Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 21:32, 30/11/2020
287 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 96 - Chuyên đề Nhi khoa tổng quát

Sự phát triển của trẻ là một quá trình đa dạng và liên tục, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong cách nuôi dưỡng và chăm sóc. Trong sự phát triển của trẻ sẽ gặp nhiều yếu tố tác động gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe gây trở ngại không nhỏ trong tiến trình phát triển của bé sau này. Để hiểu rõ và sâu thêm các vấn đề bệnh lý trẻ em và có những biện pháp phòng ngừa là cả một quá trình. Chuyên mục trả lời câu hỏi thường gặp kỳ này BS Phan Võ Hạnh Nguyên – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát sẽ trả lời thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề liên quan đến vấn đề sức khỏe ở trẻ em.

BS Phan Võ Hạnh Nguyên - Chuyên khoa Nhi tổng quát

Câu hỏi của phu huynh K.D: Con tôi được khoảng 11 tuần tuổi, ở An Giang. Cách đây hơn tuần Cháu thở khò khè, khám BS tư chuẩn đoán viêm hô hấp, nay có dấu hiệu viêm tiểu phế quản. Xin tư vấn là muốn đưa Cháu đến khám theo yêu cầu 2 ở quí bệnh viện thì găp BS nào, và hình thức hẹn ra sao? Chân thành cám ơn!

Trả lời: Xin chào Chị! Phòng khám theo yêu cầu 2 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 là nơi các trưởng/phó khoa và các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Bệnh viện tham gia hoạt động khám bệnh ngoại trú. Để đăng ký khám theo yêu cầu 2 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, quý phụ huynh có thể gọi đến số tổng đài 1900 7289 hoặc đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến tại đường link https://nhidong1.medpro.com.vn/. Tại Quầy tiếp nhận. Khi đưa cháu đến khám bệnh quý phụ huynh có thể gửi xe và ra vào tại cổng số 2 của Bệnh viện, số 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10 TP. HCM. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh H.C.V: Bác cho em hỏi, em có bé gái được 4th, bé hay bi chảy nước miếng rất nhiều, ko có triệu chứng sốt, cho hỏi đây có phải là bệnh lý gì ko Bác? Em cám ơn.

Trả lời: Xin chào Chị! Chảy nước miếng (nước dãi, nước bọt) là hiện tượng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra liên tục từ lúc sơ sinh cho đến khi trẻ được 18-24 tháng tuổi và có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý như viêm loét miệng, bệnh tay chân miệng, một số bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết… Trẻ dưới 3 tháng thường phụ huynh hiếm khi thấy chảy nước dãi vì thời điểm này bé luôn được đặt tư thế nằm ngửa. Giai đoạn từ 3- 4 tháng tuổi là giai đoạn tuyến nước bọt phát triển và hoàn thiện nên lượng nước bọt tiết ra cũng tăng lên, tuy nhiên chức năng nuốt nước bọt chưa hoàn thiện, khoang miệng còn nông, động tác ngậm miệng và nuốt còn chưa phối hợp chặt chẽ nên sẽ có hiện tượng chảy dãi. Việc tiết nước bọt là có lợi cho việc làm sạch vùng miệng và quá trình tiêu hóa của trẻ, giúp làm dịu thực quản khi bị kích thích và trung hòa axit trong dạ dày của trẻ. Vì thế, nếu trẻ dưới 2 tuổi có thường xuyên chảy dãi mà không kèm bất thường nào khác bố mẹ cũng không cần lo lắng quá nhiều, nên cho trẻ đeo yếm dãi, thường xuyên thay yếm và lau miệng cho bé, đồng thời vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách để hạn chế các tác động do việc chảy nước dãi gây ra. Trong trường hợp bé chảy nước dãi nhiều kèm theo các triệu chứng như sốt, quấy khóc, bỏ bú, thở mệt hoặc bất kỳ triệu chứng nào khiến cha mẹ lo lắng thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám và loại trừ các nguyên nhân bệnh lý nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.T.H nhà ở Bắc Ninh: Dạ em chào bác sĩ ạ, con gái em năm nay được 3 tuổi, cháu bị nổi hạch sau gáy 2 bên lúc cháu 16 tháng bây giờ cháu được 3 tuổi mà hạch 2 bên vẫn còn, cháu ăn ngủ và chơi vẫn bình thường ạ, vậy em muốn hỏi bác sĩ là hạch nổi như vậy có ảnh hưởng gì không ạ? Mặc dù hiện tại cháu ăn ngủ và chơi bình thường ạ, gia đình em xin trân thành cảm ơn bác sĩ ạ.

Trả lời: Xin chào Chị! Ở trẻ em hạch bạch huyết đa số là lành tính, chúng có ở rất nhiều nơi trong cơ thể và hoạt động như một hàng rào bắt giữ các tác nhân lạ xâm nhập. Hạch bạch huyết sưng lên khi có tình trạng viêm nhiễm và sẽ trở về bình thường sau 2-4 tuần khi tình trạng viêm nhiễm được khống chế chứ không biến mất hoàn toàn. Nếu bé bị viêm nhiễm nhiều lần, có thể hạch sẽ không nhỏ lại được nữa mà trở thành hạch viêm mạn. Khi đó, dù bé không ho, không sốt, không có triệu chứng bất thường nào khác thì cha mẹ vẫn sờ thấy các hạch này như Chị đã mô tả. Những trường hợp này nếu hạch không quá to (thường dưới 2cm), bé vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường và tăng cân đều thì không cần điều trị gì đặc hiệu.

