Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:40, 15/10/2018
117 lượt đọc

Lưu luyến con người

Đi chùa, nghe giảng cuộc sống này là vô cùng ngắn ngủi, vô thường, thấy đó mất đó, đừng ích kỷ, tự ái, sân si với nhau làm gì. Cố thương yêu nhau khi từng giây phút đang có nhau. Bởi bất cứ lần nào cũng có thể là lần cuối. Vậy xin nói chuyện này.

Hắn lần dò các số trong danh bạ điện thoại để loại bớt những số ít dùng hay thậm chí không dùng đến nữa. Đến một số điện thoại rất lâu rồi không dùng và có dùng thì chẳng còn ai để trả lời. Hắn còn nhớ như in cái ngày gặp gỡ cuối cùng ấy là một buổi sáng đẹp trời. Những bông me rơi lả tả theo gió, rơi xuống hai cái ly café đá bên vệ đường. Người đồng nghiệp lớn tuổi hôm nay đi khám bệnh nhưng đông quá. Ông ta để sổ đó và chạy đến chổ làm để nhắn hắn ra hàn huyên. Con người ta có thể thay đổi mọi thứ và có thể biến những cái trong mơ trở thành hiện thực. Nhưng tuyệt nhiên không ai có thể biến từ già thành trẻ được, dù đó là ước mơ xưa nhất của con người, bất kể giàu nghèo. Cuộc sống về hưu là chuỗi ngày đối diện với bệnh tật, vấn đề sức khỏe suy giảm, lúc nhớ lúc quên.

- Mày vẫn khỏe chứ?

- Dạ, cũng ổn. Bác đi đâu ngang đây và có việc gì a?

- Tao đi khám bệnh định kỳ thôi. Tuổi già mà. Hôm nay đầu tuần, đông quá nên để sổ đó lát quay lại.

- Vậy đến lúc kêu tên mà không có thì sao?

- Nói vậy thôi chứ lâu lắm. Thấy mầy ổn cũng mừng.

Nếu ai đó có bắt gặp hắn và ông ta đi chung hay ngồi chung thì họ sẽ nghĩ rằng đó là hai cha con. Bởi vì tuổi tác của hắn và người đồng nghiệp có khoảng cách rất xa. Hắn chẳng biết cơ duyên nào mà hắn và ông ta thân thiết đến thế. Cũng có thể hắn trạc tuổi với con của ông ta nên ông ta đối xử như con cháu trong nhà. Nếu xét đến thâm niên trong cái bệnh viện này thì có lẽ ông ta đứng ở hàng thượng thừa. Nhưng điều đó không có gì đặc biệt hơn là cái giọng nói của ông ta. Khi ông ta cất giọng lên thì người nhà bệnh nhân tuốt trên lầu 3 cũng phải chạy ra lấy mấy cái đồ phơi phóng bừa bãi ở lan can mà lấy vào. Ông ta là loại người “ruột để ngoài da” nên chuyện tâm tư hay tình cảm cá nhân không thể nào giấu được qua vẻ mặt hay giọng nói. Ngoài công việc ở đây thì về nhà ông ta có nhiệm vụ mới. Nếu ai đó đã từng ăn bánh bao hiệu “ Ông già “ ngay góc chợ Phú Lâm thì hẳn đã biết ông ta như thế nào.

Ngay cái ngày đầu tiên lên tiếp nhận công việc mới, hắn được một chị hộ lý làm chung nhờ viết giùm lá đơn xin nghỉ phép. Ông ta nghĩ rằng hắn không quen vì công việc mới và có thể không hình dung được mình sẽ viết gì. Ông ta kêu hắn lấy giấy viết để ông ta đọc cho viết.

Cộng hòa Xã hội…..

