Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 19:58, 13/7/2021
87 lượt đọc

Công văn 1025/KH-BCĐ của Bộ Y tế về thiết lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc

Trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 xin gởi đến cán bộ y tế công văn số 1025/KH-BCĐ và một số công văn liên quan đến dịch COVID-19 nhận được đến ngày 13/7/2021.

- Công văn số 1025/KH-BCĐ nêu rõ Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thiết lập Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc với các nội dung hoạt động liên quan đến: (a) Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông; (b) Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và giám sát chất lượng văc xin; (c) Công tác tiêm chủng; (d) An toàn tiêm chủng; (e) Vận hành Văn phòng thường trực. Công văn xác định Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo cần tối thiểu 23 cán bộ làm việc toàn thời gian, các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm Chánh Văn phòng, đồng chí Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội NDVN làm Đồng Chánh Văn phòng.

- Công văn số 3375/QĐ-BYT của Bộ Y tế về phân công nhiệm vụ của Tiểu ban Tiêm chủng thuộc Ban chỉ đạo Chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc  gồm 01 Trưởng Tiểu ban, 01 Đồng Trưởng Tiểu ban, 02 Phó Trưởng Tiểu ban và 08 thành viên với các nhiệm vụ cụ thể từng nhân sự.

Công văn số 3376/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Tiêm chủng thuộc Ban chỉ đạo Chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc. Thời gian triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 với các nội dung liên quan đến: Tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch; Phân bổ vắc xin phòng COVID-19; Tổ chức triển khai chiến dịch; Tổng hợp số liệu tiêm chủng; Tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất công tác tiêm chủng tại các địa phương, đơn vị; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng. Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí Nhà nước, nguồn viện trợ của các tổ chức và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

- Công văn số 1019/KH-BCĐ của Bộ Y tế về Kế hoạch triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Công văn nêu rõ mục tiêu là: 100% NVYT trực tiếp tham gia được đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng; tỉ lệ gặp sự cố bất lợi sau tiêm thấp hơn hoặc bằng ngưỡng an toàn được công bố của vắc xin; 100% sự cố bất lợi sau tiêm trong thời gian theo dõi tại cơ sở y tế được phát hiện và cấp cứu kịp thời; 100% người được tiêm chủng được hướng dẫn và biết cách tự theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng; góp phần thông tin truyền thông để mọi người dân và các cơ quan tham gia chiến dịch hiểu và thực hiện các hướng dẫn nhằm hạn chế tối đa các sự cố bất lợi. Công văn cũng xác định 05 nội dung hoạt động cụ thể của Kế hoạch.

- Công văn số 5488/BYT-KCB của Bộ Y tế về hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các nội dung hướng dẫn bao gồm: (1)Về chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng xử trí cấp cứu việc sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; (2) Về sàng lọc, phân nhóm đối tượng trước khi tiêm chủng: nhóm đủ điều kiện tiêm chủng ngay, nhóm trì hoãn tiêm chủng và nhóm tiêm chủng tại bệnh viện; (3) Về theo dõi người sau khi được tiêm chủng: các dấu hiệu, triệu chứng sau tiêm theo phụ lục đính kèm công văn.

- Công văn số 5414/BYT-TB-CT của Bộ Y tế về đăng ký, nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Công văn qui định việc thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành cho các test kit lần đầu nhập khẩu, lưu hành. Đối với các test kit trong nước sản xuất, các đơn vị khẩn trương liên hệ đơn vị đánh giá chất lượng để đánh giá sản phẩm trên lâm sàng song song với quá trình hoàn thiện và nộp hồ sơ. Công văn cũng nêu rõ các đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đã được cấp phép. Công văn nầy thay thế cho công văn số 1592/BYT-TB-CT ngày 23/5/2020 và có hiệu lực từ ngày 08 tháng 7 năm 2021.

