 đã tổ chức 12 kì họp Hội đồng thẩm định và 19 kỳ họp Hội đồng nghiệm thu, có 18 đề tài sáng kiến, cải tiến chất lượng đã được nghiệm thu và công nhận trong quý 4, danh sách gồm:

1. Tờ hướng dẫn chăm sóc trẻ mở khí quản tại nhà

- Chủ nhiệm: Phú Quốc Việt

- Thành viên: Nguyễn Tuấn Như, Phan Thị Thúy Dung

- Khoa, phòng: Tai mũi họng

- Số quyết định công nhận: 1837/QĐ-BVNĐ1 ngày 12/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Mỗi năm, khoa Tai mũi họng thực hiện trung bình 30 ca mới mở khí quản, thay ống mở khí quản cho những bệnh nhân đã mở khí quản trước đó trung bình 15-20 ca và những bệnh nhi có mang ống mở khí quản xuất viện về nhà tự chăm sóc. Hiện việc hướng dẫn chăm sóc thực hiện bằng lời, chưa đầy đủ các thông tin cần thiết. 

Tờ hướng dẫn gồm: thông tin về bệnh nhi, ống mở khí quản đang đeo, ống hút đàm làm sạch lòng ống mở khí quản và dấu hiệu nguy hiểm cũng như những xử trí căn bản tại nhà.

Sau khi được phát tờ hướng dẫn, 100% thân nhân đã biết chăm sóc trẻ mở khí quản tại nhà. Không ca nào không biết cách xử trí cấp cứu khi bị rớt ống mở khí quản, có 1 trường hợp bị rớt ra ngoài, người nhà đã xử trí đúng và đặt lại được ống mở khí quản cho bệnh nhi.

Sản phẩm có ảnh hưởng đến các khoa có bệnh nhi đang mang ống mở khí quản như: Hô hấp, Nhiễm, Sơ sinh, khối hồi sức; các bệnh viện có bệnh nhi mở khí quản như: bệnh viện quận, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP, Tai mũi họng Tphcmđược đăng trên website bệnh viện ngày 11/7/2022 với đường link: https://nhidong.org.vn/cau-lac-bo-ba-me/cham-soc-benh-nhi-mo-khi-quan-tai-nha-c55-2401.aspx để mọi người tham khảo.

2. Quy trình tiếp nhận và phân phối người bệnh đến khám tại khoa Răng Hàm Mặt

- Chủ nhiệm: Hồ Vân Phụng

- Thành viên: Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Thanh Hùng, Trương Hữu Khanh, Đỗ Thị Minh Thư

- Khoa, phòng: Răng hàm mặt, Công tác xã hội, Công nghệ thông tin

- Số quyết định công nhận: 1838/QĐ-BVNĐ1 ngày 12/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Trước đây bệnh nhân đăng kí từ quầy tiếp nhận tập trung được phân vào chung 1 phòng khám của khoa Răng hàm mặt với chung 1 hệ thống số thứ tự, khi vào đến khoa, nhân viên khoa sẽ gọi tên vào từng phòng khám theo đúng chuyên khoa, bệnh nhân sẽ chờ đợi nhiều khâu, bác sĩ chưa chủ động nắm được lượng bệnh sẽ vào phòng khám mình phụ trách, không cân đối thời gian khám chữa bệnh giữa các bệnh nhi.

Cải tiến quy trình phân bệnh nhân từ quầy tiếp nhận thẳng vào từng phòng khám của khoa Răng Hàm Mặt, giảm khâu chờ đợi, tăng sự hài lòng của người bệnh, bác sĩ nắm bắt được lượng người bệnh đến khám tại phòng mình từ đó lên kế hoạch cân đối thời gian khám bệnh,

Kết quả của cải tiến: tổng thời gian khám chữa bệnh của người bệnh đến khám tại khoa ổn định, đảm bảo dưới 120 phút theo quy định của BYT, thời gian khám bệnh dài nhất là 315 phút và nhỏ nhất là 1,27, số lượt phản hồi tiêu cực về thời gian chờ khám trên kiosk DESAT giảm.

