Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 18:2, 16/7/2021
75 lượt đọc

Công văn 75/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương

Trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 xin gởi đến phụ huynh và người chăm sóc trẻ công văn số 75/NQ-CP và một số công văn từ các Bộ, ngành liên quan đến dịch COVID-19 nhận được đến ngày 16/7/2021.

- Công văn số 75/NQ-CP nêu rõ: Trong sáu tháng cuối năm 2021, tập trung cao nhất cho phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin; tận dụng thời cơ trong đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh chuyển đổi số. Các địa phương tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chuẩn bị tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn; đồng thời, trên cơ sở diễn biến tình hình, kịp thời cập nhật các kịch bản tăng trưởng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình. Công văn cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo về rà soát các quy định của luật, pháp lệnh đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Công văn số 1164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí cho Bộ Công an để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công văn nêu rõ bổ sung 389.725,8 triệu đồng (Ba trăm tám mươi chín tỉ, bảy trăm hai mươi lăm triệu, tám trăm ngàn đồng) từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương năm 2021 cho Bộ Công an để thực hiện: (i) Chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng Công an tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; (ii) Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong lực lượng Công an nhân dân.   

- Công văn số 5599/BYT-MT của Bộ Y tế về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19. Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện: (1) Giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh, tiếp tục theo dõi tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo; (2) Nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà theo Hướng dẫn đính kèm công văn, thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly; (3) Đối với các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng có thể cho xuất viện sớm vào ngày thứ 10 khi kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu. Đối với các trường hợp phát hiện bệnh tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng nếu có tải lượng vi rút thấp lần 1 thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24 giờ xét ngiệm lại vẫn có tải lượng thấp thì cho xuất viện và thực hiện hiện giám sát như trên.

- Công văn số 1354/ATTP-NĐTT của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh (CSSXKD), khu công nghiệp (KCN), khu cách ly (KCL). Công văn yêu cầu Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tập trung thực hiện: (1) Trong chế biến thực phẩm tại các CSSXKD, KCN, KCL: Bếp ăn dã chiến cần đảm bảo các yêu cầu an toàn trong khu vực chế biến, nấu ăn; thực hiện ăn chín, uống chín (ăn không quá 2 giờ sau khi chế biến); có thùng rác có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi. Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe. Các cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, suất ăn thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động; (2) Trong việc tổ chức bữa ăn tại CSSXKD, KCN: cung cấp các suất ăn cá nhân, bố trí việc lấy suất ăn theo nguyên tắc một chiều. Tại các cơ sở cách ly: Cung cấp suất ăn riêng cho từng trường hợp được cách ly, không ngồi ăn chung, có xe đẩy để chuyển thức ăn cho người được cách ly. 

- Công văn số 4345/BNN-VP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo lương thực, thực phẩm trong dịch bệnh COVID-19. Công văn nêu rõ Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo phối hợp: (1) Rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loạt nông sản chính tại địa phương, xây dựng kế hoạch tiêu thụ phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; (2) Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản; ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng nông sản; (3) TP Hồ Chí Minh thông tin kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm cần cung ứng để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

- Công văn số 6779/BGTVT-VT của Bộ Giao thông và Vận tải về ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải. Công văn đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan: (1) Bố trí điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra riêng biệt và ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản; ưu tiên trả lời kết quả nhanh để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa; (2) Thông tin công khai các địa điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra cho người lái xe và nhân dân biết, thực hiện xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo thuận lợi lưu thông hàng hóa và chống dịch.

- Công văn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Tổng Liên đoàn – Phòng Thương mại về tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Công văn nêu rõ: thống nhất Hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo hoạt động an toàn, tránh đứt gảy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng theo các nguyên tắc: (1) Chỉ tổ chức sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thật sự an toàn; (2) Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; bàn bạc thống nhất phương án phù hợp với tình hình doanh nghiệp và nhu cầu địa phương; (3) Đề cao tính tự giác, ý thức chấp hành; xử lý nghiêm hành vi vi phạm; (4) Tuân thủ đầy đủ các qui định, hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan, chính quyền các cấp; (5) Căn cứ qui định của cơ quan có thẩm quyền và Hướng dẫn nầy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế để triển khai trên địa bàn. Hướng dẫn bao gồm các nội dung liên quan đến: Điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp; Điều kiện đối với người lao động; Điều kiện đối với người sử dụng lao động. Công văn cũng nêu ra cách thức tổ chức thực hiện đối với các cơ quan liên quan.

- Công văn số 777/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Công văn nêu rõ 03 thủ tục hành chính mới ban hành; 04 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung; 01 thủ tục hành chính bãi bỏ. Công văn cũng hướng dẫn cụ thể nội dung của từng thủ tục hành chính liên quan.

- Công văn số 615/TB-VP của UBND TP Hồ Chí Minh về kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Công văn nêu rõ: (1) Cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với doanh nghiệp đảm bảo một trong hai trường hợp sau: Thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chổ với phương châm 3 tại chổ; hoặc, Thực hiện được phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”; (2) Trường hợp không đảm bảo theo yêu cầu trên thì dừng hoạt động từ 00g00 ngày 15 tháng 7 năm 2021 cho đến khi có thông báo mới.

- Tải công văn:

https://file.nhidong.org.vn/index.php/s/nP3gDeaBY9ypyaG

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"