Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 15:52, 20/3/2020
373 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 74 - Chuyên đề Bệnh lý Tai mũi họng Nhi

Nghe kém, mất thính lực, viêm tai giữa, móp vành tai là những bệnh lý liên quan đến tai mũi họng. Để hiểu biết hơn về những bệnh này BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài – Chuyên khoa Tai Mũi Họng Nhi sẽ trả lời một số thắc mắc của phụ huynh về bệnh lý này.

BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài - Chuyên khoa Tai mũi họng

Câu hỏi của phụ huynh Đ.M.Q nhà ở Gia Lai: Con tôi hiện đi khám tai mũi họng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Phát hiện bị điếc, tai phải 110db tai trái >110db. Nay biết Bệnh viện Nhi Đồng 1 có chữa trị nên tôi muốn xin hỏi về cách chữa, cũng như toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị. Chân thành cảm ơn Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trả lời: Chào quý phụ huynh, Trung tâm thính học của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thành lập nhiều năm, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thực hiện đầy đủ các nghiệm pháp thính học từ tầm soát, chẩn đoán đến can thiệp phục hồi sức nghe cho trẻ bằng máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai. Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực âm ngữ trị liệu cho trẻ nghe kém.

Trong trường hợp này, cháu bé được chẩn đoán mất thính lực đến 110dB tai phải, >110dB tai trái có nghĩa là cháu bé bị điếc sâu 2 tai. Để có kế hoạch can thiệp cho bé cần thêm nhiều thông tin về lứa tuổi, tình trạng tâm thần vận động, tình trạng sức khoẻ chung: tim mạch, gan, thận, hình ảnh học của cơ quan thính giác, não bộ, các nghiệm pháp thính học bổ sung, …Vì vậy, phụ huynh cần mang đầy đủ giấy tờ liên quan tình trạng của bé đến khám tại phòng A2 của Bệnh viện Nhi Đồng 1, giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 6 để được các chuyên gia thính học tư vấn cụ thể.

--

Câu hỏi của phụ huynh Đ.T.H.A nhà ở Đống Đa, Hà Nội: Chào bác sĩ! Cháu nhà tôi được 4 tuổi, có biểu hiện ho nhiều, sốt cao, đau tai, đau đầu, nghe kém đi. Tôi đã cho đi khám ở Viện nhi, kết quả bị viêm tai giữa. Bác sĩ kê đơn thuốc uống cho về nhà điều trị. Sau 2 ngày uống thuốc cháu đã hạ sốt và ăn tốt hơn 1 chút. Nhưng thính lực của cháu vẫn kém, bình thường ở khoảng cách 2m tôi gọi cháu vẫn không nghe rõ. Xin hỏi bác sĩ như vậy có bị làm sao ko ạ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ!

Trả lời: Chào chị, Theo thông tin chị cung cấp, cháu bé 4 tuổi, sau đợt ho, sốt, đau đầu, đau tai, nghe kém tai trái và đã được chẩn đoán viêm tai giữa ở Viện nhi thì nhiều khả năng tình trạng nghe kém đó chính là do viêm tai giữa gây ra. Viêm tai giữa có thể gây ứ dịch trong tai và làm cho khả năng dẫn truyền âm thanh bị giảm, dẫn đến nghe kém.

Ngoài nguyên nhân gây nghe kém do viêm tai giữa ứ dịch còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây nghe kém như: bít tắc ống tai ngoài, điếc đột ngột,…Chính vì thế, để có kết quả chẩn đoán chính xác: có nghe kém không, nghe kém mức độ nào, một tai hay hai tai, nguyên nhân từ đâu,.. Bác sĩ cần thăm khám trực tiếp và thực hiện các nghiệm pháp thính học, chẩn đoán hình ảnh thì mới có câu trả lời chính xác và tư vấn cho chị về cách điều trị hiệu quả được. Thân chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh P.T.N.M nhà ở Quảng Trị: bác sĩ cho em hỏi tại sao con em sinh lại bi một tai móp ít, còn tai còn lại là bị móp nhiều có phải lúc sinh nên mới bị vậy ko bác sĩ?

Trả lời: Chào chị, Không rõ bé nhà chị bao nhiêu tuổi? Vành tai móp là như thế nào? Nhiều ít mức độ ra sao? Nên bác sĩ không thể trả lời rõ được.

Nhưng về giải phẫu, vành tai của người có phần khung được tạo nên từ sụn và bao bộc bên ngoài bằng da. Nên, nếu vành tai có hình dạng không bình thường có thể là do bẩm sinh, sụn vành tai của các bé bị khiếm khuyết về độ dày hoặc về độ rộng. Nếu quá bất thường ảnh hưởng đến thẩm mỹ có thể được xem xét chỉ định phẫu thuật tạo hình lại vành tai vào thời điểm thích hợp nhầm cải thiện thẩm mỹ cho tai. Tuy nhiên, quan trọng hơn, gia đình nên quan tâm đến việc tầm soát sức nghe cho trẻ để bé có điều kiện phát triển ngôn ngữ phù hợp lứa tuổi.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.T nhà ở Lagi Bình Thuận: con em được 27 tháng rồi mà bé chỉ biết ê a chưa biết nói và cũng chưa nghe được. Dù bé đã nhận thức được mọi thứ. Em lo bé bị điếc?

Trả lời: Chào anh, Về khả năng phát triển ngôn ngữa,

   - 13-15 tháng trẻ đã nói được từ đơn: ba,ba, má, má,..