3. Tờ bướm hướng dẫn: Những điều cần biết về thiếu men G6PD ở trẻ em

- Chủ nhiệm: Mã Phương Hạnh

- Thành viên: Bùi Thị Bích Phượng, Phạm Văn Ngọc

- Khoa, phòng: Sốt xuất huyết

- Số quyết định công nhận: 1854/QĐ-BVNĐ1 ngày 14/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Hằng năm có gần 400 trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau khi có kết quả xét nghiệm thiếu men G6PD. Thân nhân chưa biết về bệnh cũng như các loại thực phẩm và thuốc có thể dùng hoặc cần tránh. Nhằm giảm thời gian tư vấn lặp lại: nhóm thiết kế tờ bướm “Những điều cần biết về thiếu men G6PD ở trẻ em”.

Tờ bướm được thiết kế trên khổ giấy A5, 2 mặt gấp đôi, có hình ảnh minh họa. Nội dung bao gồm: Thiếu men G6PD là gì, các yếu tố kích hoạt gây tán huyết ở trẻ thiếu G6PD, dấu hiệu và triệu chứng của trẻ bị thiếu men G6PD, các xét nghiệm cần thực hiện, điều trị thiếu men G6PD, dự phòng

Khi có hướng dẫn của tờ bướm: tỉ lệ thân nhân hiểu trả lời đúng về các yếu tố kích hoạt gây tán huyết, các triệu chứng và hướng điều trị cho trẻ thiếu men G6PD là 100%. Đối với nhân viên y tế, 100% hài lòng khi sử dụng tờ bướm về nội dung và hình thức

4. Câu lạc bộ Yoga Bệnh viện Nhi Đồng 1

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Rảnh

- Thành viên: Nguyễn Thị Nguyên Hoa, Trần Thị Vạn Hòa

- Khoa, phòng: Công đoàn bệnh viện

- Số quyết định công nhận: 1948/QĐ-BVNĐ1 ngày 28/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Hưởng ứng phong trào “Khỏe để lao động sản xuất” của Liên đoàn lao động TPHCM, đáp ứng tiêu chí B3.3 của Bộ tiêu chí chất lượng “cần có các hình thức, phương tiện nâng cao sức khỏe cho nhân viên”

Câu lạc bộ tạo được sân chơi lành mạnh bằng cách thiết kế khu vực, phòng tập xanh, mát, yên tĩnh tại tòa nhà mới xây dựng. Mỗi học viên tự trang bị dụng cụ tập. Giảng viên là điều dưỡng của bệnh viện đã có chứng chỉ đào tạo về Yoga

Kết quả lượng giá cho thấy: phù hợp độ tuổi và thời gian rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, tái tạo sức lao động chiếm tỷ lệ trên 90%.

Có 30 nhân viên tham gia và 15 khoa, phòng trong bệnh viện tập yoga để rèn luyện sức khỏe, hướng đến trong tương lai các học viên đã tham gia tập luyện sẽ trực tiếp huấn luyện lại cho nhân viên tại khoa, phòng đang công tác.

5. Phần mềm phân phòng khám răng hàm mặt rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh tại bệnh viện Nhi đồng 1

- Chủ nhiệm: Hồ Vân Phụng

- Thành viên: Trần Quang Minh

- Khoa, phòng: Răng Hàm Mặt, Công nghệ thông tin

- Số quyết định công nhận: 1949/QĐ-BVNĐ1 ngày 28/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Trước đây, người bệnh vào khám răng hàm mặt (RHM) được cấp 1 số thứ tự vào một phòng khám RHM, khi vào khoa sẽ phân lại vào từng phòng chuyên khoa, do đó thứ tự vào gặp BS có thể không đúng với số thứ tự đã nhận, gây mất thời gian chờ đợi khám

Các hoạt động cải tiến gồm: [1] Xây dựng bộ mã hóa phân người bệnh vào 6 phòng khám RHM; [2] Xây dựng ứng dụng phân bệnh vào từng phòng khám RHM có tính năng: phân theo loại bệnh, theo BHYT và dịch vụ; cấp số thứ tự đăng ký trực tiếp tại quầy và trực tuyến theo hẹn qua Medpro; hỗ trợ, gợi ý phòng khám cần phân vào cho người bệnh, chuyển phòng khám khi phân bệnh sai.

Giảm thời gian chờ khám, giảm số lượt phản ánh “Phục vụ kịp thời” xuống dưới 1 lượt/tuần, nhiều tuần không có lượt than phiền, giảm được 1 nhân sự phân bệnh, giảm tiếng ồn

Áp dụng tại khu khám BHYT, khu khám theo yêu cầu; Áp dụng cho khu nhà mới, phù hợp với quy trình phân bệnh chung của toàn viện.

