Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:10, 21/3/2022
782 lượt đọc

Khi trẻ em trở thành F0 – Những điều cần lưu ý (Phần 1)

Theo ghi nhận từ WHO và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tình hình lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng trẻ em bị lây nhiễm biến thể Omicron có xu hướng gia tăng trong cộng đồng gây nhiều lo lắng cho gia đình.

Qua những con số thống kê mới nhất cho thấy trẻ em đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh COVID-19, hầu hết đều không có biểu hiện triệu chứng, hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ Số ít trẻ bệnh có thể bị những biến chứng nguy kịch, thường là những trẻ có những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn làm gia tăng nguy cơ bị bệnh nặng nếu không may bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cần cha mẹ theo dõi chặt chẽ và chăm sóc tích cực để bảo đảm sự an toàn cao nhất cho trẻ.

A. Trẻ em có thể bị mắc COVID-19 và là nguy cơ lây lan cho gia đình

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ nhận định, hầu hết trẻ em khi bị nhiễm bệnh COVID-19 đều không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ có những biểu hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ. Các nghiên cứu đã có từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đã ghi nhận trẻ em không phải là đối tượng góp phần làm lây lan vi rút. Tuy nhiên những nghiên cứu khoa học gần đây nhất đã chỉ ra rằng trẻ em có thể là nguồn lây nhiễm mầm bệnh này cho gia đình và cho cộng đồng.

 

- Những nghiên cứu này ghi nhận nhiều tương đồng: trẻ em bị lây nhiễm ngày càng nhiều, vi rút lây nhiễm cư trú ở đường hô hấp trên của trẻ giống như ở người lớn. Một nghiên cứu khoa học từ các nhà khoa học của đại học Harvard (Mỹ) vào tháng 11 năm 2021 cho thấy trẻ em cũng là đối tượng mang mầm bệnh vi rút sống có khả năng lây nhiễm cho người khác.

- Nồng độ vi rút được phát hiện ở trẻ (còn gọi là  tải lượng vi rút) không tương quan đến mức độ nặng nhẹ trong biểu hiện triệu chứng ở trẻ bị nhiễm. Nói cách khác, một trẻ bị nhiễm có biểu hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ hay không xuất hiện triệu chứng có thể mang lượng vi rút ở trong vùng mũi họng cũng tương đồng với một trẻ bị nhiễm với những biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, sự hiện diện của tải lượng vi rút cao ở trẻ bị nhiễm làm gia tăng khả năng lây lan dịch bệnh, cho dù trẻ không xuất hiện triệu chứng vẫn có khả năng làm lan truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.

- Bộ Y tế Việt Nam đã ghi nhận trẻ em mắc COVID-19 chiếm khoảng 19,2% tổng số bệnh nhân. Theo báo cáo mới nhất, trong số các trường hợp COVID-19 ghi nhận thì tỷ lệ nhiễm trong tổng số trường hợp bị nhiễm ở trẻ theo nhóm tuổi là: trẻ 0-2 tuổi chiếm 2,5%; 3-12 tuổi chiếm 8,9%; 13-17 tuổi chiếm 5,7%. Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ thấp hơn nhiều so với người lớn nhưng lại gây những tác động đến thể chất, tinh thần của trẻ và trẻ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

B. Tiêu chí xác nhận trẻ mắc COVID-19 và hướng dẫn chăm sóc tại nhà

Ngày 3/3/2022, Bộ Y tế có Quyết định số 528/QĐ-BYT ban hành "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19." Hướng dẫn gồm các tiêu chí lâm sàng để xác nhận trẻ em là F0 và hướng dẫn điều trị, chăm sóc trẻ tại nhà; những vấn đề cần thiết trong gia đình cần chuẩn bị cho trẻ trong quá trình trị liệu.

* Tiêu chí mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà đối với trẻ em:

- Trẻ em nhỏ hơn hoặc bằng 16 tuổi mắc COVID-19 được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.

- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi)

- Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Đồng thời phải có bố, mẹ, người thân có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế (qua các phương tiện như điện thoại, máy tính bảng) để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

* Các vật dụng, những loại thuốc thiết yếu để chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà:

- Về vật dụng: nhiệt kế để theo dõi tình trạng sốt, máy đo SpO2 cá nhân (nếu có), khẩu trang y tế, phương tiện vệ sinh tay, vật dụng cá nhân cần thiết, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

- Thuốc điều trị thiết yếu tại nhà gồm:

         + Thuốc hạ sốt: Paracetamol đơn chất với các hàm lượng phù hợp tùy theo lứa tuổi, đủ dùng từ 5-7 ngày.

