Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:7, 9/2/2021
629 lượt đọc

Cùng trẻ đón Tết vui khỏe an toàn (Kỳ 2)

Tết Nguyên Đán là thời khắc đặc biệt của tất cả mọi người dân sống trên dải đất hình chữ “S”, đánh dấu một năm mới bắt đầu với nhiều niềm vui và ước mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Một cái tết cổ truyền đánh dấu niềm vui đoàn viên của mọi người thân trong gia đình nhất là trẻ em. Các em xúng xính khoe màu áo mới, được cha mẹ đưa đi thăm và chúc tết ông bà, họ hàng, được du xuân khắp nơi và đặc biệt được thưởng thức các món ngon ngày Tết bỏ lại sau lưng những tháng ngày miệt mài học hành. Giúp trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của những ngày Tết cổ truyền, và quan trọng hơn là giúp trẻ có được một cái tết vui khỏe trọn vẹn thì việc quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho trẻ trong những ngày tết luôn là điều đáng trân trọng từ tấm lòng yêu thương con trẻ của mình.

B. Những điều nên tránh đối với trẻ vào những ngày Tết

Không để trẻ thức quá khuya: Vào những ngày Tết trẻ được nghỉ học nên thường không có khái niệm về thời gian, không chú ý việc đi ngủ đúng giờ; cha mẹ lại quá bận rộn trong việc đón Tết nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ phải luôn nhắc nhở trẻ đi ngủ đúng giờ, không nên thức quá muộn, hay ngủ quá khuya sẽ rất có hại cho sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt về hệ thần kinh.

Không để trẻ quá nhiều thức ăn ngọt: Thức ăn ngọt ngày Tết rất dồi dào và bắt mắt, từ các loại mứt Tết, bánh kẹo ngọt đến những loại nước uống chứa nhiều đường ngọt đóng chai luôn hấp dẫn trẻ. Nếu không có sự kiểm soát của người lớn thì trẻ sẽ ăn thỏa thích những thức ăn ngọt ngày Tết. Việc ăn uống như thế sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể: trẻ ăn ngọt nhiều quá vốn dĩ đã dư cân trước đó sẽ nhanh chóng bị tăng cân béo phì dịp sau Tết; trẻ biếng ăn hoặc lười ăn trước đây khiến cha mẹ lo lắng nhưng lại thích ăn thức ăn ngọt ngày Tết sẽ dễ làm cho trẻ bỏ những bữa chính, càng làm cho tình trạng dinh dưỡng của trẻ trở nên xấu hơn. Chưa kể, những tình huống trẻ ăn hoặc uống quá nhiều đồ ngọt có thể gặp những phiền phức cho hệ tiêu hóa như: trẻ bị đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy cấp.

Không để trẻ vui chơi giải trí quá độ, nhất là chơi game và xem tivi: Những ngày nghỉ Tết, sẽ có những trẻ chỉ ở nhà dán mắt vào màn hình tivi để xem thỏa thích các chương trình giải trí hay ngồi giữ khư khư chiếc điện thoại di động, máy tính bảng (Ipad) hoặc máy vi tính bàn để chơi trò chơi điện tử suốt suốt cả ngày. Đây chính là điều không hề tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ nhỏ. Phụ huynh chú ý, không nên để trẻ dưới 2 tuổi xem tivi hoặc tạo thói quen cho trẻ lớn xem chỉ tivi trong khoảng 2 - 4 tiếng đồng hồ trong một ngày. Với trẻ lớn chỉ nên cho trẻ chơi các trò chơi điện tử tối đa trong vòng 1 giờ sau khi trẻ đã hoàn thành các phần việc được cha mẹ giao trong ngày Tết như quét dọn nhà cửa, rửa chén, lặt rau, tưới nước chậu hoa Tết… để cho trẻ có thể thư giãn và như một phần thưởng tinh thần đúng nghĩa dành cho trẻ. Việc ngồi quá lâu một chỗ sẽ ảnh hưởng đến cột sống và mắt cho kỳ học sau Tết, và nhất là tình trạng dư cân, béo phì vì trẻ ít vận động có thể dẫn đến những bệnh lý mạn tính sau này.

Không nên để trẻ tự ý ăn trái cây có hạt hoặc ăn những loại hạt ngày Tết: Những loại trái cây có hạt hoặc những loại hạt thường dùng ngày Tết như: hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, đậu phộng…luôn là mối nguy hại đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, nếu không cẩn thận những loại hạt này có thể rơi vào đường thở gây tình trạng hóc sặc dị vật đường hô hấp. Nếu không được xử trí sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Để đảm bảo an toàn cho trẻ và để gia đình đón Tết thật vui, cha mẹ nên để mắt đến trẻ nhất là khi cho trẻ ăn những loại trái cây có hạt, bằng cách cẩn thận loại bỏ hết hạt trước khi cho trẻ ăn; đặc biệt những loại hạt ngày Tết nên để xa tầm với của trẻ hoặc cất giữ cẩn thận khi không dùng tới.

C. Những điều cha mẹ cần thực hiện cho trẻ trong những ngày Tết

Chế biến thức ăn luôn đảm bảo vệ sinh an toàn: Nên chọn mua những loại thực phẩm chế biến sẵn của những nhà sản xuất có uy tín (có thương hiệu) với hạn sử dụng an toàn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Những loại thực phẩm tươi sống nên chọn mua những loại “thực phẩm sạch”, sơ chế và bảo quản đúng cách để tốt cho sức khỏe mọi người. Khi thực hiện chế biến thức ăn cho gia đình, phụ huynh nên chú ý nguyên tắc “Vệ sinh – an toàn thực phẩm” của ngành Y tế để phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm cho đường tiêu hóa, thường gặp nhất là tình trạng ngộ độc thức ăn ngày tết.