6. Bộ thẻ rung đăng ký dịch vụ cho mẹ và bé

- Chủ nhiệm: Lê Trần Hải Yến

- Thành viên: Nguyễn Thị Ngọc Trắng, Hồ Thị Thanh Mai

- Khoa, phòng: Sơ sinh 2-Chuyển hóa-Di truyền

- Số quyết định công nhận: 1950/QĐ-BVNĐ1 ngày 28/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Khoa Sơ Sinh tắm bé mỗi sáng. Tuy nhiên thân nhân và nhân viên thường gặp vấn đề: không đem đủ vật dụng nên mất thời gian chờ đợi, thỉnh thoảng có tranh cãi khi bị chen hàng; nhân viên khó sắp xếp thứ tự hoặc bị than phiền vì để đợi lâu do quá đông bé lên chờ

Bộ thiết bị bằng nhựa PVC chống vỡ, chống nước, dùng pin sạc gồm: 1 chân cắm, bộ phát điều khiển trung tâm có nút bấm, 16 thẻ rung (có thể mua thêm tối đa 99 thẻ); có 3 chế độ: rung – nháy đèn – kêu beep; đường truyền ổn định, không bị nhiễu sóng trong 300m. Trên thẻ in decal màu dịch vụ của khoa, chi phí 1 bộ máy rung kèm 16 thẻ: 2,1 triệu, in decal màu 25.000 đồng

Tỉ lệ hài lòng của thân nhân và nhân viên đều > 80%; Giảm thời gian từ lúc thân nhân có mặt tại phòng tắm đến khi bé được tắm từ 20 phút xuống dưới 10 phút.

Hiện đã sử dụng tại khoa Sơ Sinh và Sơ Sinh 2-Chuyển hóa-Di truyền, có thể nhân rộng dịch vụ khác như massage cho bé, spa cho mẹ, thay kim bệnh phòng, làm thủ thuật, gọi nhân viên, ….

7. Khung treo săng mổ gắn thêm giá đỡ

- Chủ nhiệm: Hà Văn Lượng

- Thành viên: Nguyễn Ngọc Cường, Đinh Xuân Tuấn Toàn

- Khoa, phòng: Phẫu thuật Gây mê hồi sức

- Số quyết định công nhận: 1951/QĐ-BVNĐ1 ngày 28/10/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Hiện nhiều bàn mổ tại bệnh viện không còn khung treo mà phải sử dụng 2 cây treo dịch truyền để 2 bên bàn mổ để làm cây treo săng mổ.

[1] Khung treo bằng inox, chữ L, phần trên hình tròn, đường kính 1,5cm, dài 70cm, phần dưới gắn vào bàn mổ qua giá cố định, gắn khung vào bàn mổ theo hình L ngược. [2] Giá đỡ săng hình chữ nhật gồm 2 thanh ngang 45cmx2cmx3mm; 2 thanh dọc 2 bên 25cmx2cmx3mm; lòng trong gia cố bởi 3 thanh 25cmx1,4cmx3mm. [3] Cố định: phía trên giá đỡ tạo móc tròn móc vào phần trên khung, cố định bằng ốc vít, bên phải tạo móc chữ U, móc vào phần dưới khung. Vì cố định bằng móc và ốc vít nên gắn và tháo ra dễ dàng. Khung gắn cố định sẵn ở thành bên bàn mổ, sau khi dẫn đầu xong thì tiến hành gắn khung

Hiện chưa tìm được bàn mổ thương mại có sẵn khung treo săng, với chi phí 2.500.000 đồng do chính bác sỹ khoa Gây mê hồi sức thực hiện hiện là sản phẩm tốt nhất có thể để hỗ trợ cuộc mổ tim. Hiện sản phẩm sử dụng cho phòng mổ tim và có thể nhân rộng các phòng mổ khác. Khảo sát ý kiến nhân viên phòng mổ nhận được sự đánh giá rất tốt.