        + Thuốc cân bằng điện giải: gói ORS hoặc gói bù nước khác để pha thành dung dịch bù nước điện giải, các loại nước uống an toàn sử dụng cho trẻ như nước suối, nước khoáng.

         + Thuốc giảm ho an toàn, đủ dùng từ 5-7 ngày.

         + Dung dịch nhỏ để vệ sinh vùng mũi, họng như nước muối loãng (NaCl 0,9%), đủ dùng 5-7 ngày.

         + Thuốc điều trị bệnh nền (nếu cần, theo chỉ định của bác sĩ điều trị đủ sử dụng trong 1-2 tuần).

* Thực hiện cách ly, phòng lây nhiễm khi có trẻ mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà

- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần tạo không gian cách ly riêng cho trẻ nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm, luôn mở cửa sổ thông thoáng.

- Đeo khẩu trang: khuyến khích trẻ em mắc COVID-19 (với trẻ ≥ 2 tuổi), người chăm sóc trẻ trực tiếp, người lớn nên mang khẩu trang thường xuyên để hạn chế lây nhiễm.

- Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa trẻ mắc COVID-19 với người lành nếu có thể được.

- Đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn nơi cách ly, thực hiện việc khử khuẩn bề mặt thường xuyên để hạn chế sự lây nhiễm trong gia đình.

C. Theo dõi sức khỏe trẻ mắc COVID-19

Đối với trẻ dưới 5 tuổi: theo dõi sức khỏe tinh thần, sinh hiệu của trẻ (đếm nhịp thở, đếm mạch, đo SpO2 nếu được, đo thân nhiệt) ít nhất 2 lần trong ngày, chăm sóc tốt dinh dưỡng qua việc cho bú/ ăn uống của trẻ, quan sát màu sắc da, niêm mạc, tình trạng tiêu hóa.

      

Phụ huynh theo dõi sát để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh tích cực hơn:

- Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc ngủ li bì, trẻ co giật, hôn mê.

- Sốt cao liên tục >39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp hạ sốt tích cực như dùng thuốc hạ sốt, lau người bằng nước ấm; hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi nhịp thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi nhịp thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi nhịp thở ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ thở bất thường: khó thở, phập phồng cánh mũi, co kéo lồng ngực, cơ liên sườn, thở rít.

- Dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, khát nước, tiểu ít, da tím tái.

- Đo SpO2 < 96% (nếu có máy), trẻ nôn mọi thứ, trẻ không bú được hoặc bỏ ăn, không thể uống được hay nghi ngờ trẻ mắc thêm các bệnh nguy hiểm khác như Sốt xuất huyết, Tay Chân Miệng, viêm màng não…

Đối với trẻ lớn từ 5 tuổi trở lên: theo dõi các dấu hiệu tương tự như trẻ nhỏ: tinh thần, đếm nhịp thở, đếm mạch, đo SpO2 (nếu được), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, việc ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa; trẻ lớn theo dõi thêm dấu hiệu mất khứu giác, mất vị giác.

- Phát hiệu triệu chứng bất thường hoặc bệnh chuyển nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh kịp thời khi có một trong các dấu hiệu sau: khó thở; ho liên tục; bỏ ăn, uống; sốt cao liên tục không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ; nôn mọi thứ; đau tức ngực; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi. Đo SpO2 < 96% (nếu được), trẻ có dấu hiệu thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi  ≥ 20 lần/phút, thở bất thường như thở co lõm lồng ngực, cơ liên sườn, thở rít…

- Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong suốt thời gian chăm sóc tại nhà các gia đình cần lưu lại số điện thoại tiện dùng để liên lạc khi cần như số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận/ huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, số điện thoại bác sĩ gia đình, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, đường dây tham vấn bác sĩ đồng hành) để liên lạc, xử trí khi trẻ cần được hỗ trợ trong tình huống trẻ trở nặng cần điều trị cấp cứu.
BS. Đinh Thạc
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"