Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:23, 14/12/2020
536 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 98 - Chuyên đề Nhi khoa tổng quát

Sự phát triển của trẻ là một quá trình đa dạng và liên tục, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong cách nuôi dưỡng và chăm sóc. Trong sự phát triển của trẻ sẽ gặp nhiều yếu tố tác động gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe gây trở ngại không nhỏ trong tiến trình phát triển của bé sau này. Để hiểu rõ và sâu thêm các vấn đề bệnh lý trẻ em và có những biện pháp phòng ngừa là cả một quá trình. Chuyên mục trả lời câu hỏi thường gặp kỳ này BS Phan Võ Hạnh Nguyên – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát sẽ trả lời thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề liên quan đến vấn đề sức khỏe ở trẻ em

BS Phan Võ Hạnh Nguyên - Bác sĩ chuyên khoa Nhi tổng quát

Câu hỏi của phụ huynh Đ.A.H nhà ở Đồng Nai: Chào bác sĩ con em 15 tháng tuổi bé bị sốt đi khám bác sĩ chẩn đoán viêm họng cấp J02, ngày hôm nay thì ko còn sốt nữa nhưng bé lại bị nổi mụn trong lòng bàn tay và chân thì chưa nổi gì hết chỉ nổi mụn nhỏ màu đỏ ở cánh tay bé chảy nước bọt nhiều và ăn ít bác sĩ cho em hỏi là bé nhà e có phải bị tay chân miệng ko ạ?

Trả lời: Xin chào bạn. Theo như mô tả của phụ huynh thì nhiều khả năng bé đang bị bệnh Tay chân miệng. Các nguyên tắc quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng là phát hiện sớm, theo dõi sát để nhận diện các dấu hiệu chuyển độ của bệnh bao gồm sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên và không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực, giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần, run chi, yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường, nôn ói nhiều, quấy khóc, co giật, thở mệt… Trẻ khi đã được xác định bệnh TCM phải được cách ly đúng cách ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát để hạn chế sự lây nhiễm. Giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường xung quanh tốt cho trẻ bệnh, tuân thủ vệ sinh tay khi chăm sóc trẻ sẽ giúp trẻ mau lành bệnh. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời và tư vấn biện pháp cách ly, chăm sóc hợp lý nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh T.S nhà ở Tiền Giang: Bé đã được khám ở bệnh viện và kết quả là trào ngược dạ dày thực quản. Đã uống thuốc bổ sung D3, canxi nhưng tối đến bé không ngủ, bú xong là bé khóc. Khi đến 12h đêm vẫn chưa chịu ngủ, ngủ hay giật và vặn mình. Bác sĩ cho em hỏi làm sao để cải thiện hơn cho bé ngủ ngon giấc ạ?

Trả lời: Xin chào Chị. Giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như do bé đã ngủ quá nhiều vào ban ngày; do bé quá no hay quá đói; do một số yếu tố môi trường như tiếng ồn, nhiệt độ quá nóng hoặc phòng quá sáng, do tã ướt, giường chiếu, quần áo không sạch làm cho trẻ có cảm giác khó chịu, do trẻ thiếu một số vi chất hoặc cũng có thể do trẻ đang bị ốm… Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một nguyên nhân khiến trẻ dễ thức giấc vào ban đêm. Cha mẹ nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám tổng quát nhằm mục đích xác định hay loại trừ các nguyên nhân bệnh lý, thiếu vi chất và được hướng dẫn về cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.M.P nhà ở Bình Chánh: Xin chào bác sĩ. Con em nay được 2 tháng 21 ngày khi trẻ thức nằm chơi có khi nghe trẻ thở như bị nghẹt mũi (khi nghe khi không), ngủ thì không nghe nghẹt mũi ạ. Em có vệ sinh mũi trẻ bằng nước muối sinh lý nhưng không thấy hết ạ.