Anh/Chị có thể yên tâm theo dõi thêm, không nên sờ nắn nhiều các hạch vì có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của hạch, gây khó chịu cho bé và cũng gây lo lắng cho cha mẹ. Một tỷ lệ rất thấp các trường hợp nổi hạch là do các nguyên nhân khác và cần được thăm khám cũng như thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán. Nếu hạch của bé không có các tính chất của hạch bạch huyết thông thường như trên và cha mẹ có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của con thì Chị có thể đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được kiểm tra và tư vấn hướng xử trí phù hợp cho con nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.P.H nhà ở Vũng Tàu: Bác Sĩ cho em hỏi con em bị nổi hạch sau tại sờ vào thì cháu đau và em sờ và thấy nổi lên 2 cục ko to lắm. Cháu vẫn ăn uống và Lên kg bình thường cháu năm nay 9 tuổi cân nặng hơn 30kg ạ.

Trả lời: Xin chào Chị! Hạch sau tai sưng lên có thể là do bé đang trong tình trạng viêm hô hấp trên, viêm họng, viêm tai, viêm da vùng đầu cổ, hoặc cũng có thể do dị ứng, vết côn trùng cắn... Nếu hạch có kích thước nhỏ (dưới 2cm), mềm, di động, không đau nhiều và bé không có bất kỳ triệu chứng nào khác thì có thể theo dõi chờ hạch trở về bình thường sau vài tuần khi tình trạng viêm nhiễm hồi phục. Nếu sờ vào vùng sau tai cháu đau nhiều hoặc kèm các triệu chứng khác như sốt, ho, đau họng, đau đầu, chảy mủ tai… thì cần đưa cháu đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và xử trí phù hợp. Đối với trẻ 9 tuổi thì cân nặng 30 kg là bình thường, phụ huynh nên chú ý tạo cho trẻ một chế độ dinh dưỡng tốt, hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi và tiêm chủng đầy đủ để tăng sức đề kháng, phòng tránh được các bệnh nhiễm trùng thông thường cho con nhé. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.A.N nhà ở Hà Nội: Bác sĩ cho em hỏi với ạ. Bé nhà em được khoảng 7 tháng tuổi. Em có cho bé ăn dặm rồi ạ. Nhưng hôm nay cho bé tự gặm dứa, gặm 1 lúc thì bé nuốt phải 1 ít khiến bé bị oẹ mấy cái nhưng không có nôn ra gì cả. Sau đó cũng cho bé uống nước thì bé vẫn nuốt bình thường ạ. Bác sĩ cho em hỏi có sợ bé bị hóc không ạ? Nhỡ bé nuốt phải xơ dứa thì có bị mắc ở họng không ạ ?

Trả lời: Xin chào Chị! Trường hợp con Chị sau khi ăn dứa thì bị ọe nhưng sau đó vẫn uống nước được và sinh hoạt bình thường thì có thể chưa nghĩ đến hóc dị vật, vì trẻ bị hóc dị vật sẽ có các biểu hiện như ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể kèm theo hoảng loạn, kích động. Do trong quả dứa có một số chất gây kích ứng niêm mạc mạnh nên khi trẻ ăn xong miệng và họng trẻ dễ cảm thấy ngứa rát, khó chịu và dẫn đến phản xạ nôn của trẻ. Nếu tình trạng này chỉ thoáng qua và không gây bất kỳ triệu chứng hay khó chịu nào sau đó thì cha/mẹ có thể yên tâm theo dõi, chăm sóc trẻ như bình thường. Mẹ nên lưu ý không cho bé ăn dứa khi đói, không cho bé ăn dứa xanh, dứa bị giập úng và tốt nhất nên hấp cách thủy hoặc nấu chín trước khi cho ăn trong giai đoạn bé còn đang ăn dặm để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trân trọng!

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.K.H nhà ở Nghệ An: Cho em hỏi bác sĩ là con em bị mọc mụt ở đầu nhưng không có mủ nhưng lại đỏ rồi nhô lên ạ. Hôm nay lại mọc thêm một mụt nữa không đỏ nhưng sờ vào lại cứ trườn đi trườn lại bé có bị gì không ạ Bác Sĩ.

Trả lời: Xin chào Chị! Bé bị nổi mụn trên da đầu có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm da, nhọt da, chốc, kén bã đậu hoặc do vết côn trùng cắn… Bác sĩ khuyên Chị nên đưa cháu đến khám tại các khoa Nhi hoặc Bệnh viện Nhi Đồng 1 để bác sĩ thăm khám chính xác và điều trị phù hợp cho cháu nhé. Trân trọng!

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BS Phan Võ Hạnh Nguyên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"