Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:18, 1/10/2019
52 lượt đọc

Đừng lo lắng

Trong khi tôi đang đi trình ký giấy tờ, thì từ đằng xa trông thấy một anh đồng nghiệp cũng tay xách thùng đồ nghề, đi bảo trì trang thiết bị. Như lẽ thường chúng tôi hay chào nhau mỗi khi gặp mặt, bằng những câu bông đùa cho vui vẻ. Đó cũng là một phép lịch sự tối thiểu giữa đồng nghiệp với nhau. Dù anh ta không phải là bác sĩ nhưng tôi vẫn hay gọi đùa anh là bác sĩ. Đối tượng phục vụ của anh là những chiếc xe nôi hay từng cái bóng đèn chiếu vàng da cho trẻ sơ sinh.

- Bác sĩ Tình vẫn khỏe chứ?

- Cám ơn anh. Tôi cũng không khỏe lắm.

- Sao vậy? Có vấn đề gì ah?

- Tôi sợ về hưu xong cũng giống mấy ông trong phòng của anh quá. Hiii

Chỉ còn một năm nữa thì anh cũng đến tuổi phải về hưu, nên chuyện lo lắng thì ít nhiều cũng có chút suy tư. Tôi cứ nghĩ anh lo về chuyện tiền nong vì có thay đổi trong cách chi trả theo quý hay chuyện vấn đề về sức khỏe của anh. Nhưng đó chỉ là cách nói cho vui vẻ, chứ chuyện sinh, lão, bệnh, tử, thì có mấy ai mà tránh khỏi. Điều quan trọng là tôi nói với anh hãy dốc lòng mà “chăm sóc” cho cái nôi, cái máy giúp thở hay thậm chí vô nhớt cho mấy cái bánh xe mỗi khi kéo nó cứ kêu két két trong lúc di chuyển bệnh nhân. Mỗi người có một phần việc, dù là công tác hậu cần nhưng cũng phải chu toàn cho tốt. Người đồng nghiệp đó hay tôi đâu phải chưa từng thấy chiếc băng ca phủ tấm drap, lướt ngang qua khu nhà Đại thể. Hãy làm thật tốt công việc dù nó giản đơn nhất và khi không còn phục vụ nữa, đâu phải bận tâm làm gì. Biết rằng công việc giản đơn đó, để hoàn thành đôi khi cũng không dễ dàng gì như tôi đã từng xử lý.

Tiếng chuông điện thoại đổ dài hồi, tôi nhanh chóng bắt máy lên. Tiếng người trực tổng đài báo thang máy khu AB bị sự cố kẹt lại và cửa không tự mở ra được. Tôi nghe xong và gọi xuống Tổ thợ để báo cho nhân viên trực nhằm khắc phục. Có lẽ mọi người đi làm việc trên các khoa nên không thấy hồi âm, tôi vội vã chạy nhanh xuống kiếm người trực thang máy để mở cửa. Hai người cùng chạy ngược lên thang máy khu AB, một người tra chìa khóa vào cái lỗ nằm chếch lên trên cánh cửa, một người cố đẩy ngược cửa ra nhằm để giải phóng những người mắc kẹt trong buồng thang máy. Tiếng la hét, tiếng chửi rủa cứ vang lên từng hồi. Một sự cố không ai mong muốn nhưng khi mở được cánh cửa ra, không một lời cảm ơn. Chỉ tòan những lời lẽ khó nghe và cả sự văng tục, miệt thị. Số người trong buồng thang quá nhiều nên vượt xa tải trọng và họ càng hoảng loạn thì sự mất kiểm soát là đương nhiên. Lẽ ra họ bình tĩnh, đẩy cái cửa trên nóc thang cho thoáng khí và đừng vào quá số lượng người ghi trên vách thì sự việc đâu có sự cố như thế. Và một điều nữa, tuổi thọ của thang máy có lẽ còn lớn hơn tuổi đời của họ.

Người phụ trách thang máy, thấy không thể nào chịu được những lời lẽ đó nên đã âm thầm đi chổ khác. Còn lại mỗi mình, tôi cố giải thích cho họ và mong rằng họ hãy bĩnh tĩnh vì sự cố đã được giải quyết. Biết nói sao để họ hiểu trong khi ý thức của họ quá kém. Nếu họ chịu khó đợi lượt sau sẽ đi hay họ chờ dăm ba phút thì họ không đủ kiên nhẫn để chờ. Những lúc cửa thang đã khép nhưng có người còn cố tình chận cửa lại để chờ người từ đằng xa đang tiến về thang máy. Tôi cảm nhận được những giọt mồ hôi trên thái dương mình chảy dài xuống khuôn mặt và hơi thở trở nên nặng nhọc vì chạy ngược chạy xuôi để giải quyết sự cố. Không một sự thấu cảm, chỉ đầy tiếng miệt thị. Biết làm sao để cho tròn công việc dù nó giản đơn như thế. Trong khi tiếng ồn ào bên ngoài có lẽ Giám đốc bệnh viện nghe được, nên ông vội vã bước ra khỏi phòng để xem sự việc gì đang diễn ra. Thấy tôi đứng đó và ông cũng nghe sơ qua sự việc nên cũng nắm được vấn đề vừa xảy ra. Ông ta quan sát đám đông lũ lượt bước ra khỏi buồng thang gần 15 hay 16 người lớn với tay xách, nách mang theo đồ. Giám đốc khuyên tôi về phòng, mọi việc nơi đây để ông giải quyết. Tôi xin phép ông rồi quay về phòng để làm tiếp công việc của mình.

Mỗi người mỗi phần việc, đâu ai có thể đánh giá việc của người này quan trọng hơn người kia. Nếu năm sau, “bác sĩ Tình” có về hưu đi nữa thì chuyện phục vụ những đối tượng đó sẽ có người khác đảm trách. Khi nhắc lại chuyện cũ thì người ta sẽ dành những lời khen cho công việc mà mình đã hết lòng phục vụ vì nó. Đừng quá lo lắng! Tận tâm hết sức mình vì công việc mình phụ trách sẽ làm cho mình cảm thấy vui hơn. Làm sao có thể đo được giá trị hay tình cảm của một đứa trẻ qua cơn thập tử nhất sinh. Làm thể nào có thể cảm nhận được niềm vui, khi tách một khối u ra khỏi cơ thể đứa trẻ khi chưa tròn tháng. Đề làm được điều đó thì trang thiết bị phải phục vụ tốt, công tác hậu cần phải chu toàn. Tôi hay anh đồng nghiệp kia cũng chỉ là một cá nhân trong một tập thể. Khi đã miệt mài đóng góp cho một tập thể vững mạnh này thì hãy vui vẻ mĩm cười, nếu một mai không còn phục vụ nơi này nữa. Hãy để lại lời khen dành cho nhau, khi người còn ở lại nhớ đến tình cảm tốt đẹp của mình, đã đóng góp công sức phục vụ nơi đây.

Dù chỉ là lướt qua trong vô số cuộc gặp gỡ trong công việc thường nhật, tôi cũng cảm thấy thật tràn đầy năng lượng tích cực hiện trên khuôn mặt của mỗi người. Mỗi người mỗi phần việc và làm sao để những đứa trẻ không phải quấy khóc khi bước vào đây. Tiếng miệt thị vì sự cố không còn nữa hay sự suy tư không đáng có của “bác sĩ” sắp về hưu khi đã đến tuổi nghỉ ngơi. Hãy biến nơi đây là địa chỉ tin cậy để người nhà của bệnh nhân khi hữu sự nhớ đến với nhiều tình cảm yêu mến nhất.

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"