8. Ống nhựa giảm chiều dài lưỡi dao đốt

- Chủ nhiệm: Huỳnh Tô Hải

- Thành viên: Nguyễn Thị Hằng Nga, Nguyễn Ngọc Huỳnh Như

- Khoa, phòng: Phẫu thuật Gây mê hồi sức

- Số quyết định công nhận: 2043/QĐ-BVNĐ1 ngày 07/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Hơn 95% ca mổ tại bệnh viện đều sử dụng dao đốt điện cài đặt theo chế độ Monopolar hoặc Bipolar. Tuy nhiên, lưỡi dao đốt điện được cung cấp dài ≥ 3cm, rộng 3mm, dày 0,1mm, phần chiều dài còn lại của lưỡi dao đốt sẽ có bất lợi khi thao tác ở phẫu trường sâu, nhỏ, hẹp

Sáng kiến thực hiện qua 3 giai đoạn: [1] Khi mới thực hiện dùng ống hút đàm số 10 cắt 1 đoạn 2,5cm luồn vào lưỡi dao đốt cho PTV sử dụng ngay khi vào ca mổ (mỗi bệnh nhân 1 ống); [2] Dùng ống hút đàm số 8Fr cắt ra từng đoạn 2,5cm đóng gói tiệt trùng, khi phẫu thuật thì cho 1 đoạn luồn vào đầu đốt để sử dụng; [3] Đoạn ống hút đàm số 8Fr và lưỡi dao đốt điện sẽ được đóng gói và hấp chung trong cùng 1 bao 

Đạt hiệu quả cách điện tốt, thêm an toàn cho bệnh nhân khi sử dụng trong các phẫu trường nhỏ hẹp, nhiều mạch máu thần kinh.

Có thể nhân rộng và áp dụng cho tất cả các phẫu thuật có sử dụng lưỡi dao đốt điện Monopolar.

9. Xây dựng hệ thống quản lý dư phẩm và bao bì tiếp xúc trực tiếp thuốc gây nghiện – hướng thần – tiền chất tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

- Chủ nhiệm: Ngô Ngọc Quang Minh

- Thành viên: Nguyễn Thị Bích Nga, Võ Thành Trung

- Khoa, phòng: Dược, Công nghệ thông tin

- Số quyết định công nhận: 2044/QĐ-BVNĐ1 ngày 07/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Khoa Dược chỉ mới thu hồi bao bì trực tiếp của thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất (GNHTTC). Việc thu hồi ghi chép thủ công bằng sổ, chưa tiến hành thu hồi, tổng hợp thuốc thừa lẻ và bao bì trực tiếp báo cáo và xin phép Sở Y tế để tập hợp và lập Hội đồng hủy thuốc, lưu hồ sơ hủy, do đặc thù bệnh nhi thường không dùng hết một đơn vị tính nên lượng thuốc thừa lẻ mỗi ngày rất lớn

Điều chỉnh “Phiếu lĩnh thuốc GNHTTC” và xây dựng “Quy trình thu hồi thuốc GNHTTC tại Bệnh viện Nhi Đồng 1”

Vi tính hóa số liệu thống kê về dư phẩm thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp thuốc GNHTTC theo phần mềm quản lý bệnh viện; Triển khai hoạt động thu hồi dư phẩm thuốc GNHTTC; Tiến hành báo cáo Sở Y tế hủy dư phẩm và bao bì trực tiếp thuốc GNHTTC

Quản lý được trên hệ thống thuốc GNHTTC trả, hủy, kể cả thuốc thừa lẻ; Thực hiện đúng quy định về việc quản lý dư phẩm và bao bì tiếp xúc trực tiếp thuốc GNHTTC

Áp dụng thí điểm tại khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, nhân rộng cho tất cả các khoa lâm sàng/ đơn vị có sử dụng thuốc GNHTTC

10. Ứng dụng khảo sát trải nghiệm khách hàng DESAT

- Chủ nhiệm: Lê Thị Thu Thúy

- Thành viên: Nguyễn Lê Hoàng Việt

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng, Công nghệ thông tin

- Số quyết định công nhận: 2045/QĐ-BVNĐ1 ngày 07/11/2022

Tóm tắt nội dung đề tài:

Thực hiện Kế hoạch “Cải cách hành chính năm 2022” và Kế hoạch thí điểm chuyển đổi số hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện; duy trì và phát triển ứng dụng khảo sát ý kiến khách hàng theo tiêu chí A4.5-Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, đảm bảo yêu cầu dữ liệu phản hồi được theo dõi và xử lý “real time” mỗi ngày

Cấu trúc ứng dụng DESAT gồm 4 phần: [1] Database tại Google Sheet gồm 4 bảng chính; [2] Giao diện thiết kế app chính; [3] Giao diện người dùng tại Appsheet; [4] Giao diện khảo sát qua GoogleForm sau đăng nhập

Ứng dụng giúp cắt giảm chi phí cho các nguồn lực: người thực hiện phân tích, lập báo cáo của khoa (trung bình mỗi 30 phút/ngày/người/khoa); giải pháp mã QR sau đăng nhập giúp giảm chi phí lắp đặt Kiosk. Dữ liệu phản hồi & báo cáo được hiển thị real-time. 100% người dùng hài lòng sau khi trải nghiệm ứng dụng.

