Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 13:42, 9/4/2021
3420 lượt đọc

Đau khớp hàm ở trẻ em

Hầu hết mọi người đều một vài lần trong đời bị đau nhức hoặc căng cứng ở hàm. Thông thường, những triệu chứng này sẽ biến mất trong vòng vài ngày và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng khi cơn đau kéo dài, ngày càng tăng, đau dữ dội đến mức khó nhai, cười và thậm chí thở,...có thể trẻ đã phát triển chứng rối loạn khớp thái dương hàm và cần phải điều trị.

Hình minh họa hoạt động của lồi cầu đĩa khớp trong quá trình há, ngậm

Khớp thái dương hàm là khớp nối hàm dưới với hộp sọ. Có thể nhận ra khớp thái dương hàm bằng cách đặt ngón tay trực tiếp trước tai và làm động tác mở miệng. 

Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau đầu, cổ, hàm, mặt; khó chịu khi nhai hoặc cắn, tạo ra âm thanh ‘bốp’ hoặc ‘tách’ khi há ngậm miệng; và đôi khi gây trật khớp hồi phục hoặc không hồi phục. Rối loạn nầy ảnh hưởng đến trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ lớn, đặc biệt là trẻ gái.

Nguyên nhân

Thường không rõ nguyên nhân nhưng nhiều vấn đề có thể góp phần vào như:

- Nghiến răng: nghiến hàm hoặc nghiến răng có thể làm rối loạn khớp thái dương hàm dễ xảy ra hơn. Khớp thái dương hàm làm việc quá mức có thể dẫn đến đĩa đệm trong khớp bị mòn hoặc di chuyển ra khỏi vị trí. Nghiến và siết chặt cũng có thể làm thay đổi khớp cắn và có thể ảnh hưởng đến các cơ dùng để nhai.
Đôi khi mọi người thậm chí không nhận ra rằng mình đang siết chặt hoặc nghiến răng và thậm chí có thể làm điều đó trong khi ngủ.

- Căng thẳng: có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng rối loạn khớp thông qua việc trẻ phản ứng bằng hành vi nghiến răng, nghiến chặt hàm hoặc siết chặt cơ hàm.

- Rối loạn khớp thái dương hàm cũng phổ biến hơn ở những người có các vấn đề về răng miệng khác (như sai khớp cắn), các vấn đề về khớp (như viêm khớp), các vấn đề về cơ hoặc tiền sử chấn thương ở hàm hoặc mặt.

Dấu hiệu và triệu chứng

- Phổ biến nhất là đau cơ mặt, khớp hàm, xung quanh tai, cổ và vai. Đau khi nói, nhai, hoặc ngáp; một số ít có thể có co thắt cơ.

- Âm thanh bốp, lách cách hoặc nghiến răng khi há và hoặc ngậm miệng (một số trẻ nghe thấy những tiếng động này nhưng không có các triệu chứng khác và có thể không cần điều trị).

- Khó nhai hoặc cắn

- Nhức đầu, chóng mặt, đau tai, giảm thính lực và ù tai (ù tai)

- Bán trật khớp và trật khớp

Khi nào đến gặp bác sĩ Răng Hàm Mặt

Nếu con bạn có các triệu chứng trên hãy đưa trẻ đi khám bệnh. Rối loạn khớp thái dương hàm được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì càng tốt.

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám cho con bạn và có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh (như chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI) để xác nhận rối loạn khớp thái dương hàm.

Nếu con bạn không há miệng được hoặc không ngậm miệng được hãy đến gặp bác sĩ Răng Hàm Mặt để được cấp cứu kịp thời.

Điều trị

- Đối với một số trẻ điều trị có thể đơn giản như để hàm nghỉ ngơi trong vài ngày.

- Cho trẻ ăn thức ăn mềm và đảm bảo trẻ tránh bất kỳ thói quen nào có thể làm nặng thêm khớp thái dương hàm hoặc cơ mặt (chẳng hạn như nhai kẹo cao su, nghiến chặt răng, hoặc há to miệng khi ngáp).
- Chườm đá hoặc chườm nóng vào một bên mặt để giúp trẻ dễ chịu hơn.

-  Trẻ bị trật khớp sẽ cần phải chỉnh trật khớp

- Nếu đau do nghiến hàm hoặc nghiến răng, bác sĩ có thể chỉ định mang máng hướng dẫn (máng nhai) vào ban đêm để giúp thư giãn cơ và giảm nghiến răng. Thuốc cũng có thể được kê đơn để giúp giảm đau hoặc thư giãn các cơ.

- Một số trường hợp bác sĩ cần phải điều chỉnh khớp cắn, niềng răng hoặc các công tác nha khoa khác để điều trị.

Khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị, trẻ có thể cần phẫu thuật để sửa chữa các mô bị tổn thương trong khớp.

Phòng ngừa

Nhiều trẻ bị rối loạn khớp thái dương hàm hoặc đau khớp do nghiến răng hoặc nghiến hàm liên tục một cách vô thức. Bạn có thể giúp trẻ kiểm soát những thói quen này bằng cách làm cho trẻ nhận thức được hoạt động đó.

Dạy trẻ chú ý những hành vi này khi chúng xảy ra (ví dụ, làm bài kiểm tra ở trường, khi tức giận hoặc khó chịu, v.v.) để chúng có thể dừng lại một cách có ý thức. Nếu hành vi đó là do căng thẳng, hãy để con bạn vận động nhiều để giải phóng năng lượng thần kinh. Các bài tập thở cũng có thể giúp trẻ thư giãn.

ThS.Bs. Đinh Thị Như Thảo - Khoa Răng Hàm Mặt
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"