Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 15:52, 18/12/2020
1033 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 99 - Chuyên đề Thận – Nội tiết

Nhiễm trùng tiểu ở trẻ em đứng hàng thứ 3 sau nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng tiêu hoá với nguyên nhân là do sự phát triển của vi trùng trong hệ thống đường tiết niệu của trẻ (thận, niệu quản, bàng quang hay niệu đạo). Nhiễm trùng tiểu có thể không có triệu chứng hoặc trẻ khó chịu với những biểu hiện rất đa dạng như sốt, tiểu lắt nhắt, tiêu chảy, … Bé gái thường dễ mắc hơn bé trai với tần suất xảy ra khoảng 5% trẻ em gái và 1-2% ở trẻ em trai. Với những chia sẻ của BSCK2 Nguyễn Đức Quang - Trưởng khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ giúp cho các bậc Phụ huynh giải đáp một số thắc mắc liên quan đến bệnh về thận nhằm nâng cao khả năng chăm sóc, theo dõi của cha mẹ.

BSCK2 Nguyễn Đức Quang - Trưởng khoa Thận - Nội tiết

Câu hỏi của Phụ huynh C.V.D nhà ở Bình Định: Chào Bác sĩ! Con gái tôi hay tiểu lắt nhắt, đi khám xét nghiệm nước tiểu có Leu-trace, pH=6. BS cho uống thuốc sau 1 tuần sau xét nghiệm lại thì Leu=neg, ph=8; Bác sĩ nói vẫn còn nhiễn trùng cho uống 1 tuần nữa thuốc khác. Vậy có đúng không thưa Bác sĩ?

Trả lời: Xin chào anh, theo thông tin anh cung cấp, bé nhà mình có tình trạng tiểu lắt nhắt, có thể hiểu là tình trạng tăng số lần đi tiểu trong ngày, tuy nhiên chúng tôi không rõ bé đã bị tình trạng này bao lâu, tính chất nước tiểu nước thế nào và có bất thường gì trong quá trình bài xuất nước tiểu hay không (tiểu đau, tiểu rát, tiểu gấp, tiểu không tự chủ,…)? Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tiểu lắt nhắt trong đó nhiễm trùng đường tiểu cũng là một trong số đó. Theo kết quả xét nghiệm nước tiểu như trên nhiều khả năng hiện bé không còn tình trạng nhiễm trùng, nếu tình trạng tiểu lắt nhắt vẫn còn thì anh có thể đưa bé tới phòng khám thận của bệnh viện Nhi Đồng 1 để được đánh giá kỹ hơn và tầm soát một số nguyên nhân khác. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của Phụ huynh B.T.H nhà ở Bến Tre: Chào Bác sĩ! Cho em hỏi: Lúc em mang thai con em 36 tuần thì bệnh viện Từ Dũ chẩn đoán bé bị giãn bể thận nhẹ không nghiêm trọng, Bác Sĩ ở Từ Dũ bảo e sanh bé được 1 tháng thì đi Nhi Đồng khám. Nhưng có 1 Bác Sĩ làm ở Nhi Đồng 2 về gần nhà e mở phòng khám thì bảo em 6 tháng mới đi khám được vì bé nhỏ không siêu âm được. Bác Sĩ cho e hỏi trẻ bao nhiêu tháng đi khám thận được và bao nhiêu tháng siêu âm được ạ. Em cảm ơn Bác Sĩ ạ!

Trả lời: Xin chào chị. Cám ơn chị đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, chị thân mến, giãn bể thận là một tình trạng cũng khá phổ biến trong thai kỳ, với tỷ lệ khoảng 0,5 – 1 %, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể giãn thoáng qua, bệnh lý tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu,…và các bé thường được khuyên nên kiểm tra lại sau sinh. Chị có thể đưa bé tới bệnh viện Nhi Đồng 1 để được siêu âm kiểm tra, thời gian sớm nhất có thể thực hiện siêu âm là 1 – 2 tuần tuổi (thường sau 4 ngày tuổi). Tùy theo mức độ giản bể thận trên siêu âm sau sanh, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm khác hoặc có kế hoạch tái khám để theo dõi cho trẻ. Trân trọng!

--

Câu hỏi của Phụ huynh P.P.H nhà ở Thủ Đức: Chào Bác sĩ! Bé nhà em năm nay 6 tuổi, bé đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, có lúc bị són tiểu, ban đêm không biết dậy đi tiểu mà vẫn phải đóng bỉm. Bác sĩ làm ơn cho em hỏi bệnh tình của cháu và cách chữa trị ạ. Cảm ơn Bác sĩ.

Trả lời: Xin chào anh/ chị, một trẻ bình thường có khả năng kiểm soát việc đi tiểu ban ngày vào khoảng 4 tuổi và kiểm soát việc đi tiểu cả ngày và đêm khoảng 5-7 tuổi. Trường hợp của bé nhà mình ngoài thông tin về số lần đi tiểu, anh/chị nên ghi nhận thêm một số thông tin như: tình trạng này kéo dài bao lâu, có giai đoạn nào tự kiểm soát đi tiểu trước đây chưa, có bất thường gì về tính chất nước tiểu và quá trình bài xuất nước tiểu không, lượng nước tiểu, lượng nước uống, thói quen đi tiêu,… Các biểu hiện như anh/chị mô tả có thể là biểu hiện của Rối loạn đi tiểu chức năng hoặc Bàng quang thần kinh. Cần đưa bé tới phòng khám thận Bệnh viện Nhi Đồng 1, cung cấp cho bác sỹ những thông tin trên, thăm khám trực tiếp và làm các xét nghiệm cần thiết để có chẩn đoán xác định và điều trị phù hợp cho bé. Trân trọng!

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK2 Nguyễn Đức Quang
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"