Ứng dụng đã triển khai tại các khoa: KKB (5A, khu C, YC2), RHM (6 phòng răng), Nhiễm-Thần kinh, Cấp cứu, Nội tổng quát 1, Tiêu hoá, có thể nhân rộng cho các bệnh viện hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác.

11. Ứng dụng khảo sát và phân tích báo cáo kết quả hài lòng người bệnh ngoại trú mẫu PSQ8 theo thời gian thực

- Chủ nhiệm: Lê Thị Châu

- Thành viên: Lê Thị Trúc, Đoàn Phương Tuyết Nhung

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 2183/QĐ-BVNĐ1 ngày 24/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Biểu mẫu khảo sát hài lòng người bệnh ngoại trú PSQ8 được thiết kế bằng Google form có giao diện bắt mắt hơn, chứa hình ảnh bệnh viện tạo niềm tin cho khách hàng cũng như giới thiệu về cơ sở vật chất mới đáp ứng nhu cầu người bệnh. Biểu mẫu dễ dàng thiết kế với giao diện hướng đến người dùng của Google

Ứng dụng QLCL_PSQ8 được thiết kế bằng Appsheet của Google có giao diện phù hợp, có chứa đầy đủ các thẻ điểm, cỡ mẫu và ý kiến chi tiết của TNNB.

Ứng dụng được cài đặt trên điện thoại phù hợp cho khảo sát viên theo dõi tiến độ và thực hiện phản hồi nhanh cho bộ phận liên quan để xem xét và khắc phục

Áp dụng tại khoa khám bệnh và phòng Quản lý chất lượng (bộ phận thực hiện khảo sát hài lòng).

12. Số hóa trong quản lý hoạt động giao, nhận dụng cụ sử dụng lại

- Chủ nhiệm: Đỗ Thị Phương Nga

- Thành viên: Nguyễn Minh Cương, Trần Thị Hồng Yến

- Khoa, phòng: Kiểm soát nhiễm khuẩn, Công nghệ thông tin

- Số quyết định công nhận: 2047/QĐ-BVNĐ1 ngày 07/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Các khoa lâm sàng gửi dụng cụ đã sử dụng xuống khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) khoảng hơn 500 loại. Khi giao nhận, các khoa và KSNK đều có 2 loại sổ riêng biệt để ghi nhận lại tên dụng cụ, số lượng, ngày giờ gửi

Sử dụng ngôn ngữ C#, framework winform.net để thiết kế chương trình. Phần mềm có thể đăng kí gửi và nhận dụng cụ. Tất cả dụng cụ được mã hóa thành mã chung, thống nhất tên theo đúng tên quốc tế để dễ quản lý, trích xuất thông tin dụng cụ từ phần mềm cũng nhanh và chính xác hơn cộng và nhập thủ công mỗi tháng.

Tiết kiệm thời gian ghi chép, biết trước được dụng cụ các khoa cần gửi, chủ động hơn trong công việc, thống kê số liệu nhanh, quản lý được các mặt dụng cụ và số lượng của từng khoa gửi. Khảo sát ý kiến của nhân viên khoa KSNK và các khoa lâm sàng đều nhận được phản hồi tích cực về hiệu quả của phần mềm

Phần mềm thí điểm tại 3 khoa Sốt xuất huyết, Sơ sinh, Hồi sức nhiễm và sau đó triển khai toàn viện.

13. Cải thiện tỉ lệ tuân thủ quy trình thông tin tư vấn cho người bệnh tại khoa Nội tổng quát 1 từ tháng 7/2022 đến tháng 10/2022

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thanh Liêm

- Thành viên: Nguyễn Ngọc Tuyền, Trần Hữu Minh Quân, Vũ Thị Kim Dung, Đoàn Phương Tuyết Nhung

- Khoa, phòng: Nội tổng quát 1, Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 2066/QĐ-BVNĐ1 ngày 08/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Từ tuần 13-25/2022, tỷ lệ tuân thủ thông tin tư vấn (TTTV) tại khoa Nội tổng quát 1 đạt 83,6% so với 87,5% của toàn viện. Số lượt thân nhân than phiền khoảng 20 lượt/tuần, trong đó có 80% than phiền về thông tin kết quả CLS

