Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 13:33, 12/6/2018
17 lượt đọc

Các tác động không tốt của xem truyền hình quá nhiều ở trẻ nhỏ

Một số phụ huynh bổng nhiên phát hiện và đưa trẻ đi khám vì những hành vi bất thường của con mình: hiếu động, bạo lực, thức giấc nửa đêm, hành vi kích động. Khi được hỏi về thói quen sinh hoạt của trẻ, cha mẹ thường cho biết trẻ được xem truyền hình từ vài tháng tuổi, nhất là phần quảng cáo. Có cha mẹ sử dụng truyền hình để làm cho trẻ chịu ăn. Khi trẻ biết đi, biết chạy thì cha mẹ dùng truyền hình để trẻ ngồi yên, cha mẹ có thời gian làm công việc khác. Tương tự, trẻ cũng được xem truyền hình tại nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo để cô giáo có thể làm việc khác.

 

Chúng ta cần lưu ý, khi trẻ đến lứa tuổi mẫu giáo, việc làm quen với chữ cái, các từ đơn giản, những con số và với âm nhạc trong các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi không thể thay thế việc đọc hoặc chơi và giao tiếp để trao đổi, hướng dẫn của người lớn đối với trẻ. Mặt khác, trẻ có thể dễ dàng chịu tác động từ xem truyền hình ở những hoàn cảnh sau:

- Trẻ xem truyền hình nhiều sẽ ít vận động thể chất, dễ tăng cân dẫn đến tình trạng béo phì. Trẻ cũng chậm phát triển khả năng giao tiếp, thích ứng với môi trường xung quanh.

- Trẻ tập trung nhìn màn hình trong thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

- Một số phim hoạt hình có những cảnh đấm đá, giết hại nhau với tần suất khoảng 20 lần/giờ sẽ làm cho trẻ dể dẫn đến những hành vi bạo lực như đánh, đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè.

- Khi cha mẹ không để ý quan sát theo dõi, trẻ vô tình bấm vào các kênh dành cho người lớn có những hình ảnh gợi ra và gây dấu ấn lên trẻ về các hành vi, thói quen có hại như dùng rượu bia, thuốc lá và thậm chí khơi dục.

- Với những hình ảnh quảng cáo thực phẩm, trẻ có khuynh hướng cho rằng những thực phẩm được quảng cáo tốt cho sức khỏe và không chịu dùng bữa ăn của mình nếu không được dùng các thực phẩm đó, nhất là các thức ăn nhanh, nước uống có đường.

Vậy chúng ta nên làm gì:

- Đừng xem truyền hình là phương tiện thay thế cho cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ.

- Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem truyền hình. Đối với trẻ lớn hơn 2 tuổi, thời gian xem truyền hình tối đa không quá 1-2 giờ/ngày,

- Cần chọn lọc chương trình truyền hình phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Phải tắt truyền hình khi đã hết chương trình dành cho trẻ nhỏ.

- Luôn theo dõi, quan sát đừng để trẻ bấm chuyển kênh có nội dung không dành cho trẻ. Nên nhớ ngay phim hoạt hình cũng có thể tác hại cho trẻ nếu trẻ thấy những cảnh bạo lực trong phim.

- Giúp trẻ phát triển tinh thần bằng những sinh hoạt bổ ích, xây dựng như đọc sách cho trẻ nghe, kể truyện, vận động ngoài trời, tô màu, chơi với bạn cùng tuổi các trò chơi như nấu ăn, lắp ráp ...

- Nên cùng xem quảng cáo với trẻ và giải thích cho trẻ hiểu những thực phẩm nào có lợi, giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh.
BS Lê Minh Thượng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"