   - 25-36 tháng biết sử dụng câu ngắn

Con anh nay đã 27 tháng vẫn chỉ mới ê, a là bé chậm phát triển ngôn ngữ. Nguyên nhân chậm phát triển ngôn ngữ thì rất nhiều, nhưng nguyên nhân hàng đầu là do nghe kém. Cùng với việc anh ghi nhận bé chưa nghe được thì khả năng cháu có vấn đề về sức nghe rất cao. Anh cần sớm đưa cháu đến các trung tâm thính học, đặc biệt thính học nhi để được chẩn đoán đúng, đủ và can thiệp kịp thời nhé. Vì nếu được chẩn đoán càng sớm thì khả năng điều trị đạt hiệu càng cao.

Nói thêm rằng, ở các nước phát triển, việc tầm soát nghe kém được thực hiện cho mọi trẻ được sinh ra, chứ không cần đợi đến lúc có bất thường về phát triển ngôn ngữ mới làm nhé.

--

Câu hỏi của phụ huynh T.H nhà ở Quận Bình Tân, Hồ Chí Minh: Chào Bác sĩ! Em có một bé trai đã được 10 tháng tuổi ạ, vì là lần đầu làm Mẹ nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết các biểu hiện ở trẻ, như thế nào là bình thường hay như thế nào là ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ ạ! Khoảng 1 tháng nay, em hay thấy bé cứ đưa bàn tay lên và đập vào tai của mình, càng nói bé càng vỗ và đập, trong khi hàng ngày em vẫn vệ sinh vành tai cho bé sạch sẽ mỗi khi tắm, và xe xe bông ráy tai sơ sơ 1-2 lần/ tuần. Bác sĩ cho em hỏi bé như vậy là đang nghịch hay có vấn đề gì về sức khoẻ đối với tai của bé không ạ?! Mong nhận được giải đáp sớm nhất từ Bác sĩ, em cám ơn ạ!!

Trả lời: Chào chị, Các thiên thần bé nhỏ của chúng ta có rất nhiều điều lạ, đặc biệt với người lần đầu làm mẹ. Ở đây có 2 vấn đề:

   - Một là, chị giữ vệ sinh vành tai, ống tai ngoài cho bé là điều nên làm. Tuy nhiên, vì ống tai ngoài của các bé rất nhỏ và bị cong nên phụ huynh thường rất khó có thể làn vệ sinh sạch sẽ hoàn toàn cho bé.

   - Hai là, bé hay đập vào tai có thể bé bị ngứa tai do ráy tai hay do viêm tai giữa,…

Nên, chị nếu tình trạng đập vào tai của bé xảy ra thường xuyên chị nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ Tai Mũi Họng khám chẩn đoán chính xác vấn đề của bé. Ngoài ra, cháu cũng nên tầm soát sức nghe nếu chưa bao giờ được tầm soát trước đó.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.N.H: Chào bác sĩ, con em sinh non lúc 30 tuần được 1kg, bé nằm ở khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 được 2 tháng và về nhà, nay mỗi tháng đi tái khám bệnh tim bẩm sinh, bé thở oxy giờ mũi bị mất vách ngăn, cụp vào trong nay đang ra từ từ nhưng mất vách ngăn, nay bé được 5 tháng và 4kg, ở bệnh viện có chỉnh hình làm lại vách ngăn cho bé được không ạ!

Trả lời: Chào chị, Đầu tiên là chúc mừng gia đình và bé vì sinh non, rất nhẹ cân mà đã phát triển tốt. Về vách ngăn, tình trạng thở oxy kéo dài, gây tì đè lên phần tiền đình mũi vốn rất mỏng manh của các bé sinh non, gây khuyết mất chất, ảnh hưởng thẩm mỹ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố phải cân nhắc cho việc tạo hình lại vách ngăn cho trẻ như: dùng sụn của trẻ để tạo hình, khuôn mặt trẻ còn phát triển, thời gian gây mê kéo dài, có khi phải thực hiện nhiều lần, kết quả không đảm bảo sẽ đẹp tự nhiên,…nên hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chưa tạo hình tiền đình mũi cho trẻ để giải quyết vấn đề thẩm mỹ.

--

Câu hỏi của phụ huynh M nhà ở Bình Dương: chào bác sĩ, con gái tôi được 1 tuổi, tầm 2 tháng trở lại đây cổ cháu có 1 nhọt đã đi thoát mũ nhưng cứ tái phát nhiều lần, lúc mới sinh ra chổ nhọt này nó là 1 vùng cứng dưới da, nay phát ra ngoài và có mủ, cho tôi hỏi có cách chữa trị nào triệt đễ, đễ cháu không tái phát lại không ạ, xin cảm ơn.

Trả lời: Chào anh, Theo mô tả của anh, cháu bé có một nhọt bị áp-xe và đã được thoát mủ nhiều lần nhưng vẫn tái phát. Không rõ là cháu bé được chẩn đoán cụ thể là bệnh gì? nhọt? hạch? dò khe mang? được can thiệp dẫn lưu áp-xe ở đâu? Và các bác sĩ có kế hoạch mổ tiếp theo cho bé hay chưa?

Còn cần thêm rất nhiều thông tin để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh cho bé và có kế hoạch điều trị dứt điểm. Vì vậy, anh nên đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khám và xử trí phù hợp nhé.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"