Hoạt động cải tiến: [1] xây dựng hướng dẫn bác sĩ TTTV về kết quả xét nghiệm ngay buổi chiều cùng ngày lấy mẫu; [2] Áp dụng nguyên tắc “Đèn giao thông” để phân biệt xét nghiệm chưa đọc kết quả (ô màu đỏ) – đã đọc nhưng chưa giải thích cho BN (ô vàng) – đã giải thích và sẵn sàng dán hồ sơ (ô xanh); [3] Tái tập huấn 7 quy trình TTTV của ĐD và tập trung các phần chưa tuân thủ theo số liệu thống kê, thiết kế bảng dán trước mỗi xe tiêm để thân nhân báo đúng thông tin đó khi đến tiêm hoặc phát thuốc tránh hỏi lại nhiều lần cùng 1 nội dung.

Sau cải tiến, tỉ lệ tuân thủ TTTV của ĐD tăng từ 20 lên 86,5%, của BS đạt trên 95%, số lượt phản hồi của thân nhân giảm về 1 lượt/tuần

Mô hình cải tiến có thể nhân rộng sang các khoa lâm sàng nội khác, hướng đến tăng tỉ lệ hài lòng của thân nhân, giảm căng thẳng cho nhân viên.

14. Cổng thông tin Quản lý chất lượng bệnh viện

- Chủ nhiệm: Đỗ Văn Niệm

- Thành viên: Đoàn Phương Tuyết Nhung, Lê Thị Thu Thúy

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 2102/QĐ-BVNĐ1 ngày 14/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Quá trình số hóa các hoạt động liên quan QLCL đã triển khai gần 10 năm. Nhiều ứng dụng thành phần đã được phát triển, một phần công việc đã được tự động hóa, nhưng chưa có tính kết nối. Nhóm phát triển Cổng thông tin đảm bảo tính kết nối theo nguyên lý “All in One” và chuyển đổi hoạt động các quá trình cốt lõi về QLCL thành quá trình số.

Cổng thông tin gồm 3 phần chính: (a) Ứng dụng lõi quản lý hoạt động của phòng QLCL từ hoạch định đến tổ chức thực hiện, theo dõi tiến độ và báo cáo kết quả, (b) Ứng dụng quản lý hồ sơ công việc có chức năng mở hồ sơ, thu thập văn bản, đóng hồ sơ, (c) Cho phép người dùng theo phân quyền vào các ứng dụng thành phần như giám sát chất lượng, đánh giá nội bộ, quản lý hoạt động sáng kiến - cải tiến, đào tạo và đào tạo trực tuyến về QLCL

Hiện có trên 120 hồ sơ công việc được lập trên Cổng thông tin, giúp [1] Chuyển đổi công việc QLCL từ truyền thống sang quá trình số, [2] Tích hợp quản lý hoạt động của nhân viên với chức năng mở hồ sơ công việc dạng số, [3] Cho phép người dùng xử lý công việc và theo dõi kết quả trên thiết bị di động

Cổng thông tin có thể chuyển giao cho phòng QLCL ở cơ sở y tế khác, cũng có thể sử dụng cho tất cả các phòng chức năng khác của bệnh viện do tương đồng về quá trình quản lý chung, trừ nội dung yêu cầu đảm bảo bí mật nhà nước

15. Tờ bướm “Các phương pháp điều trị thay thế thận”

- Chủ nhiệm: Lê Minh Cường

- Thành viên: Nguyễn Đức Quang, Lê Ngọc Lan

- Khoa, phòng: Thận-nội tiết

- Số quyết định công nhận: 2046/QĐ-BVNĐ1 ngày 07/11/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Tại khoa Thận – nội tiết, tỉ lệ trẻ được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn cuối ngày càng tăng, các kỹ thuật mới như lọc máu chu kỳ hay lọc màng bụng được đưa vào thực hiện tại khoa đặt ra thách thức không nhỏ trong việc chăm sóc, điều trị và thông tin tư vấn

Tờ bướm được thực hiện trên khổ A4, nội dung gồm giới thiệu các phương pháp điều trị thay thế thận ở trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối và ưu, nhược điểm của từng phương pháp.