Khoảng dăm ba phút trôi qua, không thấy ông ta đọc tiếp, nên hắn hỏi viết gì tiếp đây bác?  Chẳng biết ông ta nghĩ ngợi gì hay nhà có chuyện gì không vui nên ông ta tỏ ra thái độ bực bội. Ông ta cho rằng hắn có ăn có học mà viết không nổi một tờ đơn. Hắn cảm thấy khá sốc trước nhận xét như thế vì chính ông ta nói để đọc cho viết. Nếu để hắn viết thì đã xong lá đơn rồi. Hắn chỉ trả lời là do ông ta đọc nên đợi viết, chứ tự viết thì hỏi làm chi nữa. Điều đó cũng chỉ là nhỏ nhặt trong số va chạm trong công việc. Hôm sau, ông ta chủ động mời đi ăn cơm và nói lời xin lỗi vì cách cư xử không phải của mình. Hắn khá ngạc nhiên vì không nghĩ rằng ông ta lại hạ mình như thế. Một người đáng tuổi cha chú, mà biết lý lẽ đến thế khi phải nói lời xin lỗi thì đáng trân trọng rồi. Một thời gian dài gắn bó bên công việc, dần dần có lẽ cũng tìm được tiếng nói chung. Đi công tác ngoài hay đi giám sát trong khuôn viên bệnh viện thì lúc nào ông ta cũng kêu hắn đi theo để chỉ dẫn từng li, từng tí.

Hết việc chứ không hết giờ! Đó là suy nghĩ của hắn khi đó, nên có những hôm 8-9 giờ tối vẫn còn lọ mọ trong này cho xong việc. Lắm lúc đi ra ngoài để đăng kiểm xe khi sắp hết hạn thì 4, 5 giờ chưa về. Ông ta nhiều lúc gọi hắn xem ở đâu và hắn trả lời đang làm việc chưa xong. Ông ta chạy đến nơi để xem hắn có nói đúng không và thường là ghé mua bánh mì hay bánh bao để hỗ trợ cho hắn. Chẳng có tình cảm nào như thế khi làm việc cùng nhau. Đôi lúc hắn ngẫm nghĩ trong số mấy tỉ người trên trái đất này, tại sao mà lại quen biết nhau, làm việc cùng nhau và thậm chí quan tâm lẫn nhau. Có lẽ đó là tình người! Luyến lưu là thế. Tình cảm phải đáp trả bằng tình cảm.

Hình chỉ có tính minh họa

- Ê, mày biết tin gì chưa?

- Vụ gì? Hắn hỏi người bảo vệ khi mới vừa vào cổng.

- Ông làm chung với mày mới mất đấy!

- Giỡn chơi hoài cha nội. Ổng nghe được mày liệu hồn đấy!

- Thật mà! Ai đi nói xạo đâu.

- Không tin được. Mới hôm qua tui còn uống café với ông ta kia mà?

- Mất hồi đêm rồi!

Chẳng biết có nên tin vào cái tin đó hay không. Nhưng rõ ràng là không ai lại đi lấy chuyện sống chết ra mà đùa được. Lý do gì? Vì sao chết? Chết gì như giỡn chơi thế? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay quanh trong đầu vì quá bất ngờ. Mới hôm qua còn thấy đó, ngồi café hàn huyên đó nhưng giờ đã không còn hiện hữu trên cõi đời này. Dù sao cũng tốt phần số cho ông ấy. Sự ra đi thanh thản không còn luyến tiếc gì ở cõi đời này. Căn bệnh nhồi máu cơ tim là nguyên nhân đưa ông ta trở về đất mẹ nhanh nhất. Cái số điện thoại vẫn để đấy như bao lần kiểm tra để xóa bớt. Một “ tình bạn “ đã từng có và đã từng gắn bó với nhiều kỉ niệm. Luyến lưu để làm chi? Để nhắc nhở rằng mình đã từng có mối quan hệ với nhau trong cõi đời này. Nổi nóng ư? Tranh cải ư? Chẳng để làm gì khi đã ra đi về bên kia thế giới. Chỉ còn những khoảnh khắc này, giây phút này mới là hiện hữu. Hãy tặng cho nhau những gì mình coi là yêu quý nhất.

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"