Trang bị tủ thuốc ngày Xuân đầy đủ và an toàn tại nhà: Trong gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ nên trang bị sẵn trong “tủ thuốc gia đình” một số loại thuốc thông dụng để khi cần có thể sử dụng khi trẻ không may bị bệnh vào ngay dịp Tết khi gia đình chưa kịp đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.

Duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể tốt: Ngày tết, con trẻ sẽ tiếp xúc với đồ ăn nhiều hơn thường nhật và thói quen rất “trẻ thơ” là trẻ thường dùng tay để bốc thức ăn. Cha mẹ cần chú ý nhắc trẻ cần rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch trước khi cầm nắm thức ăn và sau khi đi vệ sinh để có thể giúp trẻ phòng tránh vô số những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua con đường tay - miệng. Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp”. Rửa tay sạch sẽ chính là liều vắcxin hoàn toàn miễn phí dành cho mọi người và cũng chính là biện pháp quan trọng để phòng ngừa sự lây nhiễm của căn bệnh đại dịch Covid-19 đang gây nhiều ảnh hưởng sức khỏe cho con người trên toàn thế giới.

Khi cần cho trẻ đi xa thăm người thân hoặc đi chúc tết ông, bà: Trong tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp cha mẹ cần suy xét sự cần thiết khi đi xa trong những ngày Tết, tốt nhất không nên đến những nơi mà ngành y tế cảnh báo đang có dịch. Khi quyết định đi thăm và chúc Tết người thân phụ huynh cần đảm bảo sự an toàn tối thiểu là luôn mang khẩu trang phòng dịch cho cả gia đình và thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh hay rửa bằng xà phòng với nước sạch. Cha mẹ cần xác định rõ lứa tuổi thích hợp ở trẻ có thể đi xa cùng với gia đình là trẻ từ 18 tháng tuổi và đảm bảo mang theo cho trẻ đủ lượng thức ăn (thường là loại chế biến sẵn) trong suốt hành trình, mang theo túi thuốc thông dụng để có thể sử dụng khi cần. Đặc biệt hơn, nên mang theo những vật dụng, đồ chơi và đồ dùng thân thuộc để hỗ trợ trẻ trong việc ăn uống, vui chơi và ngủ nghỉ, giúp mang lại những những tiện lợi nhất cho trẻ trong những ngày trẻ vui đón Xuân ở nơi xa “mái nhà thân quen”. Những đồ dùng, vật dụng cần thiết cũng như thức ăn cần mang theo cho trẻ theo gợi ý dưới đây:

   - Vật dụng cá nhân như quần áo, tã lót của trẻ cần chuẩn bị đầy đủ giúp trẻ thoải mái suốt chuyến đi.

   - Đồ ăn, thức uống phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhất là thức ăn nhanh (sữa bột, cháo ăn liền, mì gói, yaourt, nước suối…), cần đầy đủ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ.

   - Vật dụng dùng cho việc ăn uống của trẻ như bình pha sữa, ly uống nước, muỗng ăn cháo, chén ăn bột… cần mang theo đầy đủ và tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh khi sử dụng cho trẻ. Để tiện dụng gia đình có thể chọn những vật dụng sử dụng một lần có bán sẵn trên thị trường.

   - Túi thuốc cá nhân với những loại thuốc thông dụng cho bé sử dụng nếu không may bị mắc bệnh như thuốc hạ sốt, thuốc ho an toàn, thuốc trị tiêu chảy, nôn ói, thuốc trị chứng đầy bụng… hoặc một vài loại kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Túi thuốc cũng nên có sẵn băng keo cá nhân, bông, băng, gòn, gạc và một số loại thuốc bôi ngoài da chuyên dùng như cồn loãng 70o, nước ôxy già, nước muối loãng, thuốc tím Milian, thuốc sát trùng Petadine…đặc biệt là dung dịch sát khuẩn tay nhanh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình trong mùa đại dịch.

   - Vật dụng sinh hoạt cần thiết như đèn pin, khẩu trang y tế, mũ rộng vành, kem chống nắng, kem chống muỗi dành cho trẻ em…giúp trẻ an tâm hơn trong chuyến đi.

   - Mang theo cho trẻ những vật dụng hoặc đồ chơi mà trẻ yêu thích như chú gấu bông, búp bê, bộ xếp hình, gối ngủ…giúp trẻ luôn cảm thấy vui vẻ và dễ đi vào giấc ngủ.

   - Chuẩn bị cho mỗi trẻ một bảng tên đeo trên người với những thông tin cần thiết như tên của trẻ, tên cha mẹ, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên hệ để phòng trường hợp trẻ bị thất lạc giúp cha mẹ dễ dàng tìm được trẻ.

   - Những vật dụng cần thiết khác như máy ảnh máy quay phim để lưu lại những khoảng khắc kỷ niệm cho gia đình, áo mưa và dù cũng thật cần thiết khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Chăm lo sức khỏe cũng như sự an toàn của trẻ trong những ngày tết là cách tốt nhất để mọi người cùng đón những ngày xuân trọn vẹn nhất, cha mẹ sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc khi thấy con trẻ khỏe mạnh, hồn nhiên vui tươi bên cạnh ông bà và những người thân để gia đình cùng nhau bước vào những ngày tết cổ truyền thật ý nghĩa, an toàn và tràn ngập niềm vui.

TS. BS Đinh Thạc
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"