100% nhân viên đánh giá nội dung tờ bướm ngắn gọn, súc tích, 100% bác sỹ cho rằng tờ bướm giúp tiết kiệm thời gian tư vấn, 92,6% nhân viên ghi nhận thân nhân nắm bắt thông tin nhanh chóng sau khi đọc tờ bướm, 100% bác sỹ nhận thấy thân nhân dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp điều trị, 90,2% nhân viên cho rằng hiệu quả công việc được nâng lên đáng kể.

Tờ bướm đã sử dụng rộng rãi tại phòng khám ngoại trú và khu điều trị nội trú khoa Thận-nội tiết. Đồng thời dự kiến nhân rộng tới các tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện vệ tinh

16. Giải pháp theo dõi kết quả hài lòng người bệnh nội trú (CSQ8m) theo thời gian thực

- Chủ nhiệm: Đoàn Phương Tuyết Nhung

- Thành viên: Lê Thị Châu, Lê Thị Trúc

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng

- Số quyết định công nhận: 2340/QĐ-BVNĐ1 ngày 12/12/2022

Tóm tắt nội dung đề tài:

Thiết kế ứng dụng theo dõi kết quả HLNB nội trú CSQ8m (App) trên nền tảng Google Cloud nhằm theo dõi kết quả khảo sát theo thời gian thực (real-time). Ứng dụng gồm các thẻ:

+ Lượt khảo sát: tất cả các lượt khảo sát sắp xếp theo khoa, lượt khảo sát có điểm trung bình dưới ngưỡng cảnh báo màu đỏ, khảo sát viên chỉ được nhập thông tin cột phỏng vấn sâu, các trường khác không được chỉnh sửa

+ Tiến độ: nếu chưa đạt cỡ mẫu theo kế hoạch sẽ cảnh báo hình “đua xe” để khảo sát viên đẩy nhanh tiến độ

+ Biểu đồ điểm: 8 biểu đồ điểm toàn viện và theo khoa

+ Bảng điểm chi tiết: điểm toàn viện và theo khoa hiển thị dạng bảng

Giúp từng khảo sát viên theo dõi được tiến độ và kết quả khảo sát của khoa mình phụ trách real-time (theo thời gian thực)

Tổ trưởng tổ khảo sát có thể báo cáo ngay lập tức tại mọi thời điểm về điểm số toàn viện và điểm từng khoa, các ý kiến của thân nhân từng khoa tại bất cứ thời điểm nào mà không cần chờ thời gian tải và xử lý dữ liệu

Điểm lượng giá người dùng đạt 4,17 [1-5]

Giải pháp hiện đã được sử dụng để thực hiện khảo sát tại 21 khoa lâm sàng có giường bệnh từ quý 3/2022

17. Ứng dụng số trong quản lý chất lượng bệnh viện – an toàn người bệnh

- Chủ nhiệm: Đỗ Văn Niệm

- Thành viên: Nguyễn Thanh Hùng, Đỗ Thị Minh Thư, Lê Thị Thanh Thuỷ, Đoàn Phương Tuyết Nhung

- Khoa, phòng: Quản lý chất lượng, Công nghệ thông tin, Kiểm soát nhiễm khuẩn

- Số quyết định công nhận: 2519/QĐ-BVNĐ1 ngày 30/12/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Đề án lần đầu triển khai ứng dụng chính thức nền tảng hỗ trợ thiết kế ứng dụng cho người chưa được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin tại bệnh viện Nhi đồng 1. Đây cũng là điểm khởi đầu của tiến trình phát triển ứng dụng số, triển khai quá trình số trong lĩnh vực quản lý chất lượng tại bệnh viện Nhi đồng 1.

Toàn bộ biểu mẫu giám sát quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn về an toàn người bệnh được chuẩn hóa cấu trúc và tích hợp vào 1 biểu mẫu duy nhất trên ứng dụng (trên 50 biểu mẫu được triển khai và đang tiếp tục mở rộng).

Các ứng dụng tiện lợi cho người dùng nhờ giảm thời gian tìm biểu mẫu (số lượng biểu mẫu đã có lớn, > 50), loại bỏ hoàn toàn các bước nhập liệu lặp lại nhờ ứng dụng nested form và tính năng tự điền, kiểm soát được mức độ hoàn thành cỡ mẫu theo kế hoạch được giao.