Trả lời: Xin chào Chị. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, do đặc điểm đường thở còn tương đối hẹp và không cố định nên khi thở có thể gây ra một chút âm thanh nhỏ, nghe như tiếng khò khè, hoặc có thể do cơ thắt dưới thực quản chưa phát triển hoàn chỉnh nên gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, biểu hiện bằng trớ sữa hay nôn trớ, ọc sữa hoặc có thể chỉ khò khè đơn thuần. Để cải thiện tình trạng này mẹ cần chú ý giữ ấm cho bé, luôn cho bé nằm đầu cao khoảng 30 độ khi bú và cả sau khi bú, bế bé ở tư thế đứng ít nhất 20 phút sau bú và cho bé ợ, không cho bé bú quá no cũng như nên chia nhỏ các cữ bú hơn. Vệ sinh mũi cho bé nhiều lần trong ngày bằng nước muối sinh lý là cần thiết. Nếu mẹ đã áp dụng các biện pháp trên mà bé vẫn còn khò khè, hoặc khò khè gây ra tình trạng khó thở, ọc sữa nặng hơn, mẹ cần đưa bé đi khám Bác sĩ chuyên khoa Nhi để tầm soát các bệnh lý khác đi kèm, hoặc để được dùng thuốc hỗ trợ chống trào ngược nếu cần thiết nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh T.T.H nhà ở Thái bình: Cháu chào bác sỹ, cháu có băn khoăn mong muốn được các bác tư vấn. Em bé nhà cháu được gần 8 tuần tuổi. Cháu có đốm trắng trên lưỡi, trong hai bên má, lợi và môi. Cháu có dùng tư lưỡi NYS được tháng nay mà cứ hết lại xuất hiện lại. Bác sỹ xem giúp cháu xem có phải nấm hay cặn sữa ạ.

Trả lời: Xin chào Chị. Theo mô tả của Chị rất có khả năng bé đang bị nấm miệng. Tình trạng này rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi do hệ miễn dịch của cơ thể còn yếu, biểu hiện đầu tiên bằng việc xuất hiện những mảng trắng hình tròn, nhỏ gồ lên bên trong lưỡi, vòm họng, má hoặc môi. Những đốm trắng này rất khó làm sạch và khi cạo bỏ những đốm này sẽ thấy bên trong miệng xuất hiện nhiều nốt đỏ. Bệnh nấm miệng thường lành tính và không dễ lây. Tuy nhiên, nếu để kéo dài đôi khi sẽ khiến trẻ khó chịu, biếng ăn hay quấy khóc khi bú vì đau. Để phòng ngừa tình trạng này cần thường xuyên rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để khoang miệng, lưỡi luôn sạch sẽ, tránh sự phát triển quá mức của vi khuẩn và nấm cũng như cần vệ sinh các dụng cụ núm ti cao su, đồ dùng ăn uống, đồ chơi của trẻ... Nấm miệng rất dễ tái nhiễm, do đó khi thấy bé có các dấu hiệu của nhiễm nấm trong khoang miệng thì mẹ nên đưa trẻ đi khám Bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám, tư vấn và điều trị dứt điểm nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh L.Đ.B.B nhà ở Bình Dương: Bác sĩ ơi cho em hỏi, con em hiện tại là 7 tháng rưỡi ạ. Mà em thấy mấy hôm gần đây con hay bị đóng váng trắng nhiều trong miệng. Cả thành bên trong má và đóng dày ở cả phần lưỡi gà. Em hoang mang quá không biết con em có bị bệnh gì nặng không ạ.

Trả lời: Xin chào bạn, trường hợp con bạn nhiều khả năng bé đang bị nấm miệng – một bệnh rất thường gặp và thường tái đi tái lại ở trẻ trong độ tuổi bú mẹ do một số nguyên nhân như hệ thống miễn dịch còn chưa trưởng thành, do mẹ bị nhiễm nấm vùng đầu vú, do việc vệ sinh các dụng cụ chăm sóc trẻ chưa tốt hoặc cũng có thể do bé vừa mới sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm mạnh… Nấm miệng thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ cũng như ít lây lan ra các bộ phận khác nhưng nếu để kéo dài không điều trị sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ, khiến trẻ khó chịu, chảy nước miếng hay quấy khóc vì đau. Bác sĩ khuyên bạn nên đưa cháu đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được tư vấn và điều trị nhé. Trân trọng!

--

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BS Phan Võ Hạnh Nguyên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"