Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:18, 26/3/2022
523 lượt đọc

Khi trẻ em trở thành F0 – Những điều cần lưu ý (Phần 2)

Cần luôn tuân thủ tốt 5K để phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện chế độ dinh dưỡng ăn uống lành mạnh và đưa trẻ đi tiêm vắc xin theo đúng chỉ định.

D. Những điều cần lưu ý khi chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà

- Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,5 độ C: paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, uống (hoặc đặt hậu môn khi trẻ bị nôn ói hay không uống thuốc được), thời gian tối thiểu cách mỗi 4 - 6 giờ, tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.

- Khi trẻ sốt nhiều bị mất nước phụ huynh cần cho trẻ bù nước bằng những loại nước uống tốt cho sức khỏe như nước sôi nguội, nước canh, nước súp, nước ép trái cây tươi hoặc có thể sử dụng dung dịch Oresol (bù nước, điện giải khi trẻ bị mất mất nước do sốt cao, tiêu chảy, nôn ói nhiều).

- Tăng cường cho trẻ nhỏ bú mẹ (lưu ý mang khẩu trang khi tiếp xúc trẻ, rửa taytrước và sau khi cho trẻ bú).

- Trẻ có tiền sử co giật do sốt cao phụ huynh nên lau mát hạ sốt nhanh bằng nước ấm cùng với dùng thuốc cũng giúp trẻ khỏe khoắn hơn và giảm nhiệt.

  *Tuyệt đối tránh những việc làm sau:

+ Không ủ ấm trẻ quá kỹ khi thấy trẻ sốt cao kèm lạnh run.

+ Không dủng rượu, dấm hay cồn lau mát hạ sốt cho trẻ vì có thể gây ngộ độc.

+ Không dùng nước đá lạnh chườm mát cho trẻ vì không hiệu quả và có thể gây bỏng nhiệt.

+ Không tự ý dùng thuốc kháng virus (thuốc này chỉ sử dụng cho người trưởng thành trên 18 tuổi và việc sử dụng phải được giám sát theo chỉ định từ bác sĩ điều trị).

+ Không tự ý dùng kháng sinh, kháng viêm, kháng đông khi chưa có chỉ định của bác sĩ hay nhân viên y tế.

+ Không xông hơi cho trẻ em.

E. Theo dõi sát diễn tiến bệnh của trẻ, nhất là những trẻ có nguy cơ dễ chuyển nặng

- Tiến triển khi trẻ mắc COVID-19: hầu hết những trẻ khỏe mạnh, cơ địa bình thường khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 chỉ có biểu hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thông  thường chỉ bị viêm đường hô hấp trên, trẻ ho khan, than đau họng, sổ mũi, đau nhức cơ thể hay mệt mỏi thoáng qua. Trẻ có thể bị viêm phổi nhẹ, và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Ghi nhận tại các cơ sở khám chữa bệnh trẻ em, nếu trẻ bị nhiễm biến thể Omicron đa phần bị sốt cao, phụ huynh cần theo dõi và chăm sóc tốt trẻ khi bị sốt.

    * Các yếu tố tiên lượng nặng khi trẻ bị COVID-19 thường gặp ở những trẻ có cơ địa đặc biệt, các trẻ này cần đưa đến bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 trẻ em để được chăm sóc tích cực, những trẻ có cơ địa đặc biệt (bệnh nền) bao gồm:

       - Trẻ bị thừa cân, béo phì

       - Trẻ có bệnh lý tim mạch (tim bẩm sinh phức tạp).

       - Trẻ sinh non, sinh thiếu tháng, cân nặng lúc sinh thấp dưới 2500gram.

       - Trẻ mắc các bệnh chuyển hóa, di truyền: bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gien.

       - Trẻ mắc bệnh hô hấp mạn tính: hen phế quản (gọi là suyễn), viêm phế quản co thắt, viêm tiểu phế quản.

       - Trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, hay mắc phải: trẻ bị nhiễm HIV, đang điều trị corticoid kéo dài.

       - Trẻ bị bệnh thận mạn, bị ung thư hay bệnh lý huyết học đang tiến triển.

F. Phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ở trẻ em, nhất là môi trường học đường

* Khi trẻ ở nhà trường:

- Tạo môi trường sinh hoạt học tập của trẻ đạt mức an toàn trong thời gian trẻ học tại trường (như thường xuyên khử khuẩn phòng học, vệ sinh đồ chơi-vật dụng an toàn cho trẻ, vệ sinh sạch sẽ nền nhà, bề mặt bàn ghế...) giúp trẻ hạn chế sự lây nhiễm.

- Nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh tay thật tốt (rửa tay thường xuyên bằng nước sạch với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn tay nhanh).Trẻ đi học cần mang khẩu trang và đảm bảo việc giữ khoảng cách an toàn giữa các trẻ.

- Theo dõi, giám sát và phát hiện sớm những trẻ bị F0 do phụ huynh hoặc cơ sở y tế phát hiện. Nhà trường thực hiện cách ly kịp thời trẻ bị nhiễm COVID-19 theo sự hướng dẫn của y tế địa phương để giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ lành khác và các thành viên trong gia đình.

- Nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ (uống đủ nước, ăn các thức ăn tốt cho sức khỏe) giúp nâng cao sức đề kháng cũng là cách tốt để trẻ phòng ngừa tình trạng lây nhiễm bệnh.

* Vai trò của gia đình:

- Cần luôn tuân thủ tốt 5K để phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện chế độ dinh dưỡng ăn uống lành mạnh và đưa trẻ đi tiêm vắc xin theo đúng chỉ định.

- Giữ bình tĩnh và tích cực phối hợp với nhân viên y tế hay bác sĩ trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ bị mắc F0 tại nhà một cách hợp lý và an toàn nhất giúp trẻ mau lành bệnh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiện chuyển nặng lên đưa trẻ đến ngay các bệnh viện điều trị COVID-19 cho trẻ em (khu vực Tp. Hồ Chí Minh có BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2 và BV Nhi Đồng Thành phố) để đảm bảo sự an toàn và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Trang web tham khảo

  1. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/-infographic-huong-dan-dieu-tri-cho-tre-mac-covid-19-tai-nha.
  2. https://www.aap.org/en/pages/2019-novel-coronavirus-covid-19-infections/children-and-covid-19-state-level-data-report/.

      3. https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/coronavirus-outbreak-and-kids

 

TS.BS Đinh Thạc – BV Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"