Tiếp cận phận tích và trình bày dữ liệu kiểu bảng điều khiển (dashboard) với biểu đồ tương tác, theo tiếp cận từ tổng quát (tỷ lệ tuân thủ chung) đến chi tiết (bước không tuân thủ), từ khuynh hướng chỉ số (control chart) đến xác định phạm vi ứu tiên can thiệp (Pareto). Chỉ số được phân tích tức thì theo thời gian thực để có thể nhanh chóng xác định vấn đề chất lượng và điều chỉnh.

Điểm hài lòng của người dùng đối với ứng dụng đền đạt mục tiêu > 3,5 [thang 1-5]. Thấp nhất là ứng dụng phát triển đầu tiên (giám sát VST): 4,10.

Có 10 ứng dụng đã triển khai. Trong đó Cổng thông tin quản lý chất lượng bệnh viện là ứng dụng lõi cho toàn bộ hoạt động của nhân viên phòng Quản lý chất lượng.

Các ứng dụng giám sát vệ sinh tay, giám sát quy trình kỹ thuật và giám sát độc lập, đánh giá chất lượng bệnh viện đã triển khai áp dụng toàn viện với quy mô dữ liệu đủ lớn để thử tải hệ thống ứng dụng. Trong đó có ứng dụng giám sát vệ sinh tay và quy trình kỹ thuật đã vượt mức 15.000 dòng dữ liệu giám sát chi tiết, trung bình 500-600 lượt giám sát/tuần.

Ứng dụng giám sát vệ sinh tay đã được giới thiệu tại Hội nghị Kiểm soát nhiễm khuẩn toàn quốc lần thứ nhất tại Đà Nẵng (tháng 6/2022). Toàn bộ chương trình can thiệp đã báo cáo chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn cải tiến chất lượng do bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức năm 2022 và Hội thảo QLCL-ATNB do Cục Quản lý KCB tổ chức tại Huế (ngày 30/11/2022).

Các ứng dụng này có thể nhân bản để chia sẻ cho các tài khoản Gmail khác có nhu cầu mà không cần phải điều chỉnh, vì nhóm thiết kế ban đầu đã định hướng phát triển sử dụng cho nhiều bệnh viện (đã xác thực dữ liệu theo từng bệnh viện theo mã bệnh viện thống nhất toàn quốc)

18. Nền tảng lưu trữ, công bố tài liệu, chỉ số chất lượng

- Chủ nhiệm: Đặng Hoàng Minh

- Thành viên: Đỗ Thị Minh Thư

- Khoa, phòng: Công nghệ thông tin

- Số quyết định công nhận: 2520/QĐ-BVNĐ1 ngày 30/12/2022

- Tóm tắt nội dung đề tài:

Đây là nền tảng cung cấp dịch vụ lưu trữ và công bố tài liệu trực tuyến có kiểm soát người dùng được thiết kế và triển khai lần đầu dành cho phòng Quản lý chất lượng

Nền tảng đã phân quyền cho người dùng (người tổ chức dạy học trực tuyến, người kiểm soát tài liệu hệ thống quản lý chất lượng) đăng và kiểm soát phiên bản tài liệu, bài giảng và báo cáo chỉ số chất lượng, chấp nhận nhiều định dạng như .pdf, .mp4, .html, các bài giảng e-learning đạt chuẩn SCORM.

Nền tảng cho phép cung cấp dịch vụ cho người dùng chung (public) và kiểm soát đăng nhập bằng tài khoản. Đối với nhóm tài liệu (bao gồm cả bài giảng) nhóm kiểm soát người dùng, nền tảng cho phép ghi nhận lịch sử đăng nhập và sử dụng của người dùng để kiểm soát tỷ lệ tiếp cận các tài liệu hệ thống (đối với nhóm người dùng quản lý bệnh viện) và kiểm soát thời gian học (đối với học viên tham gia khóa học bằng bài giảng e-learning).

Đối với bài giảng e-learning đạt chuẩn SCORM, nền tảng này cho phép cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến song song với nền tảng miễn phí đã áp dụng từ năm 2021 (lưu bài giảng trên Google Drive và xuất bản qua nền tảng Drive To Web), nhằm giải quyết vấn đề gián đoạn dịch vụ khi có sự cố kết nối Internet quốc tế.

Đã áp dụng toàn viện để triển khai chỉ số chất lượng trong chương trình QA/QC năm 2022 theo Kế hoạch số 71/KH-BVNĐ1 ngày 04/4/2022
Ths.YTCC Đoàn Phương Tuyết Nhung – P.QLCL
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"