- Công văn số 8026/QLD-KD của Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế về đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống COVID-19. Công văn yêu cầu: (1) Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, thực hiện nghiêm các qui định về quản lý giá thuốc, rà soát năng lực bảo quản, vận chuyển, tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 phục vụ chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, sẵn sàng tham gia khi được yêu cầu; (2) Các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, tránh tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám chữa bệnh, thực hiện đúng các qui định về quản lý giá; (3) Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc đảm bảo việc tồn trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, giữ ổn dịnh hệ thống phân phối, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gảy chuỗi cung ứng; (4) Các trường hợp thuốc hiếm nguồn cung, Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên giải quyết nhanh về cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp giáy phép nhập khẩu kịp thời.

- Công văn số 4426/SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về thực hiện điều tra người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Công văn nêu rõ: (1) Đối với người bệnh có chỉ định hoặc có nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu kết quả xét nghiệm nhanh dương tính thì lấy mẫu đơn là xét nghiệm RT-PCR; (2) Đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa khi xét nghiệm SARS-CoV-2: thực hiện lấy mẫu phải đảm bảo phân luồng hợp lý, nếu đủ điều kiện làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh lưu ý phối hợp với phòng xét nghiệm khẳng dịnh được Bô Y tế cấp phép để chuyển mẫu xét nghiệm RT-PCR; (3) Tuân thủ chế độ báo cáo theo qui định của Luật Bệnh truyền nhiễm.

- Công văn số 4407/SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về đảm bảo công tác thường trực, cấp cứu người bệnh. Công văn yêu cầu tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế vừa tuân thủ công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân. Đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp (lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính-hậu cần, trực bảo vệ-tự vệ), bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị cấp cứu kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trể. Bệnh viện tạm ngưng hoạt động do phát hiện F0 bị động phải duy trì hoạt động của Khoa Cấp cứu, đảm bảo 24/7; trường hợp bệnh viện bị phong tỏa, bệnh viện phải thông báo công khai để người dân biết.

- Công văn số 4390/SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế thực hiện nghiêm chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công văn đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện: (1) Khẩn trương khống chế các ổ dịch trong cộng đồng; (2) Mở rộng khu cách ly tập trung đạt công suất 40.000-50.000 giường; (3) Truy vết, điều tra dịch tể và lấy mẫu các trường hợp F1 thực hiện trong vòng 02 giờ; (4) Đảm bảo năng lực thu dung điều trị người bệnh COVID-19, tổ chức điều trị hiệu quả, hạn chế tối đa tử vong; (5) Tăng cường kiểm soát, sàng lọc người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh; (6) Tổ chức xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trả kết quả xét nghiệm; (7) Tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế; (8) Quản lý chặt chẽ người lao động, tổ chức qui trình làm việc đảm bảo giãn cách.

- Công văn số 4198/SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về tiếp nhận, phân công sinh viên tình nguyện tham gia công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Công văn nêu rõ Sở Y tế tiếp nhận 268 giảng viên, sinh viên tình nguyện của Trường ĐHYD TP HCM, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và phân công đến làm việc tại TTYT quận, huyện, thành phố Thủ Đức từ ngày 05/7/2021 cho đến khi có yêu cầu mới. Công văn giao Phòng Kế hoạch Tài chính tham mưu Ban Giám đốc Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn kinh phí chống dịch cho các đơn vị và cá nhân tình nguyện nêu trên.

- Công văn số 4061/SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về cử nhân sự tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM. Công văn nêu rõ: các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế cử các đội hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM theo phụ lục đính kèm công văn. Công văn giao: TTYT quận huyện, thành phố Thủ Đức chủ trì phối hợp các đơn vị tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm; Thành Đoàn TP.HCM huy động điều phối nhân lực tình nguyện tham gia hỗ trợ lấy mẫu, nhập liệu, dán mã code tại nơi lấy mẫu; UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo các TTYT, đảm bảo tổ chức thuận lợi, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an toàn và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất; Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế phối hợp điều chuyển nhân sự lấy mẫu xét nghiệm giữa các địa bàn cho phù hợp.

- Tải công văn:

https://file.nhidong.org.vn/index.php/s/JfWBL8SaHe6SqMB

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"